Song Nhi
(Truyện ngắn của tôi)
Hôm nay là chánh giỗ ba của chú tư Hiệp. Nhà trên, nhà dưới không ngớt người vào ra. Thằng Hưng cùng đám trẻ con chạy giỡn ồn ào trước sân trong khi má nó tất bật nấu nướng ở sau bếp cùng những người đàn bà ở chung xóm. Nơi xóm cù lao này nhà chú Tư là dư giả nhất nhờ đất đai do ông bà để lại. Chú thím tính tình vui vẻ, tốt bụng nên bà con chòm xóm rất qúy mến. Mỗi năm tới đám giỗ ba mình, chú Tư tổ chức lớn lắm để mời bà con, láng giềng tới chung vui. Đám trẻ con như Hùng thì còn thích hơn vì được ăn uống thoả thích.
Vậy mà sáng giờ không thấy bóng chú Tư đâu. Mâm cỗ nấu nướng chuẩn bị dọn cúng thì chú Tư về tới. Nhưng theo sau chú còn có một cặp vợ chồng dẫn theo ba đứa con nheo nhóc, quần áo vàng khè cũ kỹ. Trong lúc chú Tư vào nhà gia đình họ ngồi bên thềm điệu bộ xem chừng ngại ngần, ngượng ngập. Thím Tư luôn miệng ân cần giục chú thím nó uống tạm hớp nước cho khoẻ. Một lúc sau trong nhà vang lên tiếng của bà Sáu - má chú Tư. Xem chừng như không vừa lòng chuyện gì đó nhưng giọng chú Tư dù nhỏ nhẹ như nghe rất cương quyết. Một lúc sau bà Sáu có vẻ dịu giọng, nhượng bộ. Chú bước ra thềm hướng vào cặp vợ chồng ấy và nói:
- Em lên đây đốt nhang, để cúng cơm cho ba với chào má. Anh nói chuyện với má xong rồi má không làm khó dễ gì nữa đâu em đừng lo. Thím dẫn tụi nhỏ ra sau rửa mặt mũi nghĩ ngơi, nếu đói nói chị Tư lấy gì cho ăn tạm. Chờ cúng xong rồi ăn cơm trưa luôn thể.
Buổi trưa hôm đó chú dẫn hai vợ chồng ấy đi từng bàn và giới thiệu với bà con lối xóm. Họ sẽ về ở căn nhà cũ của chú ở phía cuối xóm cũng như chú chia cho họ mấy công đất để trồng trọt mưu sinh.
Người đàn ông ấy là em trai cùng cha khác mẹ với chú Tư ở tận miệt Cà Mau, tên Tòng. Trước đây bà Sáu mẹ chú Tư không có chịu nhìn nhận đứa con riêng của chồng. Tình cờ dạo sau này chú Tư biết được tin tức của gia đình em mình rất khốn khó. Xót tình máu mủ, ruột thịt nên chú tới thăm và kêu họ dọn về đây sống. Dù rằng xóm cù lao này cũng nghèo khổ vất vả nhưng so ra vẫn tốt hơn nơi của họ.
Ảnh: Hoàng Trọng Dũng. |
Sau bữa cơm khi người đàn ông ngồi cạnh chú Tư chén anh, chén chú với mấy người đàn ông trong xóm. Người đàn bà và hai đứa con lớn thì phụ dọn dẹp gì đó phía sau bếp. Đứa con gái nhỏ nhất của họ gầy gò, ốm yếu, đứng ké ré ở một góc nhà giương mắt nhìn đám trẻ đang đùa giỡn.
Trong đám trẻ ấy, Hưng là đầu trò của những trò nghịch ngợm và ngỗ ngáo hơn hết thẩy. Nó đưa tay ngoắt con bé lại. Rụt rè một chút con bé cũng đi lại, ngước nhìn nó bằng anh mắt sợ sệt. Nó nhìn con bé và hỏi:
- Mày tên gì? Bao nhiêu tuổi rồi? Anh chị của mày tên gì?
Nhìn nét mặt của Hùng cũng đám trẻ phía sau con bé chừng như sợ hãi hơn cúi đầu nói lí nhí :
- Tui tên Vàng, tui 9 tuổi, chị hai tui tên Mèo 12 tuổi, anh ba tên Hòn 10 tuổi.
