Mộc Diệp Tử
Rất lâu rồi mới có một buổi chiều không vướng bận chuyện gia đình, con cái, bước ra ngoài với một chiếc đầm màu tro của hoa hồng - cái màu mình yêu nhất và sở hữu nhiều nhất những bộ cánh xinh đẹp, cảm thấy khi mặc chúng, mình rạng rỡ và tươi tắn nhất. Tâm trạng rất vui chạy xe đến nơi hẹn để gặp một người bạn thân đi du học về.
Quán cà phê nơi hẹn nằm ở một phố cổ, không gian không quá rộng, nhưng ấm áp và lịch thiệp với những bức tường sơn màu đồng, trên tường treo một vài bức tranh bốn mùa, và một vài chiếc đĩa gốm. Một điểm sáng là quán rất yên tĩnh, đa số những vị khách đến nơi này đều mải mê ngồi đọc sách, làm việc hoặc thư giãn với âm nhạc, nên đến sớm mình có dịp ngồi đọc một số sách đã cũ và cổ của quán, và được nghe những bản Jazz rất tuyệt vời, cùng với đó là một tách cà phê rất thơm và đậm đà, không phải thứ cà phê nhờ nhợ hay bán bây giờ.
Trong lúc ngồi đợi bạn đến, vốn dĩ mình rất ít để ý mọi thứ xung quanh, đặc biệt là những chuyện không phải của mình. Tuy nhiên thì một tốp bạn trẻ ngồi gần chỗ mình mới đến nói chuyện rất sôi nổi, tranh luận cười đùa khá ồn ào, mình không biết bao nhiêu tuổi, nhưng trông phong cách ăn mặc thì mình nghĩ tầm 18 - 22 tuổi, hoặc trẻ hơn. Mình thoáng nhíu mày, tính đổi chỗ thì xung quanh đã kín bàn.
Vậy là bất đắc dĩ, mình được nghe những câu chuyện muôn màu từ bàn bên, không thể đọc sách hay thưởng thức những bản nhạc Jazz yêu thích được nữa. Cũng không có gì nhiều để nói vì đó là chuyện của các bạn và quyền tự do ngôn luận của các bạn. Có thể, cách biệt thế hệ, tuổi tác và tính cách sẽ làm mình có những suy nghĩ và cái nhìn khác đi. Nhưng, một số điều trong những câu chuyện tầm phào ồn ào ấy đã khiến người nghe bất đắc dĩ là mình cảm thấy ít nhiều suy nghĩ và buồn lòng.
Một câu chuyện phiếm của vài bạn trẻ nhưng trong đó có 9-10 câu chửi, bài trừ, phê phán và chỉ trích. Khen chê là chuyện bình thường, thậm chí ngay cả những xung đột và mâu thuẫn trong tranh luận cũng là điều tốt để phát triển hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người không hiểu giữa văn hóa tranh luận và những câu chỉ trích, hạ nhục là những điều khác nhau. Tranh luận không nhắm vào nhân cách, cuộc sống, điểm yếu cá nhân của một người, cũng không phải dùng những lời mỉa mai, không có tính chất phân tích những ưu - khuyết liên quan đến vấn đề cần đề cập để cải thiện.
Tuổi trẻ đã cho các bạn những điều tuyệt vời như: sức khỏe, thời gian, cơ hội, tự tin, nhiệt huyết nhưng tuổi trẻ cũng sẽ không cho các bạn những điều cần thiết để thành công như kiên nhẫn, bao dung, kinh nghiệm, khiêm nhường. Có phải vì thế nên chúng ta ngày một ít dần đi những lời cảm thông, những tấm lòng bao dung, không soi xét và chỉ thích chỉ trích, phán xét đến cuộc sống, thành công của người khác và cả khi họ gặp chuyện không hay không? Vì thế nên chúng ta chỉ thích tặng đi những hòn đá và ngần ngại những chiếc ôm không?
Nếu một người có thành công, các bạn luôn cố gắng phủ định đi công sức của họ, những khó khăn họ đã trải qua để cho rằng họ không xứng đáng. Tìm mọi cách bới móc đời tư cho thỏa đáng thói hư vinh của bản thân, cố gắng kéo thành công của họ cho xuống việc tầm thường ai cũng làm được hoặc thậm chí cho bằng cả thất bại của bản thân mới thấy vui. Ngay cả những người các bạn gọi là bạn, bạn thân, cũng hãy thừa nhận đi, nhiều người trong chúng ta không muốn thấy họ thành công hơn, hạnh phúc hơn, bản lĩnh hơn hay được yêu mến hơn. Càng không có gì và làm được gì thì nhiều người càng ra sức chê bai và chỉ trích.
Một đứa trẻ thể hiện sở thích, thể hiện vốn ngoại ngữ của mình thì ngay lập tức người trưởng thành lẫn chưa trưởng thành vào đả kích, chỉ trích đời tư, nhân cách cá nhân của đứa trẻ đang trên đà phát triển ấy nhằm kéo em xuống cho không hơn mình, cho nó bằng cái sự “bình thường” của số đông, thay vì tự nhìn lại mặt yếu kém của bản thân hoặc thay vì phân tích những hạn chế về phát âm, cú pháp của em để cùng nhau rèn luyện.
