Gia đình là chủ đề thân thuộc và được ưa chuộng trên màn ảnh Việt. Không chỉ phim tình cảm hay tâm lý, nhiều phim thuộc thể loại kỳ bí (thriller), kinh dị hay hành động cũng chứa yếu tố gia đình. Khuôn khổ bài viết khảo sát chủ đề này trong phạm vi điện ảnh Việt giai đoạn từ năm 2020 đến 2023. So với các thập niên trước đó, đây là thời kì dòng phim gia đình nở rộ, vượt trội về số lượng, doanh thu, chất lượng được giới chuyên môn đánh giá cao.
Về phim mang chủ đề hoặc yếu tố gia đình, năm 2020 có 11/24 tác phẩm, năm 2021 có 11/13 xuất phẩm, năm 2022 có 18/38 phim và nửa đầu năm 2023 có 6/11 phim. Số liệu dựa theo thống kê phim ra rạp của Moveek.
Về doanh thu, 10 phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt có 6 phim thuộc giai đoạn 2020-2023 khai thác chính chủ đề gia đình hoặc chứa yếu tố này trong cốt truyện, gồm cả hai phim thống lĩnh phòng vé: Nhà bà Nữ (475 tỷ đồng) và Bố già (427 tỷ đồng).
Ngoài ra, các phim Nhà bà Nữ, Lật mặt: 48h, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Gái già lắm chiêu V được trình chiếu thương mại ở một số thị trường quốc tế. Còn phim Đêm tối rực rỡ thắng giải "Câu chuyện xuất sắc", "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại Liên hoan phim (LHP) Sante Fe 2022, phim Tro tàn rực rỡ tranh giải tại LHP quốc tế Tokyo và thắng giải cao nhất tại LHP Ba Lục Địa.
Bước ra khỏi vòng khép kín mối quan hệ ruột thịt cha mẹ - con cái, gia đình trên màn bạc Việt đi sâu vào những hiện thực độc hại - chữa lành và đề cập cả những hình mẫu gia đình chắp vá.
Gia đình xung đột
Mâu thuẫn thế hệ là câu chuyện muôn thuở từ đời thật bước vào phim. Trong 86 phim Việt ra rạp từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2023, 12 bộ phim tái hiện vấn đề này. Chủ đề này cũng thường được tìm thấy trong các dự án doanh thu cao: Nhà bà Nữ với 475 tỷ đồng, Bố già với 427 tỷ đồng, Gái già lắm chiêu 3 với 165 tỷ đồng, Em là bà nội của anh với 102 tỷ đồng...
Hai năm trở lại đây, xung đột quan niệm, lối sống giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em trong gia đình càng được tìm thấy nhiều trong dòng chảy phim Việt Nam. Ưu điểm của các phim này là đưa chất liệu đời thường phủ ngập câu chuyện phim.
Chỉ vì phụ huynh thích ở nhà đất, giới trẻ muốn mua chung cư, cha con Bố già cũng cãi nhau hơn bốn phút trên màn ảnh. Còn ở Nhà bà Nữ, mẹ và con gái khắc khẩu từ chuyện con gái nuôi móng chân dài, thích đi bar đến việc người mẹ can thiệp thô bạo vào lựa chọn nghề nghiệp của con. Cha con ông Xỉn và Nhót trong Con Nhót mót chồng vừa thương vừa giận nhau, cứ giấu đi niềm thương thật thà mà buông câu thô lỗ.
Những người con trong Đêm tối rực rỡ cả đời bất mãn vì bố gia trưởng và độc tài, còn mẹ cam chịu nhưng thích trưng trổ. Hai chị em của Bằng chứng vô hình chưa từng tìm cách chia sẻ thấu lòng nhau, rồi khi biến cố ập đến, thứ còn lại duy nhất là cảm giác tự trách và hối hận.
Bằng những chi tiết dễ gặp trong đời sống hàng ngày như vậy, câu chuyện trên màn ảnh chạm vào hồi ức, trải nghiệm của mỗi khán giả, khơi gợi cảm giác đồng điệu và dễ lấy nước mắt người xem. Đẩy cao tính căng thẳng, kịch bản mượn từng tình huống xung đột để bộc bạch tình thương của máu mủ ruột rà. Tuy nhiên, những màn đấu khẩu, tranh cãi quá dày đặc trong từng phim và nối dài từ phim này qua phim khác đôi khi gây ồn ào và mệt mỏi trong việc thưởng thức điện ảnh.