Thằng Hưng nhíu mày ra vẻ suy nghĩ và nói :
-Tên gì kỳ vậy, sao giống tên con Vàng nhà tao quá vậy .
Đám trẻ con cười ngả nghiêng như thể phụ họa cho câu nói của Hưng. Hưng định nói thêm một câu nữa nhưng nó thấy con Vàng đã rơm rớm nước mắt nên chắc nó tội nghiệp nên nói lảng qua:
- Ừ, tao nghe má tao bảo tên xấu cho dễ nuôi, tên mày Vàng mà là vàng bạc, không phải màu vàng thứ con ki ki nhà tao. Không sao hết ngày mai tao gọi nó bằng con phèn. Tao 13 tuổi lớn hơn cả chị Mèo của mày từ nay phải gọi tao là anh nghe chưa? Tao biểu cái gì phải nghe theo, không thì tao cú lủng đầu mày. Ra đây chơi trốn kiếm chung với tụi tao nè, đứng đó làm chi.
Vàng mím môi gật đầu nhè nhẹ rồi lủi thủi đi sau Hưng ra nhập bọn với đám trẻ.
Gia đình của chú năm Tòng nhanh chóng hòa nhập với mọi người. Tuy mới về đây nhưng chòm xóm điều rất qúy chú thím vì tính chịu khó lại hiền lành. Người nhà quê ở chung xóm một bữa là coi như quen rồi huống hồ chi chú thím về đây cũng gần một năm rồi.
Ba chị em nhà Vàng được gởi tới lớp học tình thương của bác Chín Thuận, một ông giáo làng về hưu, để học cho biết mặt chữ. Do đã quá tuổi và không có giấy khai sinh cũng như chưa làm hộ khẩu xong nên trường cấp một người ta không chịu nhận. Ngoài giờ học thì phụ đỡ đần cha mẹ như bao đứa trẻ khác. Có lẽ vì Vàng ốm yếu lại là con út nên chú thím Tòng chỉ sai làm những việc lặt vặt trong nhà.
Trong khi anh chị nó phải nhổ cỏ vườn hoặc mò cua, bắt ốc để cải thiện thêm bữa ăn của gia đình. Tuy còn nhỏ nhưng Vàng lại siêng năng và rất thạo việc nhà như nấu cơm, kho cá, quét dọn, nó đều làm thành thạo.
Chẳng biết có phải vì ngày đầu tiên bị thằng Hưng dọa nạt như vậy Vàng đâm ra sợ nó. Hay tại vì nhìn thằng Hưng phùng mang trợn mắt hăm he thằng Tí Chuột rằng không được giật tóc con Vàng trong lớp học nữa mà chuyện gì nó cũng nghe lời thằng Hưng răm rắp. Thằng Hưng đi đâu nó kè kè một bên mặc kệ nhiều lúc thằng Hưng bực bội, nổi máu cộc quát tháo nó.
Từ ngày có con Vàng kế bên thằng Hưng khoái lắm. Nó vốn là đứa ham chơi chẳng mấy khi chịu ngồi yên nói chi làm những việc mà má nó sai bảo. Những buổi chiều má nó phải đi chợ sai nó ở nhà nấu cám heo. Chờ má nó đi khuất bóng nó ới một tiếng là con Vàng chạy ào qua. Nó chỉ việc đánh một giấc ngon lành hay chơi tán u với mấy đứa bạn trước sân. Nồi cám heo được nấu tươm tất khi má nó về.
Nếu trời xế chiều thì nồi cơm được nấu chín luôn. Nhiều lúc nó nghĩ trong mấy truyện cô giáo nó đọc ở lớp học có bà tiên, ông bụt chắc giỏi cũng cỡ con Vàng thôi. Má nó biết con Vàng giúp nó chứ đời nào đứa như nó mà biết vén khéo bếp núc như vậy. Thỉnh thoảng đi chợ về có mua ít quà bánh bao giờ bà gọi con Vàng sang cho ăn. Đôi khi cho nó năm ba cái áo mà chị gái của thằng Hưng đang học trên tỉnh, bận hết vừa. Bởi vậy thằng Hưng không thấy ái náy gì hết khi sai vặt con Vàng. Hôm nào muốn đi câu nó nói một tiếng là con Vàng xách lon đi đào trùng ngay rồi sau đó xách cần theo nó rong ruổi nguyên cả buổi trưa. Dần dà lâu ngày thằng Hưng quen có sự xuất hiện của nó bên mình như một lẽ hiển nhiên. Nhiều lúc thằng Hưng nghĩ phải chi mình có đứa em gái như nó thì tốt biết mấy.