Một cây bút trẻ viết và bán được nhiều sách cũng có nhiều người phải lôi đời tư ra chửi bới hoặc cho rằng người đọc mua nó là không đủ văn hóa, là trình độ kém, cứ phải đọc thứ cao siêu uyên bác mới đủ trình. Một nghệ sĩ già đã dành cả đời làm nghệ thuật, hy sinh cho nghệ thuật, cuối đời bệnh tật, lâm vào cảnh mất nhà, chia sẻ sự khó khăn của mình, nhận được sự ủng hộ và đồng cảm của một số bộ phận nghệ sĩ và khán giả thì ngay lập tức có thật nhiều những chuyên gia, anh hùng lên tiếng phê phán và mỉa mai. Một ca sĩ, diễn viên dùng hàng hiệu, đi dự event được đăng lên báo rất nhiều những comment vào yêu cầu bỏ tiền mua đồ hiệu đó để từ thiện cho người khó khăn. Nhưng khi những ngôi sao ấy đi làm từ thiện, cũng lại báo đăng - nhiều comment lại lên tiếng: “Đi từ thiện mà cũng phải đăng báo. Giả tạo quá!”...
Rất nhiều, rất nhiều những lời công kích và chỉ trích được ném đi như những hòn đá vào cuộc sống của người khác mỗi ngày. Trong nhiều câu chuyện phiếm của các bạn trẻ và không trẻ (đã đi làm), luôn cho rằng người khác - một đối tượng vô phúc nào đó không vừa mắt các bạn, đang sống một cuộc đời bỏ đi. Hẳn là họ không biết cách sống và nếu họ làm được điều gì đó hơn các bạn thì đó là do họ bỏ tiền, họ ăn may hoặc những người ủng hộ, yêu mến họ đã bị mù.
Mình không muốn nói đến sự đố kỵ, ghen tức trong đa số vấn đề đồng tình hay không đồng tình. Nhưng với mọi việc, hãy luôn nhìn bằng ánh mắt cảm thông, bao dung và nhẹ nhàng nhất. Hãy bớt đi những lời chỉ trích, phán xét mà dành cho họ sự động viên nhiều hơn. Vì tuổi trẻ hay ngay cả tuổi già vẫn là cả quá trình phấn đấu, học hỏi. Một thành công, dù to lớn hay nhỏ bé, vĩ đại hay tầm thường thì cũng là họ đã cố gắng bỏ tâm huyết để làm.
Và hãy để họ có thời gian để rèn luyện mình, hãy để họ được phép sống cuộc đời riêng của mình. Nếu họ sống sai, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước cuộc đời họ, đâu phải bạn đúng không? Vậy nên, đừng phóng to những điều chưa tốt thành những thứ tệ hại và bỏ đi, để gạt bỏ đi mọi thứ họ đã làm được. Hãy luôn tin rằng chỉ những lời góp ý chân thành (khi hoàn cảnh được phép) mới giúp con người tiến bộ chứ không phải những lời đả kích hạ nhục đầy áp lực.
Khi các bạn đang buông những lời nói xấu xí vào cuộc sống của ai đó không liên hệ tới cuộc sống của mình, thời gian đang trôi đi không dừng lại, bố mẹ đang già yếu đi, việc nhà vẫn bề bộn, tương lai vẫn bỏ ngỏ và yêu thương đang mất dần, còn những người đang bị các bạn lên án ấy vẫn làm việc, vẫn sống ý nghĩa cho cuộc đời họ, khi đó - ai mới thật sự cần phải thay đổi? Ai mới thật sự sống cho mình và trọn vẹn đời mình?
Niềm vui một ngày hẹn hò trầm đi một chút vì một thoáng buồn bên những câu chuyện bất đắc dĩ phải nghe. Mình trở về bỏ lại phía sau một góc ồn ào. Liệu rằng, 5 cô gái ấy sau này có quay lưng về phía nhau để chỉ trích thành công của nhau không khi cuộc đời này, không có ai vừa với mắt họ?
Vài nét về tác giả:
Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà chờ nghe thế kỷ tàn phai.
Tôi như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài.
Tôi giống như một số nguyên tố cứ ngụp lặn trong cái vỏ bọc của chính mình. Bởi vì bản thân là số nguyên tố, chỉ có thể chia hết cho một và chính mình.
Nên ở tôi, luôn ẩn chứa sự đấu tranh giữa các mặt đối lập - của một người quá đỗi nhạy cảm và vô tâm, yếu đuối và mạnh mẽ, dịu dàng và bướng bỉnh, đơn giản và khó hiểu, tự ti và ngạo mạn, trẻ con và đàn bà. Tôi không đặc biệt nhưng tôi khác biệt - Đơn sắc rực rỡ một nét màu dứt khoát... Một số nguyên tố cô đơn nhưng không cô độc - Mộc Diệp Tử
Bài đã đăng: Nếu được chọn lại một lần nữa, Nỗi sợ của tuổi trẻ, Trở về, Hạnh phúc nơi căn bếp nhỏ, Sống giữa nhiều người, Hạnh phúc vừa đủ, Tuổi 18 - ký ức ngủ quên, Bí mật không thể nói, Và tách cà phê đã nguội,Hà Nội những ngày mưa,Niềm hạnh phúc giản đơn,Hạnh phúc không hề có shortcut, 2.555 ngày của tình yêu, Lạc trong thành phố,Bát canh ký ức,Niềm hạnh phúc giản đơn, Lầm tưởng trong tình yêu, Những hòn đá dành cho một đứa trẻ,Hạnh phúc là gì?, Trái tim mỗi cô gái.