Dựa trên hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bộ phim khai thác câu chuyện tình yêu của ba người phụ nữ trong xóm Thơm Rơm. Đó là cuộc hôn nhân trải qua nhiều biến động của Nhàn (Phương Anh Đào) và Tam (Quang Tuấn), tình yêu không được hồi đáp của Hậu (Bảo Ngọc Doling) dành cho chồng là Dương (Lê Công Hoàng) và câu chuyện Loan (NSƯT Hạnh Thúy) phải lòng kẻ thù của mình.
Ba tuyến truyện trong Tro tàn rực rỡ được kể đan xen, song hành và có nhiều mối liên hệ với nhau xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Bộ phim chọn góc nhìn từ nhân vật Hậu như một cách dẫn dắt người xem vào từng ngõ ngách của thiên nhiên vùng sông nước Nam Bộ, đồng thời chứng kiến nỗi đau âm ỉ mà những con người nơi đây chịu đựng.
Hậu dành tình yêu mãnh liệt cho Dương, song Dương yêu đơn phương Nhàn. Dù đã kết hôn và có một mặt con, Dương thường xuyên bỏ Hậu ở nhà để đi biển. Mỗi khi Dương trở về, Hậu đều kể cho chồng nghe những câu chuyện đã diễn ra trong xóm, nhưng Dương chỉ chú ý những gì liên quan đến Nhàn. Hậu không thích Nhàn nhưng vẫn làm thân, giúp đỡ, học cách nấu ăn từ Nhàn với mong muốn được chồng hướng về.
Vốn là cô gái xinh đẹp, tháo vát, hiền hậu, được nhiều người trong xóm để ý, Nhàn trở thành người vợ đảm trong cuộc hôn nhân đẹp với Tam. Song, bi kịch ập đến, Tam trở nên điên loạn, đốt nhà hết lần này đến lần khác, bởi anh chỉ tìm thấy niềm vui từ những ánh lửa. Ban đầu, Nhàn chạy thoát khỏi nhà nhưng về sau, cô lại chọn ở lại khi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong ánh mắt chồng.
Còn Loan gặp biến cố từ lúc 12 tuổi, biến cô trở nên "điên điên khùng khùng" trong mắt của bà con xóm Thơm Rơm. Bẵng đi một thời gian, kẻ gây chuyện trở về. Ban đầu, Loan chọn cách đối đầu và phá rối nhưng dần dà, cô có cảm tình với hắn. Tiếc là kẻ thù năm xưa nay đã xuất gia.
Ba người phụ nữ với bi kịch tình yêu khác nhau nhưng đều là những người phụ nữ bị bỏ rơi. Hậu bị bỏ rơi khi chạy theo thứ tình yêu không thuộc về mình. Nhàn bị giằng xé, đè nén bởi chính hạnh phúc mình đã dệt nên. Còn hạnh phúc của Loan bị kìm hãm bởi định kiến xã hội và luân thường đạo lý.
Dù những bi kịch trong Tro tàn rực rỡ đều nặng nề, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn cách khai thác câu chuyện phim một cách tối giản và nhẹ nhàng. Các nhân vật trong phim được tiết chế cảm xúc trên khuôn mặt đến mức tối đa. Họ bình tĩnh đối mặt với những biến cố, chậm rãi kể lại những vết thương lòng, điềm nhiên với mọi thứ xảy ra xung quanh như một lẽ thường tình. Họ không kêu than, oán trách mà chấp nhận số phận cuộc đời sắp đặt.
Việc không để diễn viên bộc lộ nhiều cảm xúc như một bức màn ngăn giữa bộ phim và khán giả, đưa khán giả trở về đúng vai trò của mình - người chứng kiến câu chuyện hơn là sống theo nhân vật trong phim. Người xem nhìn thấy những bi kịch xảy ra, biết được những nỗi đau các nhân vật nếm trải, song không thể bước vào để xoa dịu vết thương của họ. Khi phim kết thúc, điều đọng lại trong lòng khán giả là sự day dứt khôn nguôi.