Năm nào ngay giữa mùa hè má thằng Hưng cũng dắt nó cùng đi lên nhà cậu nó ở Sài Gòn nhân dịp đám giỗ bà ngoại. Mấy năm trước nó nôn nao chờ tới ngày được lên Sài Gòn chơi vì cậu và những anh chị họ trên rất thương nó. Nhiều lúc nó thấy lạ ghê nơi Sài Gòn bánh kẹo thừa mứa bày đầy ra đó. Nhà cậu nó cũng thuộc giàu có. Mà sao mấy người ở trên lại khoái ăn ba cái đồ dưới này không ai thèm như bánh ít, bánh tét rồi trái cây như ổi bông gòn, mận da trắng, cóc xanh... Năm nào hai mẹ con nó cũng xách ba bốn cái giỏ lớn đựng những thứ đó thêm cặp gà nữa là muốn rụng cả tay.
Năm nay, nó cũng được anh chị dẫn đi chơi, đi ăn mà sao nó nghe không vui. Bữa trước, bữa sau là nó đòi về quê, nó thấy nhớ con Vàng. Ăn cái gì, chơi cái gì nó cũng nghĩa phải chi con Vàng cũng được như nó, chắc con nhỏ mừng lắm. Bữa về nhà ghe mới tấp vô bờ là nó đã thấy con Vàng mừng rỡ chạy ào ra. Miệng cứ tía lia kêu để em xách phụ cho, anh đi một mình em ở nhà buồn quá.
Đầu tháng tám âm lịch đám con nít xóm trên, xóm dưới đã rộn rã chuẩn bị chơi Trung thu. Mấy đứa trẻ nhà quê nghèo như xóm cù lao thì làm gì có lồng đèn này nọ mà chơi. Đứa nào cũng chỉ có vài cây đèn cầy rồi dùng hai hộp lon sữa bò đóng lại làm cái xe gắn đèn cầy vào đẩy trên đường làng. Mấy đứa con gái khéo tay hơn thì đục cái lon nước ngọt rồi bẻ cong cong làm lồng đèn. Đứa nghèo hơn cứ lấy trái mù u xỏ xâu thành chùm phơi khô buộc vô cái cây tre rồi đốt cũng xong. Thằng Hưng chẳng quan tâm mấy trò đó vì với nó mấy trò đó chán òm. Nó cũng có một cái xe lon tự làm, đèn cầy thì không lo má nó mua cho nó chơi thoải mái. Chơi vài bữa nó chán nên quẳng ra cho con Vàng đẩy.
Một bữa còn sớm mát trời thằng Hưng nằm trên võng trước sân đong đưa con Vàng ngồi kế bên. Nó nghe con Vàng kể hồi trước nhà nó ở Cà Mau toàn là cây đước, không có một loại trái cây nào hết. Nhà này cách nhà kia rất xa phải chống xuồng. Nước cũng không có như nước sông ở xứ cù lao này mà lờ lợ mặn. Thỉnh thoảng chị em nhà nó phải đi mót khoai lang rừng, khoai rừng đăng đắng chớ không ngọt và thơm như khoai ở đây. Tối phải chui vô mùng ngủ sớm vì muỗi rất là nhiều. Nó cũng không biết cái gì gọi là Trung thu hay lồng đèn. Thằng Hưng nghe xong nghĩ cái xứ chi mà buồn dữ vậy trời. Nó năn nỉ thằng Hưng kể cho nó nghe Sài Gòn ra làm sao. Nó mắt tròn mắt dẹp khi nghe nghe thằng Hưng kể nhiều xe lắm, chỉ toàn xe với người , nhà cao ơi là cao. Nó như nuốt từng lời khi thằng Hưng bảo:
- Năm sau tao xin má tao dẫn mày theo. Nhiều đồ quá tao với má tao xách không có xuể. Tao có hứa lần sao lên đem cho anh ba tao con gà trống tre rồi.