Gia đình độc hại
So với các câu chuyện xung đột gia đình kể trên, kiểu gia đình độc hại càng dễ khiến khán giả mệt mỏi về tinh thần, nhưng không thể phủ nhận tính hiện thực của chúng. Dối lừa, bội phản, lợi dụng, bạo hành... nhiều mặt tối của gia đình Việt được phơi bày trên màn ảnh mấy năm qua.
Càng đào sâu vào chuyện nhà ông Toàn - bà Gái, kịch bản Đêm tối rực rỡ càng lột tả nhiều sự rẻ mạt trong tâm tính con người. Chồng ôm sổ đỏ bỏ trốn, để lại nợ nần cho vợ. Bố ép con gánh nợ, không quên lừa thêm 300 triệu đồng làm của riêng. Anh trai dùng hàng hiệu, đi xe sang nhưng lừa các em chỉ ba triệu đồng.
Trên bàn ăn Tiệc trăng máu, từng cặp vợ chồng càng gồng mình "tốt khoe, xấu che" càng chẳng thể giấu được "cái kim trong bọc lâu ngày". Một ông chồng vụng trộm rồi về nhà khinh rẻ vợ. Một bà vợ tìm "niềm vui mới" bên bạn thân của chồng. Một gã hễ mở miệng là ca tụng vợ sắp cưới như cục cưng, bảo bối, hóa ra vốn ôm trong tay vài ba bảo bối, cục cưng.
Đúng như tựa đề Bẫy ngọt ngào, hôn nhân hào nhoáng, người người ngưỡng mộ của nữ chính thực chất là địa ngục trần gian bị lấp đầy bởi đòn roi và tình dục cưỡng ép. Còn trong Tro tàn rực rỡ, những người vợ miền Tây cả đời sống với nỗi khổ tâm vì chồng ngoại tình trong tâm tưởng hoặc mang những thú vui dị biệt.
Gia đình chắp vá
Gia đình chắp vá ám chỉ những gia đình không chung huyết thống nhưng gắn bó và sống vì nhau. Hình mẫu gia đình này từng được tìm thấy trong nhiều tác phẩm nổi tiếng quốc tế như Shoplifters từ Nhật Bản, The Brokers từ Hàn Quốc, Fast & Furious từ Hollywood... Tại Việt Nam, kiểu gia đình này thường xuất hiện trong các phim xoay quanh những nhóm người tứ cố vô thân, bên lề xã hội hoặc hội nhóm giang hồ.
Không cha không mẹ, lưu lạc giữa đô thị lớn, cậu bé Ròm trong phim cùng tên có lúc tìm được tình thương không khác gì tình mẫu tử từ người phụ nữ ghi số đề (Cát Phượng đóng). Ba cô gái trẻ sớm nếm mùi đời tìm thấy mái nhà mới khi bên nhau trong Thanh Sói.
Loạt phim Chị Mười Ba, Siêu lừa gặp siêu lầy, Biệt đội rất ổn, Nghề siêu dễ mang đến nhiều tiếng cười bi hài, khi giới thiệu những tổ hợp gia đình tứ xứ tụ họp vì chung phận lông bông, lang bạt. Còn ở Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, đạo diễn Lý Hải khắc họa những người bạn coi nhau như anh em một nhà, nhưng sau này tình thân bị thử thách bởi cám dỗ đồng tiền và sắc dục.
So với những đề tài nói trên, câu chuyện xúc động về tình cha, mẹ hay những câu chuyện gia đình đầy tính chữa lành không được khai thác nhiều. Ngoài Gái già lắm chiêu 3 (hàn gắn tình mẹ con, quan hệ mẹ chồng - con dâu) nổi bật về hình ảnh và có doanh thu cao (165 tỷ đồng), các phim Nắng 3: Lời hứa của cha, Dân chơi không sợ con rơi không tạo được hiệu ứng lớn vì hạn chế trong kịch bản, dàn dựng.
Phong Kiều