Song Nhi
(Truyện ngắn của tôi)
Hiền là cô giáo trẻ dạy ở trường mần non Sơn Ca, ở một quận ven thành phố náo nhiệt. Dù là giáo viên trẻ, mới đi dạy được vài năm nhưng Hiền rất được lòng những bậc phụ huynh và ban giám hiệu bởi học sinh của cô đều ngoan ngoãn hơn so với lớp khác. Nhiều người khen cô giáo chưa có chồng mà hết lòng với bọn trẻ. Ngoài chuyện dạy dỗ, Hiền luôn quan tâm đến sự buồn vui và sức khoẻ của từng bé. Đôi khi, cô kiên nhẫn ngồi lắng nghe những chuyện không đầu đuôi, rời rạc của bọn trẻ hoặc giải thích những câu hỏi con nít, ngây ngô của chúng.
Bạn bè bảo Hiền đúng là tốt số như cái tên của cô. Sinh ra là con út trong một gia đình trí thức hạnh phúc, anh chị cô đều là những người thành đạt, giữ vị trí cao trong xã hội. Riêng cô lại nối nghiệp mẹ đi ngành Sư phạm nhưng chọn khối Mầm non. Cô lý giải cho chọn lựa là vì rất yêu bọn trẻ. Nhiều lúc, cô cũng thấy cuộc đời mình so với anh chị thì phẳng lặng hơn từ công việc, học hành hay tình cảm. Nhưng vốn tính an phận, hiền hòa, cô hài lòng với cuộc sống đơn giản, ngoài giờ đi dạy thì ở nhà với ba mẹ.
Người yêu cô là Đạt - giám đốc điều hành một công ty gia đình. Đạt đẹp trai, giỏi giang, biết tính toán trong cuộc sống, xét về mặt nào cũng nổi trội hơn nhiều người. Ba mẹ hai bên vốn là chỗ tâm giao. Ba anh và ba cô là bạn "nối khố" từ thời niên thiếu. Còn mẹ cô chính là cô giáo dạy Đạt ngày xưa.
Lúc bé, cô và anh đã thân nhau. Rồi cô thầm ngưỡng mộ anh từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến khi ra kinh doanh. Ngày anh ngỏ lời yêu, cô thấy mình là người hạnh phúc và may mắn trong tình cảm. Bạn bè hay lấy Đạt để làm khuôn mẫu ao ước và đôi khi họ thầm ganh tị với cô. Riêng cô, nhiều lúc, cô cũng không hiểu nổi mình. Rõ ràng anh đối xử với cô và gia đình không có gì đáng chê trách. Mọi chuyện thuận lợi và cô cũng yêu anh kia nhưng đôi khi, cô cứ thấy có cái gì đó phân vân chen giữa tình cảm của anh và cô dù anh luôn chiều chuộng cô hết mực.
Thỉnh thoảng cô cũng tự hỏi: "Thật ra bản chất tình yêu ra sao và cái tình cảm anh dành cho cô có đúng là tình yêu không?". Sau đó cô lại gạt ngay cái ý nghĩ đó đi bởi cô tin anh, tin vào chính mình và vào những mối quan hệ tốt đẹp giữa hai gia đình. Cô đã đồng ý với anh là năm sau, khi công ty anh ổn định, sẽ tính chuyện của hai người.
Trong lớp, cô đặc biệt chú ý đến bé Minh. Không phải vì cậu bé giỏi hay ngoan hơn những đứa trẻ khác mà đó là một bé trai rất trầm lặng so với tuổi trẻ con hiếu động. Ngày tựu trường, khi nhận lớp, cô thấy một đôi vợ chồng, đoán là ba mẹ bé cùng nhau đưa và đón. Nhưng thời gian sau, chỉ có người phụ nữ đến đón, chị ít khi trò chuyện với ai, thậm chí cả giáo viên của con mình như những bậc phụ huynh khác.