Con Vàng gật đầu lia lia như thể là cho nó đi bắt nó "vác" cả quả núi nó cũng chịu. Trong màn đêm Hưng thấy đôi mắt nó tròn xoe lấp lánh sáng. Trước Trung thu chừng mười ngày thì tụi đám con nít càng nhộn nhịp hơn tối nào cũng đốt đèn cầy đi lòng vòng xóm. Cha mẹ kêu réo năm ba lần mới chịu chạy về nhà ngủ. Một buổi trưa đi học về con Vàng chạy ào qua nhà thằng Hưng liền. Nó kể với thằng Hưng bữa nay đi học con bạn ngồi kế bên nó khoe với nó một cái lồng đèn làm bằng giấy và xếp nhiều tầng rất đẹp. Nghe nó diển tả ra vẻ thích thú và bảo khi bỏ đèn cầy vào đốt chắc đẹp lắm thì thằng Hưng hỉnh mũi như thể hiểu biết và giảng giải với nó:
- Cái lồng đèn bằng giấy đó nhầm nhò gì. Lồng đèn ngôi sao làm bằng giấy kiếng mới đẹp. Mai tao xin má tao mua cho mớ giấy kiếng đỏ ở trên chợ tao làm cho mày coi. Mấy đứa khác lé mắt luôn, mai mày đi chặt tre rồi róc thành miếng nhỏ đúng mười miếng bằng nhau như đan rổ. Tao làm rồi cho mày chơi chung.
Buổi tối hôm sau con Vàng đã có mặt trước hiên nhà thằng Hưng cùng mớ tre róc nhỏ như thằng Hưng dặn dò. Nhìn thấy bàn tay buột miếng giẻ của nó thằng Hưng hỏi:
- Tay mày bị sao vậy? Rồi... bị tre cứa phải không? Bị sâu không, đau không vậy?
Con Vàng im lặng một chút rồi bảo bị đứt tay trong lúc vót tre nhưng mà em không có thấy đau. Chẳng biết thằng Hưng nghĩ gì, nó bỏ con Vàng ngồi đó chạy vào nhà sau nói với má nó:
- Mai má đi chợ mua cho con mớ giấy kiếng đỏ dán lồng đèn. Má nhớ đừng quên nhé má. Bánh Trung thu trên bàn con ăn được không má, cho con một cái nghe, con thèm quá .
Má nó đang rửa chén ở sàn nước nói vọng vào:
- Ừ mai má mua cho, bánh chưa cúng mà ăn gì con. Mày có bao giờ ưa đồ ngọt đâu mà nơi thèm bất tử vậy. Mà thôi con ăn đi. Ít bữa chắc chắc cậu ở trển cũng gởi xe đò về cho một hộp hà, chừng đó má cúng cũng không muộn.
Thằng Hưng trở ra trên thềm với cái bánh trên tay và đưa cho con Vàng kêu nó ăn đi. Cái đó gọi là bánh Trung thu. Con Vàng ngắm nghía cái bánh một hồi mới chịu ăn. Hàm răng sún của nó nhỏ nhẹ cắn từng chút một trên cái bánh ra chừng như tiếc lắm. Ăn được gần phân nửa nó chợt như nhớ ra điều gì nó dừng lại bảo em để dành mang về cho chị Mèo với anh Hòn ăn. Mặc kệ thằng Hưng nói thế nào nó vẫn xin thằng Hưng miếng giấy tập và gói lại mang về.
Hai ngày nay thằng Hưng nó mê bắn đạn cu li với thằng Tí chuột ở xóm trên tới bỏ cả cơm. Xưa giờ nó bắn đạn cu li hạng nhất trong xóm này vậy mà thằng Tí chuột tự nhiên lên tay bắn hay như vậy. Cả ngày hôm qua nó không ăn nổi thằng Tí chuột xóm trên. Bữa nay nó dứt khoát phải ăn mới được. Xế bóng nó mò về nhà thì thấy con Vàng ngồi thù lù trước nhà. Thấy nó lục nồi cơm nguội con Vàng lật đật mở niêu cá kho ra ngay cho nó múc rồi lủi thủi ngồi bên cạnh khi nó ăn .Ngập ngừng một chút con Vàng hỏi nhỏ:
- Anh làm lồng đèn chưa anh, còn mấy bữa nữa là tới Trung thu rồi đó anh.