Xuyên suốt chiều dài Tro tàn rực rỡ là tone màu hoang lạnh như tâm trạng của các nhân vật trong phim. Càng về sau, màu phim càng phai nhạt, chuyển sang đơn sắc. Thứ duy nhất có màu sắc rực rỡ là những đốm lửa Tam đốt lên. Ngọn lửa hừng hực thổi bùng lên những nỗi đau, khổ hạnh, ẩn ức. Nó đốt cháy hạnh phúc lẫn sự bình yên của khu xóm quạnh hiu và của những con người nơi đây. Cuối cùng, thứ còn sót lại chính là tàn tro đại diện cho những tàn tích tình yêu, những vết thương lòng các nhân vật phải đánh đổi khi tìm kiếm thứ hạnh phúc không bao giờ thuộc về mình.
Dù từng bị đạo diễn "gạch tên do quá xinh", Phương Anh Đào chứng minh khó có diễn viên nào khác có thể phù hợp với nhân vật Nhàn hơn cô. Khác với vẻ ngoài hiện đại trong những bộ phim Đào từng đóng, Nhàn mang vẻ chân chất, đôn hậu của con người miền Tây sông nước. Cô gây ấn tượng khi biến chuyển ánh mắt từ người con gái với nhiều mộng tưởng về hạnh phúc ngày thành hôn đến khi trở thành người vợ đảm mang nhiều tủi hờn, mỉm cười nhìn chồng hạnh phúc trước đám cháy.
Song hành cùng cô, Quang Tuấn có màn chuyển mình ấn tượng khi hóa thân thành Tam. Bằng cách tiết chế thể hiện cảm xúc, vai diễn của anh tạo được sự dễ chịu nhưng vẫn gợi nên sự u uất cần được giải thoát. Nam diễn viên thể hiện ánh mắt tối, lạnh, sâu, mang màu sắc khác với hình ảnh lên gân trong các tác phẩm kinh dị, giật gân trước đây.
Trong khi đó, Bảo Ngọc Doling chứng tỏ bản thân là một nhân tố tiềm năng và triển vọng cho điện ảnh Việt. Lần đầu đóng phim ở tuổi 18, cô thể hiện tròn trịa nhân vật Hậu chân chất, dồn nén tổn thương để nhặt nhạnh những hạnh phúc nhỏ nhoi. Là con lai Việt – Anh, lớn lên ở trời Tây, cô tự đóng cảnh bổ củi, lái xuồng, bơi sông thuần thục như dân miền Tây. Điểm trừ của Bảo Ngọc là đài từ còn ngọng, đớt.
Trong vai Dương, Lê Công Hoàng khắc họa hình ảnh một người đàn ông vừa đáng thương, vừa đáng trách. Anh thể hiện ánh mắt của kẻ tình si khi nhìn Nhàn nhưng vẫn thấm thoát sự bối rối khi đối diện với tình yêu của Hậu. Nam diễn viên cho thấy tâm huyết với vai diễn khi khỏa thân đu mình cheo leo trên dây giữa biển trời.
Kết thúc Tro tàn rực rỡ, xóm Thơm Rơm trở lại nhịp sống bình thường, phẳng lặng như con sông nơi đây nhưng vẫn tiềm tàng những cơn sóng ngầm dữ dội. Khác với phần mở đầu, trái tim của những con người nơi đây giờ đã chết, chỉ còn lại là thứ tàn tro rực rỡ sau khi đã đốt cháy đi tình yêu đẹp đẽ của bản thân để kiếm tìm hạnh phúc.
Vừa qua, Tro tàn rực rỡ trở thành phim Việt Nam đầu tiên giành giải "Khinh khí cầu vàng" - giải cao nhất của Liên hoan phim Ba lục địa tại Pháp. Đồng thời, đây cũng là tác phẩm Việt Nam đầu tiên được chọn vào danh sách tranh giải chính của Liên hoan phim Quốc tế Tokyo.
Đỗ Hoàng