Chị khá trẻ, đôi mắt đẹp và đầy u buồn. Gặp cô, chị luôn cất tiếng chào một cách lịch sự nhưng chỉ như thế mà thôi. Thường thì chị đứng ngay ngoài cổng đón con, chị khiến cô tò mò nên đã cố ý hỏi chuyện bé Minh. Qua lời kể của trẻ con, cô đoán gia đình bé chắc không hạnh phúc bởi khi hỏi đến ba, bé nói ba không ở chung với mẹ và ba bận rộn. Có lẽ vì lý do đó mà cô dành nhiều tình cảm cho bé hơn đứa trẻ khác.
Cả tuần nay, cô không thấy chị nữa, người đưa đón bé Minh là ba của bé. Đó là một người đàn ông còn trẻ nhưng ánh nhìn rắn rỏi, trầm ngâm và ít nói. Nhưng cô chẳng quan tâm nhiều ngoài đám học trò của mình. Nhất là đàn ông, cô càng giữ khoảng cách bởi cô biết Đạt khó tính và hay ghen dù cô đôi lần bảo nhưng anh bào chữa là do yêu cô.
Một buổi sáng, khi nhìn bé Minh đến lớp trong bộ dạng áo quần xộc xệch, cô không nén nổi lòng hỏi bé vài điều. Qua lời bé nói, cô biết bé hiện về sống với nội và ba, mẹ đi công tác. Cô nghe mà xót lòng dù đã nhủ lòng là chuyện gia đình người ta, để ý làm chi, làm đúng trách nhiệm của mình là được. Những ngày sau đó, bé Minh đi học khi thì thiếu khăn tay cá nhân, khi thì bỏ sót tập sách tô màu. Bé hay ngồi một mình nhìn bạn bè đùa giỡn và bảo "nhớ mẹ", làm cô càng nặng lòng, cô thầm nghĩ những bậc cha mẹ nghĩ gì khi thấy cảnh này.
Cho đến một buổi sáng, bé chợt nôn dữ dội và da mặt tái mét, luôn miệng kêu đau bụng. Với kinh nghiệm của mình, cô đoán hẳn là bé do ăn cái gì không phù hợp. Một mặt báo lên ban giám hiệu, kêu xe cấp cứu, một mặt cô tìm số điện thoại của phụ huynh để báo tin. Cô gọi điện thoại, không ai nghe máy nên cô theo bé vào bệnh viện.
Một lát sau, số điện thoại gọi lại cho cô. Khi cô hỏi là bé đã ăn gì vào sáng nay, giọng người đàn ông ngập ngừng nói sáng nay ngủ dậy trễ nên anh đã mua cho bé đồ ăn ở một quán ven đường chứ không chuẩn bị thức ăn như thường ngày. Sau khi thông báo tình trạng của Minh và nhìn bé thiêm thiếp trên giường, cô không dằn được đã nói: '"Người anh cần xin lỗi không phải là tôi mà là con anh đấy. Anh có biết làm cha không vậy?". Trong khi đầu dây bên kia còn ngỡ ngàng, cô bực dọc cúp máy.
Cũng may là không có gì nghiêm trọng nên bé Minh đi học bình thường lại sau vài ngày nghỉ ốm. Từ hôm đó, cô đâm ra ác cảm với ba bé. Lúc ở trong bệnh viện, nhìn thái độ lo lắng của anh ta, cô càng ghét. Trong mắt cô, anh ta không có trách nhiệm, thương con thế mà chẳng quan tâm, chăm sóc tốt và ly dị làm chi? Chuyện gì liên quan đến con, anh ta cũng không biết, từ việc học hay sở thích ăn uống, đi rước bé đôi khi rất muộn. Nhưng buổi chiều hôm nay, khi đón bé, anh ta nói với cô:
- Xin lỗi nếu tôi làm phiền cô nhưng tôi có thể mời cô một ly cafe được không? Ngay trước quán ở cạnh trường thôi, tôi muốn hỏi cô một số vấn đề liên quan đến việc học của bé. Tôi biết cô còn phiền lòng về chuyện của bé hôm trước nhưng mong cô thông cảm cho, tại mẹ tôi phải về quê đột xuất, đi đám tang người họ hàng nên một mình tôi đâm ra lúng túng, nhất thời xoay không kịp. Tôi hứa không để chuyện đó xảy ra nữa.