Thằng Hưng đáp cộc lốc :
- Biết rồi, chưa có làm mấy bữa tối nay tao phải lo học bài. Cô giáo mới của tao khó lắm học. Giấy kiếng má tao mua rồi, chút tao khuấy bột mì tinh làm hồ rồi tao dán là xong.
Con Vàng im lặng ra vẻ tin tưởng. Nghe tiếng má nó gọi ơi ới từ hướng nhà mình. Nó lật đật đứng dậy chạy về, nhưng vẫn nhắc thêm một lần nữa:
- Anh nhớ làm nhe anh, chừng nào anh làm kêu em qua cho em coi với.
Con Vàng về rồi, thằng Hưng lo học bài ngày mai cho kịp. Mấy ngày nay lo chơi nó có học gì đâu. Cô mà cho trứng ngỗng thì má nó cho nó ăn roi mây là cái chắc. Nó biết rõ tính má nó thương con thì thương nhưng bà cũng rất nghiêm khắc trong chuyện học hành. Học bài xong nó đi tắm rồi thì cơn buồn ngủ từ đâu kéo tới khiến mắt nó díp lại. Nó lăn ra ra giường đánh một giấc ngon lành tới tối mịt.
Chợt nó nghe tiếng chân nhiều người chạy gấp gáp phía trước ngõ làm mấy con chó sủa um xùm làm nó tỉnh giấc. Vừa ngồi dậy chưa biết ất giáp chi nó thấy má nó đang chòng vội cái áo bà ba tay dài bên ngoài bộ đồ đang bận. Má nó nói gấp gáp:
- Con Vàng bị phỏng nặng lắm. Chú Tư đang giật ghe máy lớn đưa nó đi nhà thương.
Hưng hoảng cả hồn không kịp xỏ đôi dép lật đật chạy sau lưng má nó. Nó không hình dung kịp cái gì đang xảy ra nhưng nó biết chắc là nghiêm trọng lắm nhất là nghe cái tên con Vàng càng khiến nó lính quýnh. Trước nhà con Vàng xôn xao đầy người, phía trong mẹ con Vàng đang khóc lóc kêu trời . Nó chen vội vào, con Vàng được đặt nằm tạm trên cái giường tre. Trước bụng của nó loang lổ máu và thịt lẫn nước bầy nhầy.
Một mùi khét tanh tưởi phẳng phất chung quanh. Đôi mắt con Vàng trợn trừng hình như không còn nhận ra được ai. Mặc dù nó có cố gọi con Vàng hai ba lần. Có tiếng ghe máy của chú Tư nổ dưới bến mọi người chuyển con Vàng lên một miếng ván rồi khiêng nó xuống ghe đưa đi.
Con Vàng đi rồi nhưng nhóm người trước nhà vẫn còn đứng đó. Họ đang hỏi những đứa trẻ mặt vẫn còn xanh mét vì sợ hãi xem chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng câu chuyện được kết nối thành đầu đuôi. Con Vàng dùng cơm nguội dán giấy tập lại thành một cái hộp vuông vuông để thay thế lồng đèn giấy. Sau đó nó xách đi chơi chung với đám chơi chung với mấy đứa trong xóm. Cây đèn cầy bị ngã làm lồng đèn phựt cháy, lửa bén vào cái áo rộng thùng thình mà con Vàng đang mặc (cái áo đó là áo cũ của chị gái Hưng mà má Hưng soạn cho con Vàng vào tuần trước). Nhìn con Vàng lăn lộn vì bị phỏng đám con nít chỉ biết khóc la làng chớ đâu biết cách nào cứu giúp. Khi người lớn chạy đến thì đã ra nông nỗi.
