Trời nồm ở miền Bắc thường là ám ảnh của nhiều người bởi trời mưa nhỏ kéo dài, độ ẩm cao, nhiệt độ khá thấp khiến cơ thể thấy khó chịu, dễ mắc các bệnh đường hô hấp hay nhiễm lạnh. Chế độ ăn uống trong những ngày trời nồm cũng khá quan trọng.
Các món nhiều sắt
Trời nồm thường xuyên, đi xe máy ngoài đường lâu dễ khiến tay chân ẩm ướt, cơ thể nhiễm lạnh. Các món giàu chất sắt như thịt bò, thịt lợn tốt cho máu, giúp khí huyết lưu thông, oxy được vận chuyển khắp cơ thể, năng lượng dồi dào và cơ thể khỏe mạnh hơn.
Bạn có thể làm nhanh các món thịt bò xào, thịt bò nướng, kho, nấu canh cho bữa cơm hàng ngày hoặc chế biến lẩu thịt bò khi có dư dả thời gian. Thịt bò xào là món khá dễ làm, có thể kết hợp với nhiều loại rau củ như bông bí, rau cần, hành tây, tỏi tây, khoai, măng hay làm salad đều được.
Tỏi
Trời mưa phùn ẩm ướt rất dễ khiến cơ thể bị bệnh đường hô hấp như ho, cảm cúm, viêm họng. Từ xưa tới nay, tỏi luôn được xem là "loại thuốc quý" trong tự nhiên bởi có thể chữa được nhiều bệnh, đặc biệt tốt cho họng và phổi, ngoài ra còn giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch.
Tỏi là loại gia vị nên có thể cho vào nhiều món ăn như tẩm ướp xào thịt bò, xào rau, ướp gia vị nướng thịt gà, bơ tỏi, cháy tỏi, chiên cá, hải sản... Khi chế biến, bạn chỉ cần bóc vỏ tỏi, băm nhỏ và ướp vào các nguyên liệu, mùi thơm rất đặc trưng. Nếu ngại mùi tỏi sau khi ăn, bạn có thể khử mùi bằng chanh hay mang theo chai xịt thơm miệng.
Khoai lang
Khi trời nồm ẩm, cơ thể cần được ăn những loại thực phẩm giúp tăng năng lượng, nhiệt độ để được giữ ấm. Một trong số đó là khoai lang. Khoai lang giàu vitamin A, C, kali, chất xơ giúp tăng cường miễn dịch, tốt cho mắt, đặc biệt trong tiết trời sương mù dày đặc, mắt cần điều tiết nhiều khi di chuyển trên đường.
Khoai lang lành tính, vị ngọt, dễ ăn, dễ chế biến được thành đủ món từ chính đến ăn vặt. Khoai lang có thể nướng, chiên, làm bánh, nấu chè, làm bánh quy, làm mứt. Trong đó, khoai lang ngào đường là món được nhiều người yêu thích bởi vị ngọt, dẻo, mùi thơm nức mũi.
>> Một số món làm từ khoai lang
Bí ngô
Tương tự khoai lang, bí ngô cũng là món ăn giúp cơ thể ấm hơn, giàu năng lượng và tốt cho hệ miễn dịch, giàu chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là hàm lượng vitamin C và kali cao, tốt cho hệ hô hấp.
Bí ngô không phổ biến ở Việt Nam như khoai lang nhưng không khó mua. Bạn có thể chế biến thành các món như gà hầm bí ngô, bánh bí ngô, sinh tố bí ngô hay nấu cháo. Nếu không thích làm cầu kỳ, bạn có thể chế biến bánh bí ngô, thêm nguyên liệu trứng gà, vừng đen và sử dụng nồi chiên không dầu. Chỉ vài phút là đã có món bánh thơm ngon, bổ dưỡng trong ngày mưa ẩm.
Chuối
Tương tự tỏi, chuối từ lâu cũng đã được ông bà xưa nhận định là loại "biệt dược tự nhiên", rất tốt cho sức khỏe, từ tiêu hóa tới thận, tuyến giáp. Chuối giàu vitamin B và magie, giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt độ, giúp cơ thể tránh bị cảm lạnh trong những ngày mưa rét, ngoài ra cũng tốt cho hệ thần kinh, giảm triệu chứng đau đầu trong những ngày thay đổi thời tiết.
Chuối cũng có thể làm được nhiều món. Chuối xanh có thể dùng để các món mặn như lươn om chuối đậu, ốc om chuối đậu... Chuối chín có thể làm được vô số món ăn vặt từ bánh chuối, chuối chiên, nướng, chè, kem, sinh tố, tẩm bột chiên, ngào đường, bánh crepe...
Gừng, sả
Gừng, sả luôn là loại thực phẩm đầu bảng dành cho mùa đông bởi có thể giúp cơ thể tăng nhiệt lượng, tránh bị cảm cúm, ho, viêm họng, giảm ho, tăng sức đề kháng cho cơ thể, ngoài ra còn có thể thải độc, thanh lọc cơ thể. Hai nguyên liệu này không cần sử dụng nhiều, khi nấu ăn cho thêm vài lát gừng hay sả cũng có thể giảm được tính hàn của thành phần khác. Ví dụ, vào mùa đông, muốn uống nước dừa mà sợ lạnh, bạn có thể hấp cách thủy và cho thêm vài lát gừng.
Cách đơn giản nhất là pha chế một ly trà gừng sả mật ong, vừa để giải khát, bù nước cho cơ thể, vừa giúp thải độc, ấm người. Bên cạnh đó, bạn có thể làm các món hải sản như cá, mực, tôm hấp gừng, gà hấp chanh sả, các món xào sả ớt...