Con Nhót mót chồng được phát triển từ web drama Chuyện xóm tui. Thay vì câu chuyện "bán anh em xa, mua láng giềng gần" cùng số phận bi hài của các thanh niên lông bông ở xóm lao động, phiên bản điện ảnh khai thác câu chuyện gia đình Nhót (Thu Trang), đặc biệt là tình thương và mâu thuẫn giữa Nhót với người cha chìm trong rượu chè (ông Ba Xỉn do Thái Hòa đóng).
Từ "mót" trong tên phim vừa bộc bạch nỗi khát khao, thèm muốn một tấm chồng của Nhót; vừa phản ánh suy nghĩ nhặt nhạnh "của rơi vãi", cho thấy cô gái quá lứa lỡ thì kiếm hoài kiếm mãi không ra nửa kia lý tưởng, đành chọn đại một gã để sinh con đẻ cái. Dù với ý niệm nào, bộ phim cũng khơi gợi tiếng cười châm biếm lẫn đắng cay ngay từ tựa đề.
Tình thương càng đầy, dằn vặt càng sâu
Nối tiếp phim gốc, Nhót được khắc họa là cô gái lông ba lông bông không nghề ngỗng, kiếm sống bằng thói trộm cắp vặt. Tâm tính cô mãi dừng ở tuổi 18, đôi mươi, với những nghĩ suy đơn giản về cuộc đời, nhưng đầy xốc nổi, hiếu thắng trong ngôn từ và ứng xử. "Kẻ tám lạng, người nửa cân", ông Ba Xỉn cũng chẳng có công ăn việc làm, chìm trong hơi men ngày trắng qua đêm thâu.
Từ ngày người mẹ qua đời lúc Nhót 7 tuổi, hai cha con cứ lay lắt như vậy. Người cha chưa từng uốn nắn con, dù học hành hay giao tiếp. Đứa con cũng quen thói ăn nói chỏng lỏng với chính người đẻ ra mình. Người cha chua chát bảo "Đời tao coi như bỏ", còn đứa con cũng chẳng tha thiết nghĩ nhiều về tương lai. Cuộc đời họ chỉ thấy sự tồn tại, chẳng tìm được ý vị của sự sống.
Đến một ngày, ông Xỉn giật mình nhận ra con gái đã 39 tuổi vẫn ế chỏng chơ, không có bờ vai đàn ông để nương tựa. Nhót cũng bắt đầu sốt ruột khi hay tin mình có khả năng vô sinh. Và thế là chiến dịch tìm chồng cho Nhót bắt đầu, một cách riêng lẻ bởi người cha và người con. Đó cũng là căn nguyên mở màn cho những mâu thuẫn giữa hai thế hệ.
Nhót thấy mất giá khi cha đi khắp làng trên xóm dưới, "rao bán" con gái bằng những câu từ hoa mỹ bùi tai, kén rể từ bố đơn thân đến trai bốc vác. Ông Xỉn lại thấy mất mặt vì con gái đi tìm tinh trùng để thụ tinh nhân tạo, tính chuyện một thân một mình nuôi con. Hai cha con chung mục đích, cùng nỗi lo nhưng vì khác biệt trong tư tưởng nên khó tránh lời qua tiếng lại.
Thực tế, chuyện "mót chồng" của Nhót chỉ tựa giọt nước tràn ly, là căn cớ để những xung đột vốn như ung nhọt giữa hai cha con được dịp bùng nổ. Trái tính trái nết, họ chẳng mấy khi ăn được bữa cơm trọn vẹn, mới nói được dăm câu ba điều đã quát tháo.
Cái chết của mẹ Nhót là vết thương lòng với cả hai, là điều làm họ xót cho số phận nghiệt ngã của nhau, cũng là nỗi đau để họ oán giận nhau mỗi ngày. Ông Xỉn tìm đến rượu để quên đi mất mát và dằn vặt. Nhót ngã vào thú vui đen đỏ để kéo mình khỏi không khí ủ ê của một ngôi nhà không ra dáng mái ấm.
Thương con sớm mồ côi, thiếu hơi ấm tình mẹ, ông Xỉn tự trách mình chẳng đáng mặt làm chồng, làm cha. Càng tự trách, ông càng lo sợ một mai con gái đi vào vết xe đổ của mình. Ở phía ngược lại, Nhót hết lời chê người cha già say xỉn, lẩm cẩm, nhưng cũng đâu có bỏ ông Xỉn mà đi cho được. Nhót không dám đòi hỏi về tương lai, phần vì mặc cảm xuất thân, phần vì sợ nếu mình theo chồng, chẳng còn ai lo cha già lẻ bóng.
Ông Xỉn và Nhót bất đồng nhiều quan điểm, nhưng quá giống nhau ở thói tâm khẩu bất nhất. Tâm càng nghĩ cho nhau, miệng càng buông những câu làm nhau đau lòng. Giữa họ, tình thương càng đầy, dằn vặt càng sâu, chữ "thương" chôn giấu nơi đáy lòng chẳng thể cất thành tiếng.
