Bằng chứng vô hình được làm lại từ phim Blind (Kim Ha Neul đóng chính) của Hàn Quốc chiếu năm 2011. Sau một tai nạn, Thu (Phương Anh Đào đóng) mất đi thị giác, nhưng cô luôn nỗ lực học chữ nổi, luyện tập các kỹ năng hành động với khao khát trở về học viện cảnh sát. Một đêm mưa gió, Thu bước lên xe của bác sĩ thẩm mỹ mắt Lê (Quang Tuấn đóng). Cô không biết rằng mình đã rơi vào tầm ngắm của một gã biến thái. Trong lúc giằng co với Thu trên xe, Lê vô tình gây tai nạn.
Tin chắc nạn nhân là một phụ nữ, Thu đến trình báo công an, nhưng lời khai của cô gái mù trở nên khó tin. Chỉ duy nhất nữ cảnh sát Hòa (Ái Phương đóng) tin Thu. Vì muốn lấy tiền thưởng từ vụ án, Hải (Otis đóng) đến báo án với các thông tin mập mờ và mâu thuẫn với lời khai của Thu. Khi vụ án đi vào ngõ cụt cũng là lúc Lê lên kế hoạch truy sát Thu và Hải để diệt khẩu.
Trong Bằng chứng vô hình, yếu tố trinh thám không mạnh bởi khán giả đã biết rõ hung thủ là ai và cách thức gây án của hắn thế nào. Điểm thu hút của phim là tạo ra cuộc rượt đuổi hai chiều giữa công lý và tội ác. Sát nhân biến thái lợi dụng hạn chế của Thu là đôi mắt không thấy ánh sáng để theo dõi, uy hiếp cô và nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ngược lại, Thu và Hòa tận dụng những khả năng thiên phú khác của Thu để truy tìm hắn. Trò chơi mèo vờn chuột giữa hai thế lực trắng - đen được dàn dựng hấp dẫn, khiến khán giả tò mò về cách cô gái mù thuyết phục mọi người tin vào những gì mình "chứng kiến", cũng như quá trình cô chống lại cái ác.
Nhịp phim duy trì không khí căng thẳng nhờ sự kết hợp hiệu quả giữa dựng phim và cách sử dụng âm thanh, âm nhạc. Các cảnh Lê rượt đuổi, đánh đập Thu và Hải, đấu võ với Hòa được dàn dựng gay cấn. Trong khi một vài cảnh miêu tả sự bệnh hoạn của Lê lại mang đến cảm giác ghê rợn. Không chỉ đảm bảo những yếu tố cần thiết của dòng phim hình sự - tâm lý tội phạm, phim Bằng chứng vô hình còn vượt trội hơn so với nhiều tác phẩm cùng thể loại của Việt Nam khi mạnh dạn giữ được những hình ảnh 18+ gây ám ảnh.
Khi Việt hóa, tàu điện ngầm trong phim gốc được đổi thành xe buýt. Ở cảnh đám giỗ, hình ảnh đĩa xôi gấc, con gà luộc chỉ là tiểu tiết, không ảnh hưởng đến mạch truyện chính nhưng góp phần tạo màu sắc bản địa. Hai tuyến vai chính - Thu và Lê - được xây dựng hay, hợp lý, với đầy đủ bối cảnh xuất thân, số phận, nỗi đau dẫn đến những phản ứng, việc làm sau này. Việc Thu sử dụng thính giác, khứu giác, tri thức vật lý, khả năng phán đoán, phân tích tâm lý tội phạm bù đắp lại khiếm khuyết thị giác để giúp cảnh sát phá án là loạt chi tiết thú vị của phim.
Ẩn sau câu chuyện về tội ác và chính nghĩa, bộ phim còn khai thác mâu thuẫn gia đình; một số vấn nạn xã hội đương đại; đề cao tình thân, tình chiến hữu, tinh thần nữ quyền và tình cảm gắn bó giữa con người với thú cưng. Hành trình chống lại tên sát nhân biến thái cũng là hành trình nhân vật Thu đối mặt với nỗi day dứt quá khứ, để cô chuộc lỗi và giải thoát gánh nặng tâm lý của chính mình. Các lát cắt này đan xen trong phim giúp nhân vật lẫn tổng thể câu chuyện có lớp lang.
Tuy nhiên, kịch bản gây đáng tiếc vì hụt hẫng ở kết phim mở và một số đoạn kết của các tình huống cao trào. Nhân vật Hải có câu chuyện nền mỏng, thay đổi tâm lý quá nhanh từ chống đối chuyển sang hỗ trợ Thu và Hòa.
Điểm sáng lớn nhất của Bằng chứng vô hình thuộc về dàn diễn viên. Họ hợp vai, diễn tròn vai và kết hợp ăn ý, nâng nhau lên trong từng cảnh phim. Hóa thân vào vai Thu, Phương Anh Đào lựa chọn nhiều thử thách khó. Cái khó ở đây không đơn thuần là thể hiện chân dung học viên cảnh sát thuần thục kỹ năng võ thuật, chiến đấu hay khắc họa hình ảnh cô gái sống không ánh sáng, mà điểm khó nhất là lột tả thế giới nội tâm nặng nề, đầy giăng mắc của nhân vật. Sau những vai diễn nhẹ nhàng, an toàn của các phim tình cảm, Phương Anh Đào khẳng định sự đa dạng trong hình ảnh và khả năng diễn tâm lý có độ sâu và giàu cảm xúc.
Sau vai thầy Huỳnh của Thiên linh cái, Quang Tuấn tiếp tục gây ấn tượng với vai sát nhân trong Bằng chứng vô hình. Ngoài đời hiền lành là vậy mà lên phim, Quang Tuấn khiến người xem nổi da gà sợ hãi với vẻ mặt, ánh mắt sắc lạnh và những hành vi biến thái. Ở vài cảnh đầu tiên, anh chủ yếu đeo khẩu trang hoặc được quay trong bóng tối, không lộ rõ mặt. Nhưng bằng giọng nói trầm mà lạnh, Quang Tuấn đủ sức làm vai diễn "hiện nguyên hình".
Ca sĩ Ái Phương có màn trình diễn tốt, dù vai Hòa của cô không nhiều đất diễn. Luôn xuất hiện với mái tóc ngắn và đồ menswear, Ái Phương mang đến hình ảnh một nữ cảnh sát trẻ, năng động từ phần tạo hình. Cô diễn tự nhiên cả thoại và biểu cảm, đặc biệt khắc họa tốt vẻ nhiệt huyết, liều lĩnh của nhân vật qua phần đánh võ với Quang Tuấn ở cuối phim.
Lần đầu đóng phim điện ảnh, hot boy Otis diễn hơi gượng ở đầu phim nhưng tốt dần lên ở các cảnh về sau. Vẻ ngoài của anh cũng phù hợp với cậu trai mới lớn ham chơi, tính tình ngang ngược. Anh Tú trong vai cộng sự của Ái Phương, Hà Quốc Hoàng trong vai em trai của Phương Anh Đào đều hợp vai và tạo được chất của nhân vật. Ngay cả hai chú chó sắm vai cún cưng của Phương Anh Đào trong phim cũng để lại ấn tượng riêng.
Tuy chưa thực sự mang đến cảm giác đã ở kịch bản, Bằng chứng vô hình là một sản phẩm chỉn chu của điện ảnh Việt, nổi trội hơn hẳn so với loạt phim chiếu rạp nội địa từ sau Tết Nguyên đán gồm Nắng 3: Lời hứa của cha, Truyền thuyết về Quán Tiên, Tôi là não cá vàng. Phim hiện chiếu tại các rạp toàn quốc.