Chẳng biết do lòng thương đứa học trò nhỏ hay vì thái độ chân thành của người đàn ông mà cô gật đầu nhận lời. Trong quán, anh ta hỏi cô chi tiết về những dụng cụ học tập cũng như đồ dùng đến trường của một đứa bé mẫu giáo. Anh ta còn xin cô lời khuyên, làm thế nào để giúp bé có sự chuẩn bị tốt khi vào lớp 1. Nhờ cô cho ý kiến những trường mà anh ta đã chọn, dự định đưa bé vào học nơi đó. Trên đường về ngày hôm đó, cô nhủ thầm "hóa ra anh ta cũng không vô tâm hay tệ bạc như mình nghĩ. Xem ra anh ta là người không đến nỗi nào, mẹ bé Minh cũng xinh xắn, hiền lành, sao họ lại chia tay nhau nhỉ?". Những ngày tiếp đó, bé Minh đi học có vẻ phấn chấn hơn trước, ăn mặc tươm tất, gương mặt hồng hào. Cô lấy làm vui và yên lòng khi nghĩ bé được chăm sóc chu đáo.
Nhân kỷ niệm thành lập trường, trong khi chọn những bé tham gia một tiết mục kịch thoại trẻ thơ, cô chọn bé Minh vào một vai phụ. Nhưng đến ngày tập trong khi mấy bé khác theo hướng dẫn làm theo lời cô giáo thì bé Minh không tập, bé cứ nhìn mãi ra cửa. Khi cô hỏi tại sao, bé lí nhí nói chờ ba đến vì ba hứa đến xem con tập kịch. Lúc anh tới, nghe cô kể sự tình, anh ngồi xuống ôm bé vào lòng và nói:
- Nghe này con, ba không đến, con vẫn tập với bạn, không được để mọi người chờ một mình con, cái đó gọi là trách nhiệm. Con là con trai, phải mạnh mẽ lên để còn lo lắng, bảo vệ người khác. Sau này khi lớn mới có thể thay ba lo cho mẹ, hiểu không?
Tự nhiên cô lại lưu tâm câu nói đó và tính tò mò càng trỗi dậy. Khi bọn trẻ đang còn tập, anh đã bỏ ra ngoài. Một lúc sau, anh trở lại với những hộp KFC và nước uống trên tay, thì ra anh đi chuẩn bị bữa trưa cho bọn trẻ. Buổi trưa đó, anh và cô đều ăn trưa chung với bọn nhóc và vài phụ huynh khác. Khi ngồi dưới tán lá cây chờ bọn trẻ nghỉ giải lao, không nén được lòng, cô hỏi anh:
- Có điều này tôi biết là hơi đường đột khi hỏi anh vì nó không đúng với chức trách của một cô giáo, chỉ là quan niệm cá nhân của tôi thôi, thêm vào, tôi muốn hiểu một chút về khía cạnh của học trò. Anh có thể không trả lời nếu anh thấy không thích. Anh với mẹ bé Minh ly dị lâu chưa mà lúc trước ít khi nào nghe bé nhắc về ba.
Đáp lại vẻ mặt nghiêm túc của cô, anh cười cười, ra vẻ bối rối, gượng gạo. Cô vội nói, anh không trả lời không sao nhưng anh đã lắc đầu và nói:
- Đâu có gì mà ngại cô giáo, thật ra tôi có cưới vợ bao giờ đâu mà ly dị. Trước tiên, tôi thay mặt mẹ bé cảm ơn cô vì cô luôn dành sự quan tâm cho cháu. Cũng không có chi mà phải giấu giếm với cô, mẹ bé là em họ xa của tôi, tên Thủy, chúng tôi biết nhau từ bé đến lớn. Thủy và người bạn học của tôi rất yêu nhau nhưng gần đến ngày tổ chức đám cưới thì anh ta đột ngột mất trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Ngay lúc đó, Thủy phát hiện ra có mang bé Minh, chính điều đó khiến cô ấy phải cố gắng sống thật nghị lực dù nhiều người khuyên cô ấy không nên giữ đứa con, kẻo ảnh hưởng hạnh phúc hôn nhân cả đời. Nhưng cô ấy nhất định như thế.