Tinh mơ sáng hôm sau má thằng Hưng đã dẫn nó đi thăm con Vàng bởi theo lời chú Tư về nói lại con Vàng bị nặng lắm chắc phải chuyển lên Sài Gòn. Khi thằng Hưng và má nó tới thăm con Vàng có vẻ rất tỉnh táo chứ không trợn ngược mắt như buổi tối. Trong lúc má nó dấm dúi đưa cho mẹ con Vàng một mớ tiền bảo rằng phụ thuốc men cho con Vàng. Má nó còn cẩn thận ghi địa chỉ nhà cậu nó ở Sài Gòn dặn mẹ con Vàng có cần giúp đỡ thì hãy tới đó. Thằng Hưng e dè nhìn những chai lọ treo trên phía đầu giường con Vàng rồi chừng như biết lỗi nó hỏi nhỏ:
- Vàng, mày thấy sao rồi. Mày hết bệnh nhanh đi để còn kịp chơi Trung thu. Chút tao về dán lồng đèn cho mày liền, tao cho mày luôn chớ không phải cho chơi chung.
Con Vàng đưa mắt nhìn thằng Hưng rồi nó khẽ thiều thào:
- Bụng em đau quá, đau lắm.
Thằng Hưng đứng im lặng không biết nói gì nữa. Nhưng nó tin con Vàng chắc chắn đau lắm bởi nó thấy nước mắt con Vàng chảy thành dòng bên đuôi mắt. Hồi trước nó nấu cám heo cho nó má. Bị cháo heo văng phỏng có chút xíu ở bàn tay mà nó thấy đau ba bốn ngày. Huống hồ chi con Vàng bị phỏng nguyên cái bụng, lột cả da, thấy cả ruột phập phiều thì chắc là đau đớn lắm.
Rời khỏi bệnh viện má nó dẫn nó ghé bưu điện trên chợ, gõ điện tín cho cậu nó. Má nó bảo cậu nó quen biết nhiều, biết đâu có thể giúp đỡ ít nhiều cho nhà con Vàng. Buổi sáng nay làm thủ tục xong này nọ chút xế trưa người ta sẽ chuyển nó lên Sài Gòn.
Nguyên buổi sáng hôm đó thằng Hưng ngồi trong lớp mà như có kiến bò trong bụng. Nó cảm giác như chung quanh chỉ có mình nó mà thôi chớ không có cô giáo hay bạn bè đang ngồi học. Nó nghe buồn lắm hình như lần đầu tiên trong cuộc đời nó biết buồn tới như vậy. Trưa về nhà nó nằm vật ra không thiết ăn cơm, nó nhớ tới con Vàng, nó thấy tội nghiệp, nó thấy thương và cả thấy mình có lỗi.
Nó đứng dậy gom hết mấy cục đạn cu li mà nó coi như báu vật bỏ vô lon sữa bò rồi quẳng xuống mé sống trước nhà. Nó lấy kẽm kết nan tre lại rồi lấy giấy kiếng ra dán lồng đèn. Nó làm tỉ mỉ từng chút một. Hình như là nó chảy nước mắt mấy lần khi nhớ tới hình ảnh con Vàng nằm ở bệnh viện.
Hy vọng con Vàng về kịp Trung thu, không kịp thì khi nào chú Tư lên nhà thương ở Sài Gòn thăm con Vàng thì nó sẽ gởi chú Tư mang lên. Chiều chạng vạng tối nước lớn nên dòng sông đục ngầu. Có tiếng lao xao dưới bến là con Vàng về. Nó chạy vội ra chỉ thấy vài người đang dìu đở thím năm Tòng mẹ của con Vàng. Chú năm Tòng thì nước mắt ròng ròng . Con Vàng của nó chết rồi, bác sỉ bảo do bị chín ruột không cách chi cứu nổi. Chở về được nửa đường thì con Vàng tắt thở không kịp thấy ngôi nhà mình lần cuối. Những ngày sau đó cả xóm nó hình như ai cũng buồn, buổi tối xóm làng vắng lặng mấy đứa nhỏ cũng không đứa nào chơi Trung thu hay đẩy xe lon leng keng trên đường làng.
Liên tiếp cả tháng sau, buổi chiều ăn cơm xong thằng Hưng lại đi ra phía mé vườn nhà con Vàng. Con Vàng của nó bây giờ chỉ còn là nấm đất nhỏ nhoi nằm đó. Từ đó nó cũng thôi không chơi với đám trẻ nữa, cũng thôi nghịch phá. Thỉnh thoảng nó thấy rất nhớ con Vàng, một thứ nhớ rất mơ hồ mà nó cũng không biết gọi là gì.
