Song Nhi
(Truyện ngắn của tôi)
Khi lớn lên, anh xuất hiện trong giấc mơ của cô như một điều tự nhiên. Anh hiền lành, cởi mở, đang theo học ngành sư phạm ở một thành phố nhỏ gần nhà. Anh muốn sau này về dạy tại quê hương và sống cùng ba mẹ bởi người chị duy nhất của anh lấy chồng phương xa. Yêu anh, Thùy yêu luôn cả ước mơ của anh, cô cũng muốn sau này làm một cô giáo quê, có thể cùng nhau an phận với hạnh phúc đơn sơ ấy.
Ai cũng bảo anh và cô sinh ra để dành cho nhau. Gia đình ủng hộ, vun vào, hẹn khi cô học xong thì sẽ cưới. Bạn bè thầm ghen tị vì con đường của cô sao mà trơn tru, bằng phẳng đến thế. Năm lớp 12, trường tổ chức thi "Nữ sinh thanh lịch", giao lưu cùng một trường khác. Thầy cô chọn và ủng hộ Thùy dự thi dù cô ngại ngùng, không tin lắm vào bản thân. Nhưng có lẽ cái nét mộc mạc của một cô thôn nữ khiến cô trở nên lạ khi đứng bên cạnh bao nhiêu cô gái khác. Vốn là một học sinh giỏi nên phần thi ứng xử hôm đó, câu trả lời của cô đạt điểm cao nhất, giúp cô giành giải.
Sau đó, mỗi khi đi học, đều có rất nhiều anh chàng theo chân trên phố làm quen khiến cô phải cầu cứu bạn bè đi chung vì không muốn phiền phức từ họ. Nhưng cũng từ đó, cô biết được mình không chỉ thông minh, học giỏi mà còn là một người đẹp.
Đậu đại học, Thùy lên Sài Gòn học tiếp. Ngày đi, cô không cho anh đưa ra bến xe, cô sợ mình phải khóc khi xa anh, cô chỉ cho anh đưa ra bến sông. Khi chuẩn bị bước xuống đò, anh đưa một túi trái cây. Hai bàn tay anh nắm lấy tay cô dặn dò cẩn thận đường xá, giữ sức khoẻ, anh nói trong túi trái cây có phong thư nhưng cô lên xe rồi rồi hãy mở ra đọc. Đò qua tới bến bên kia, cô vẫn còn thấy anh đứng bên cạnh chiếc xe đạp trông theo. Lên xe, cô mở phong thư ra, trong đó là một số tiền và lá thư. Anh dặn cô đừng lo chuyện tiền nong rồi đi làm thêm, ảnh hưởng sức khỏe, việc học. Anh bảo gắng học để nhanh về quê còn làm đám cưới, anh mong cô từng ngày. Nắm chặt lá thư, cô cố gắng không khóc, tự nhủ không phụ tấm lòng của anh dành cho mình.
Tới Sài Gòn, sau khi ổn định việc học, cô mới thấu hiểu đô thị chẳng đơn giản, mọi thứ đắt đỏ gấp mấy lần dưới quê, không như cô từng hình dung. Một năm sau, khi quen phần nào với nhịp sống, không muốn cha mẹ và cả anh lo lắng cho mình, cô quyết định làm gia sư kiếm thêm tiền. Với tính tình dễ mến, cô nhanh chóng được mẹ của học trò đang dạy yêu quý. Có lần, chị ấy nói cô xinh đẹp thế, đi làm gia sư chi cho phí, nếu cô đồng ý, chị cho cô làm tiếp tân trong một nhà hàng ăn uống do chị quản lý, công việc nhẹ nhàng, thu nhập khá hơn làm gia sư.
Thoạt đầu, cô cũng lo sợ vì cô hiểu phần nào đời nhiều cạm bẫy nhưng sau đó, tự trấn an, cô tin mình có thể vượt qua cám dỗ và đây cũng là một cách tốt để được học hỏi thêm. Công việc mới khiến cô thay đổi nhiều thứ, từ ăn mặc tới suy nghĩ. Ở nơi đây, cô biết rằng cái đẹp có giá trị biết bao, chỉ cần diện bộ áo dài đi tới đi lui, một tháng lương đã gấp ba lương gia sư còm cõi ngày trước và cô cũng biết đôi khi giá tiền một bàn ăn gấp ba lương tháng cô đang lãnh. Lúc đầu, cô khó chịu khi thỉnh thoảng gặp phải lời chọc ghẹo, bỡn cợt của vài vị khách. Nhưng dần dà, cô không lấy đó làm buồn mà còn biết cười duyên dáng trước một lời đề nghị khiếm nhã nào đấy bởi đơn giản làm thế không mất lòng người khác.