Thương cô em họ của mình và không muốn đứa bé ra đời bị mặc cảm không cha khi chưa hiểu hết chuyện đời nên tôi đứng ra làm ba đỡ đầu của bé. Thật ra, tôi thương cháu như con ruột của mình và không phải chỉ nhận cho có danh nghĩa giúp thôi. Do thời gian trước đây, tôi làm việc ở một thành phố khác nên ít khi ở cạnh cháu. Thủy được công ty đề bạt đi học nâng cao một năm ở Singapore vào mấy tháng trước, đúng ra, cô ấy không yên tâm vì thương con và không nỡ xa bé. Vào thời điểm đó, tôi mới chuyển về thành phố này làm, tôi khuyên cô ấy đừng bỏ qua cơ hội thăng tiến và tôi hứa chăm bé trong thời gian cô ấy đi học.
Tôi tên Hòa, cũng làm về kiến trúc như người yêu của cô. Tôi biết điều đó là do một lần thấy cô đi cùng Đạt và một người bạn đã nói cho tôi biết cô là người yêu anh ấy. Chúng tôi biết nhau vậy thôi chứ cũng không thân thiết gì. Tất cả câu chuyện là như thế.
Sau lần đó, những ác cảm trong cô không còn nữa. Thì ra cô hiểu lầm anh, cứ ngỡ anh là người cha không ra gì, hóa ra cuộc đời có nhiều góc khuất như vậy. Biết chuyện, cô càng thương bé Minh hơn và quý mến anh. Lúc đầu, cô còn e ngại nhưng khi hiểu anh biết rõ cô có người yêu và nhìn thái độ chừng mực của anh, cô an tâm hơn.
Theo thời gian, anh và cô trở thành bạn. Tiếp xúc với anh nhiều, cô càng thấy ẩn bên trong cái lạnh nhạt, ít nói, anh là người hiểu biết và tế nhị. Những lúc anh bận rộn, cô đưa bé Minh về nhà giúp. Anh sống cùng mẹ , mẹ anh là người thôn quê hiền lành, bà lên thành phố để giúp anh trông bé Minh.
Lạ thay cô và mẹ anh đều rất quý nhau. Dần dà, cô và anh trở thành bạn thân lúc nào cũng không biết. Hết hè, khi tựu trường, bé Minh vào lớp một được vài tháng thì Thủy - mẹ của bé cũng trở về sau khóa học và đón con. Mẹ của anh cũng về quê vì bà nói không hợp với phố thị.
Còn tiếp...
Vài nét về tác giả:
Tôi là một cô gái làm kinh doanh, sống xa quê hương Việt Nam từ nhỏ. Tôi viết cho những người thân, bạn bè yêu dấu trong tôi.
Thơ đã đăng: Điểm tựa một giấc mơ, Say nắng, Con đường màu xanh, Nhớ hay quên, Ngày nắng mới, Tình đã phai, Chiếc áo tình yêu, Bóng người xưa, Sống cho riêng em, Hợp đồng tình yêu,Quên, Ngày không anh, Gửi em, người yêu mới;Vì đó là em, Chuyện ba người, Góc phố đơn côi,Có thật anh yêu em,Lục bình trôi trên sông (2), Lục bình trôi trên sông (1),Ví dụ ta yêu nhau,Cho em,Thiên hà giá băng, Tình phiêu lãng, Người thứ ba,Yêu, có cần phải nói,Được không anh,Chị tôi,Gửi chị, người đến trước; Kẻ đến sau.