-----0-0-----
Hai mươi năm sau.
Một buổi chiều ở Singapore khi tan họp ra Hưng đi lững thững xuống khu China town gần đó để ăn tối. Sau bữa ăn ngồi nhẩm tính lịch chương trình hội thảo Hưng có vẻ suy nghĩ. Hưng rút điện thoại ra bấm số máy quen thuộc. Năm giây sau bên đầu dây giọng nói quen thuộc của má Hưng vang lên. Sau những thăm hỏi Hưng nói :
- Hội thảo y tế lần này kéo dài hơn dự tính bởi con muốn trao đổi thêm một số biện pháp cấp cứu dành cho những ca bị phỏng. Nên chắc con không về kịp Trung Thu. Má nhớ mua giúp con lồng đèn ngôi sao và bánh Trung thu ra cúng Vàng nhe má. Đừng quên nhe má.
Giọng má Hưng thở dài bên đầu dây:
- Làm sao mà quên được, năm nào mà con không cúng cho nó vào Trung thu đâu. Con không dặn má cũng mua nhưng lồng đèn ngôi sao bằng giấy kiếng bây giờ hơi khó kiếm. Toàn là ba cái đồ Trung Quốc dùng pin chớp nháy. Nhưng mà con yên tâm nếu không thấy bán má sẽ kêu thím Bảy tạp hóa làm rồi má trả tiền. Con nhớ giữ sức khoẻ, có gì cần nhớ gọi cho má.
Tắt máy Hưng đứng dậy thong thả đi dọc theo con phố để trở về khách sạn mà không gọi taxi, nhìn những cái lồng đèn treo giăng giăng khắp nơi kỷ niệm năm nào như ùa về. Hưng khẽ đứng lại tựa người lên thanh lan can ven đường và ngước nhìn lên bầu trời cao. Hưng có cảm giác trước mắt mình hiện lên một khuôn mặt trẻ thơ trong veo. Đôi mắt trên gương mặt ấy tròn xoe lấp lánh như những vì sao xa xa ở phía chân trời.
Vài nét về tác giả:
Tôi là một cô gái làm kinh doanh, sống xa quê hương Việt Nam từ nhỏ. Tôi viết cho những người thân, bạn bè yêu dấu trong tôi - Song Nhi.
Bài đã đăng: Thôi thì xa nhau, Hình như anh thương em, Nụ hôn ngày hạ Dư âm cô đơn, Phố vào thu, Chuyện một con đường; Xin lỗi tình anh; Khoảng trời pha lê; Muộn màng khi tình xa; Mỳ trường thọ; Theo em, anh nhé!; Đến sau một người; Bắt đền người dưng; Trái tim Meggie; Giả vờ thôi; Thêm một lần yêu thương; Đường xưa; Đơn giản thế thôi; Phố cũ; Sau lần mình chia tay; Tình ca của gió, Tình khúc tháng tư,Người tình trong bóng đêm (2),Người tình trong bóng đêm,Điều ước Valentine,Chia tay để bình yên,Đón xuân, Tình ca mùa xuân (2), Tình ca mùa xuân,Điểm tựa một giấc mơ,Say nắng,Con đường màu xanh,Nhớ hay quên,Ngày nắng mới, Tình đã phai,Chiếc áo tình yêu, Bóng người xưa,Sống cho riêng em,Hợp đồng tình yêu,Quên,Ngày không anh,Gửi em, người yêu mới; , Chuyện ba người,Góc phố đơn côi,Có thật anh yêu em,Lục bình trôi trên sông (2), Lục bình trôi trên sông(1),Ví dụ ta yêu nhau,Cho em,Thiên hà giá băng,Tình phiêu lãng,Người thứ ba,Yêu, có cần phải nói,Được không anh,Chị tôi,Gửi chị, người đến trước; ; Phố tháng ba, Viết cho người không yêu em; Em sẽ về, Có khi nào mình yêu, Trăng lạnh, Hạ ngày xưa, Bởi lòng còn thương.