Nỗi lòng nữ giới
Song song mạch truyện chính về xung đột và tình thương cha con, Con Nhót mót chồng lồng ghép nhiều vấn đề xã hội, nổi bật là những âu lo, mặc cảm đầy nữ tính, được phản ánh qua hai nhân vật dì Hồng (NSND Hồng Vân) và Nhót. Họ là hiện thân của hai thế hệ phụ nữ ở xóm lao động, cùng miệng lưỡi ngoa ngoắt, cư xử thô bạo nhưng tâm hồn mang nỗi sợ cô đơn.
Mỗi lần dì Hồng và Nhót ở chung một chỗ, phim lại có một tình huống đẫm tiếng cười. Bản thân thất bại trong yêu đương nhưng dì Hồng rất tự tin làm quân sư tình yêu cho Nhót. Cuộc đối thoại của họ về tình yêu và tình dục, về đàn ông và đàn bà hay về trinh tiết đều gây cười bởi câu chữ trần tục. Nhưng mỗi tràng cười ẩn chứa nhiều cảm giác chua chát của phận đàn bà cô độc.
Một trong những cảnh hay nhất phim là dì Hồng chắp tay cầu trời khấn Phật cho Nhót cấn bầu. Dì bảo Nhót sinh hai đứa, ba đứa hay bốn đứa cũng được, không nuôi được mang sang dì nuôi giùm. Đoạn độc thoại ấy bộc lộ khát khao làm mẹ của người phụ nữ đã đi quá nửa đời người, cùng cảm giác mong chờ tự tay chăm bẵm con trẻ như bao bà mẹ khác trên thế gian. Mặt khác, dì Hồng cũng vô thức xem Nhót là con mình mấy chục năm. Lời nguyện cầu Nhót có mái ấm tròn vẹn, con đàn cháu đống vừa vặn ước mong một người mẹ gửi gắm ở con gái mình.
Giống như dì Hồng, Nhót cũng ôm giấc mộng làm mẹ. Nhưng khát vọng ấy càng lớn, tinh thần cô càng vỡ vụn khi nghe tin mình có thể mắc bệnh vô sinh. Với người phụ nữ, đó là niềm đau, cũng là nỗi mặc cảm. Nhót muốn giấu đi chẳng được, còn bị công khai chuyện này trước cả đám đông chòm xóm. Khoảnh khắc ấy, con Nhót ghê gớm nhà ông Xỉn biến mất, chỉ còn lại người phụ nữ yếu thế, đau lòng. So với cảnh tượng Nhót ăn bạt tai của cha hay bị cha hất đổ cả mâm cơm, giây phút ấy càng dễ lấy đi nước mắt khán giả.
Màn hợp diễn đặc sắc
Với thực tài thiên biến vạn hóa trên màn ảnh, NSND Hồng Vân, Thái Hòa, Thu Trang và Tiến Luật không bị làm khó trong Con Nhót mót chồng. Họ vào vai dung dị, tự nhiên, làm người xem tin vào nhân vật, từ hình hài, dáng đi, lời ăn tiếng nói đến cách lột tả tâm lý.
Ngoài đời, Thái Hòa gọi Hồng Vân bằng cô nhưng lên phim, họ ra dáng cặp oan gia trạc tuổi. Từng đóng vợ chồng, Thái Hòa và Thu Trang làm nên hình ảnh cặp cha con hợp tình hợp lý. Thái Hòa ra chất gã đàn ông bần hàn, gàn dở. Thu Trang khắc họa chân dung cô gái U40 nhưng còn "trẻ trâu". Dàn sao kết hợp ăn ý trong các cảnh hài lẫn bi.
Kịch bản khá thành công ở phần thoại phim bắt trend duyên dáng, nhưng gây tiếc nuối trong kể chuyện. Phim có nhiều cảnh đẩy cảm xúc tốt, đặc biệt là những tình huống mâu thuẫn giữa cha và con. Nhưng khi ghép chung vào một mạch truyện, chúng rời rạc, cảnh trước không đủ đưa đẩy cảm xúc, dẫn dắt sang cảnh sau. Cảnh Thái Hòa tự tát mình không đạt hiệu quả cảm xúc như được kỳ vọng. Một số chi tiết không được khai phá đến nơi đến chốn, nổi bật là vụ tai nạn của mẹ Nhót, khiến mâu thuẫn cha con đôi khi lửng lơ.
Phim cũng mắc lỗi quen thuộc của nhiều phim Việt, là lạm dụng lời thoại để giải thích vấn đề, tâm lý. Chưa kể, sau một thời gian Việt Nam tràn ngập phim về mâu thuẫn thế hệ trong gia đình, từ màn ảnh nhỏ tới màn ảnh rộng, Con Nhót mót chồng dễ trở thành món ăn quen vị trên bàn tiệc phim ảnh, khó mang đến xúc cảm mới mẻ.
Phong Kiều