Cô không còn từ chối những món quà của một ai đó tặng vì ngưỡng mộ nét xinh xắn của mình mà biết cân nhắc đâu là điểm dừng. Cô hiểu rõ "chẳng ai cho không ai cái gì" nên cô không hẹn hò với anh chàng nào nhưng vẫn luôn nhấp nháy như cho người đó một cơ hội. Một năm sau ngày đi làm, cô mua được chiếc xe gắn máy thay cho cái xe đạp cà tàng và bắt đầu thấy ngán ngẩm giấc mơ cô giáo làng ngày trước. Cô quyết định thôi học Sư phạm, thi vào một trường kinh doanh dịch vụ.
Ngày trở về quê, trong khi Thùy phấn khởi kể về những gì đã làm và hướng đi sắp tới của mình thì anh im lặng, trầm buồn. Cô hờn giận, trách anh không thương, không ủng hộ cô, cô lý giải chỉ muốn cuộc sống khá hơn, đảm bảo cho tương lai, anh hãy tin cô, khi kiếm được số vốn nho nhỏ như ý thì cô sẽ trở về bên anh như đã hứa. Cô bỏ ngoài tai những lời nói là anh sợ cô không giữ được lòng mình, anh thấy cô đang dần rời xa anh.
Gần ba năm nữa trôi qua, Thùy không còn là cô tiếp tân như ngày nào, cô đã có một vị trí tương đối trong một nhà hàng lớn. Những sáng kiến của cô luôn mới và khiến cho khách hàng hài lòng nên cô được cất nhắc nhanh chóng. Thùy bây giờ là một cô gái của thế hệ mới, năng động, thông minh, con đường tương lai rộng mở nên thay vì trở về bên anh như lời hẹn, cô nói lời chia tay, mặc cho mẹ nói rằng cô sẽ hối hận và dọa từ mặt cô. Cô không muốn anh chờ đợi cũng như không muốn trở lại vùng quê cũ. Cô khát khao những vùng đất mới, được vươn lên một cách kiêu hãnh.
Một năm sau, cô nhận được tin anh cưới vợ. Vợ anh là Mai - cô bạn học cùng cô, một cô gái bình thường, không gì nổi bật. Đêm đó, cô khóc như ai xé tim mình ra nhưng sáng hôm sau, cô lại tự an ủi "cái gì cũng có giá của nó". Cô không sai khi chọn con đường riêng, cô phải biết hy sinh cho mục tiêu của mình. Anh dù cưới vợ nhưng cô mới là người anh yêu, cả đời này anh chẳng quên được cô, cô tin chắc như thế. Từ đó về sau, những khi về thăm nhà, cô tránh không hỏi đến anh và cũng tránh gặp anh.
5 năm nữa trôi qua nhanh chóng với một người bận rộn như Thùy, cô bây giờ đã thành đạt, thu nhập ngất ngưởng, có thể đi đến những vùng đất mà ngày xưa cô chỉ dám mơ ước khi thấy qua phim ảnh. Cô xinh đẹp hơn hẳn thuở xưa và cũng trải qua một vài mối tình nhưng chẳng đi đến đâu. Nhiều người cho là cô kén chọn nhưng chỉ có cô mới hiểu những mối tình đó thiếu điều gì đó mà cô không lý giải được.
Người ta có thể tặng cô những món quà đắt giá, hứa hẹn cuộc hôn nhân xa hoa nhưng không đem lại cho cô được những rung động như xưa, càng không tạo được cho cô cảm giác tin cậy. Nhiều lần cô tự hỏi: bởi cái đầu kinh doanh của cô quen tính toán hay thật ra tình yêu của anh quá lớn nên cô luôn so đo và không vượt qua nổi hình bóng cũ.
Vào dịp nghỉ lễ, về thăm mẹ, nhìn những trái xoài chín vàng ươm trên bàn thờ của cha, cô khen nhìn tươi ngon. Mẹ cô thở dài đáp lời:
- Xoài của thằng Bình đem qua cúng, hụt thằng rể như nó tiếc đứt cả ruột. Thằng thiệt tốt, trước sau như một, bao năm rồi mà nó vẫn tới lui thăm viếng. Cái hàng rào là do nó làm chứ mẹ sức đâu làm nổi, mày ngày xưa cãi lời mẹ để bây giờ long đong chưa có nổi tấm chồng.
Nghe lời mẹ nói, cô bỗng ngậm ngùi khi nhớ lại ngày xưa. Cô thấy nhớ anh, thầm hỏi không biết anh bây giờ ra sao, cuộc sống thế nào, trong anh còn có cô không...? Nghĩ là làm, sáng hôm sau, Thùy quyết định đi thăm anh.
Thời gian khiến tất cả thay đổi, cô nửa lạ nửa quen trên đoạn đường cũ nhưng cuối cùng cô cũng đến được nhà anh. Cô lặng nhìn cái cổng đầy hoa Vàng Anh - loài hoa cô yêu thích và ngày xưa anh trồng vì cô nhưng bây giờ, dưới cái cổng ấy có một bé trai giống anh như tạc đang nhìn cô với ánh mắt tò mò. Cô đoán là con anh, khi cô nheo mắt cười với nó thì anh và Mai - vợ anh xuất hiện ở khoảng sân. Mai mừng rỡ khi nhận ra cô, không ngớt xuýt xoa là bất ngờ quá!
Buổi trưa hôm đó, anh giành phần làm bếp để cho cô và Mai trò chuyện. Mai tâm sự bây giờ Mai là cô giáo cấp một, sáng hai vợ chồng đi dạy, thằng nhóc có ông bà trông giúp, chiều thì lo chăm sóc vườn trái cây. Mai khoe trái cây bây giờ có giá lắm và làm vườn cũng không vất vả như xưa. Vừa nói, Mai vừa vuốt cánh tay cô nói sao mà cô đẹp hoài với thời gian trong khi mình nhanh già. Khi cô hỏi Mai cuộc sống thế nào, Mai ngượng ngùng mắc cỡ rồi nói:
- Có chuyện này mình ngại nói với Thuỳ nhưng đây là lời thật của lòng. Cảm ơn Thùy tặng cho mình cái hạnh phúc bé nhỏ này. Ngày xưa, tại mẹ chồng mình bệnh nên giục anh ấy cưới vợ gấp, mình biết anh ấy thương Thùy lắm nhưng mình không buồn bởi anh ấy là người chồng, người cha tốt, với mình, như thế là đủ.
Cô bảo bạn không nên nói như thế nhưng cô nghe tự ái được vuốt ve. Cô đoán không sai mà, cô tin mình mới mãi là người anh yêu.
Bữa cơm trưa hôm ấy rất vui vẻ, đầm ấm dù cô cố cầm nước mắt khi ăn món gà do anh nấu, không ngờ anh còn nhớ rõ sở thích cho rau răm vào gà kho. Nhưng lúc bắt gặp ánh mắt long lanh của Mai gắp thức ăn cho anh và con họ, điều đó cô chưa bao giờ có được dù cô xinh đẹp hơn Mai nhiều lần, cô thấy cổ họng nghẹn đắng. Chiều anh đưa cô về, khi ra tới cổng, cô cố ý khen cái cổng hoa lâu năm mà còn đẹp quá, anh trả lời cô:
- Không phải đâu em, cái cổng xưa đốn lâu rồi bởi nó có nhiều sâu quá. Cái cổng này Mai trồng lại vào năm trước cho bớt nắng để thằng nhóc có chỗ chơi.
Ở nông thôn bây giờ phát triển, anh không còn đi xe đạp như ngày xưa, anh chở cô bằng xe gắn máy, gió từ dưới sông thổi tóc cô bay bay, ký ức quay về ngày cũ, cô kêu anh chạy chậm thôi và cô ước sao con đường cứ dài mãi như thế này. Bất chợt cô hỏi anh:
-Em ví dụ thôi, nếu như quay trở lại lần nữa, không phải do mẹ anh bệnh và bác giục cưới vợ, anh có cưới Mai không, có bao giờ anh tiếc vì quyết định đó không?
Anh im lặng vài giây, sau đó anh nhẹ nhàng trả lời cô:
- Chuyện qua rồi nhưng nếu trở lại, anh vẫn làm thế, anh không hối tiếc bởi Mai là người vợ tốt em ạ!
Tới bến đò, cũng như thuở xưa, anh trao cho cô một túi trái cây chín. Trước lúc tạm biệt, anh dặn cô giữ sức khỏe, cố gắng ăn uống. Anh dặn cô lần sau có qua chơi nhà thì gọi điện thoại cho anh hoặc Mai ra đón chứ đi bộ xa thế thì tội cho cô. Anh vẫn quan tâm, lo lắng cho cô như ngày nào.
Cô xuống đò và khi ngồi yên vi,̣ cô thấy anh nổ máy xe, vẫy tay tạm biệt và chạy trở lại con đường ở mé sông về nhà. Tự nhiên cô muốn cất tiếng gọi, kêu anh đừng về ngay, cô muốn gọi anh thêm lần nữa nhưng có cái gì đó chặn ngang cổ... Chưa bao giờ cô cảm thấy cần lắm cái bóng đứng chờ như bây giờ, nước mắt tuôn lã chã trên khuôn mặt xinh đẹp của cô khiến những người đi cùng đò hôm ấy ngạc nhiên.
Đò chòng chành hướng ra giữa sông, trên bến vắng lặng không một bóng người...
Vài nét về tác giả:
Tôi là một cô gái làm kinh doanh, sống xa quê hương Việt Nam từ nhỏ. Tôi viết cho những người thân, bạn bè yêu dấu trong tôi.
Thơ đã đăng: Sống cho riêng em, Hợp đồng tình yêu, Quên, Ngày không anh, Gửi em, người yêu mới; Vì đó là em, Chuyện ba người, Góc phố đơn côi,Có thật anh yêu em, Lục bình trôi trên sông (2), Lục bình trôi trên sông (1),Ví dụ ta yêu nhau,Cho em,Thiên hà giá băng, Tình phiêu lãng, Người thứ ba,Yêu, có cần phải nói, Được không anh,Chị tôi,Gửi chị, người đến trước; Kẻ đến sau.