"Yên chi" nghĩa là son môi, "khấu" là khuy cài áo hoặc tấm thẻ ép. Ba chữ Yên chi khấu trong tựa đề bộ phim ám chỉ tấm giấy đỏ phụ nữ thời xưa dùng để ngậm vào miệng, tô hồng đôi môi. Hình ảnh đầy tính nữ này nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm, biểu thị thói quen của nàng Như Hoa cũng như bao phụ nữ cùng thời. Nó vừa lột tả vẻ đẹp xuân sắc của một cô gái thanh lâu, vừa ngụ ý tấm lòng sắt son Như Hoa trao gửi Thập nhị thiếu.
Lần đầu chạm mặt ở kỹ viện, Thập nhị thiếu như bị thôi miên trước giọng hát và dung nhan của Như Hoa, chìm vào cảm giác si mê nàng. Chẳng tiếc thời gian "ăn vạ" ở chốn ăn chơi nhất thị thành, cũng không ngại chi tiền lớn sắm sửa đồ sang, bày vẽ khung cảnh tỏ tình hoành tráng, thiếu gia của gia tộc họ Trần giàu có rốt cuộc cũng chiếm được trái tim người trong mộng.
Say trong những buổi hẹn hò, đôi lứa cùng tính chuyện trăm năm. Nhưng điều này không may vấp phải sự ngăn cấm, chia lìa của cha mẹ Thập nhị thiếu. Hơn nửa thế kỷ qua đi, Như Hoa nay đã thành người thiên cổ, nhưng linh hồn còn lẩn khuất nơi trần thế. Nàng tìm về chốn xưa, những mong trùng phùng tình cũ. Bằng ấy tháng ngày, chuyện gì xảy ra, người xưa chốn nào? Ấy là cả một bí ẩn với người con gái.

'Yên chi khấu' mượn hình ảnh người con gái tô hồng đôi môi để khắc họa vẻ đẹp tính nữ và tấm lòng sắt son trong ái tình. Ảnh: HK01
Từ trang sách của nhà văn Lý Bích Hoa đến thước phim của đạo diễn Quan Cẩm Bằng, Yên chi khấu chủ yếu tái hiện chuyện tình từ góc nhìn của nữ chính, nhờ vậy phủ sắc màu tính nữ cho từng tình huống, câu thoại. Xúc cảm của Như Hoa thăng trầm qua nhiều giai đoạn của mối tình, từ lúc nàng động lòng nhưng giả bộ hững hờ để "giữ giá", cho tới khi ngả vào biển tình, ấp ôm mộng tưởng làm lại cuộc đời cùng cuộc hôn nhân êm đẹp, rồi rơi vào tuyệt vọng vì lạc mất người thương. Dẫu trải nhiều dâu bể, tình yêu Như Hoa trao gửi Thập nhị thiếu chưa từng lay động.
Ngay cả sự ích kỷ và tính chiếm hữu của nàng cũng quá đỗi đàn bà. Nhận lời giúp linh hồn của Như Hoa đi tìm người tình, cô phóng viên Sở Quyên có lúc nổi điên, không thể chấp nhận khát khao chiếm hữu cực đoan của nàng - thứ dẫn đến lựa chọn đầy bi kịch cho cả Như Hoa và Thập nhị thiếu.
Xem phim bằng hệ tư tưởng cấp tiến thời hiện đại, nhiều khán giả có lẽ cũng có suy nghĩ tương tự. Nhưng đặt vào bối cảnh thập niên 1930 và trong cuộc đời thân cô thế cô, tình yêu mù quáng của Như Hoa đáng thương hơn đáng giận. Nó là hệ quả của một thân phận nhiều bế tắc. Chốn thanh lâu xô bồ, Như Hoa là cái tên đắt giá bậc nhất, được giới công tử tranh nhau chi tiền mua một buổi gặp mặt hay một đêm chuyện trò. Một cái chạm vào tai, cằm, gò má hay bờ môi của nàng đều được quy đổi thành những đồng tiền đắt đỏ.
Được săn đón là vậy nhưng Như Hoa chẳng mấy mặn mà. Nàng biết những khát khao ấy của đám nam nhân làng chơi chỉ là thú vui nhất thời. Chỉ riêng Thập nhị thiếu gia nhà họ Trần cho nàng cảm giác chân tình sâu nặng.

Mối tình với Thập nhị thiếu làm Như Hoa nặng lòng cả nửa thế kỷ, mang theo xuống cửu tuyền. Ảnh: HK01
Tiếc rằng chấp niệm ái tình của Như Hoa không hẳn xứng đáng. Lời hồi đáp nàng nhận được là thứ tình yêu xốc nổi bề ngoài. Người đàn ông một thuở cung phụng nàng như bảo bối, nâng niu nàng trong những "cuộc yêu" hoang dại rốt cuộc chỉ cúi đầu lặng im, lảng nhìn chỗ khác khi nàng bị xúc phạm. Tình yêu của Thập nhị thiếu không giả dối, nhưng không đủ mạnh mẽ để ấp ôm, chở che cho bóng hồng kề bên. So với Như Hoa, Thập nhị thiếu yêu bản thân nhiều hơn. Và so với ước mong gắn kết cuộc đời bên nàng, mộng nghệ sĩ hão huyền trong chàng còn cháy bỏng hơn thế.
Lời lẽ dằn mặt của bà Trần đủ thâm sâu để khiến Như Hoa mặc cảm. Nhưng thái độ né tránh nhu nhược của Thập nhị thiếu càng làm nàng đau lòng. Bao năm tháng đơn độc kiếm tìm người thương, Như Hoa thêm một lần nữa thất vọng khi tái ngộ Thập nhị thiếu. Lời hẹn ước năm nào nuôi dưỡng trong nàng dũng khi đợi chờ, sau cùng trở thành vũ khí gây sát thương nàng hơn cả.
Chuyển thể từ tiểu thuyết dài thành cuốn phim hơn 90 phút, Yên chi khấu đôi chỗ gây cảm giác hụt hẫng, rời rạc. Nhưng tựu chung, phim khắc họa vẹn tròn mối tình si tâm vọng tưởng của một trái tim hồng nhan bạc mệnh.
Đạo diễn Quan Cẩm Bằng dành nhiều thời lượng khắc họa những phút giây giao hòa của hai nhân vật chính. Những góc máy từ trên cao chúc xuống hay bắt cảnh qua gương được thực hiện tinh tế, lột tả không gian chật hẹp nhưng vừa đủ tình tự, riêng tư dành riêng cho Như Hoa và Thập nhị thiếu. Giữa căn phòng phủ ngập tone đỏ rực rỡ tượng trưng thanh xuân và lửa tình, hai kẻ đang yêu quấn quýt không rời trong vòng tay ôm siết, ánh mắt thiết tha và cái hôn nồng nàn. Chẳng cần diễn viên hở hang khoe da thịt, cũng không táo bạo trong cảnh làm tình, Yên chi khấu vẫn đong đầy vẻ đẹp nhục cảm qua từng thước phim.
Đổi lại, những phút giây Như Hoa một mình lưu lạc nhân gian tìm Thập nhị thiếu mang đến cảm giác rờn rợn. Không âm thanh gây giật mình, không jump-scare hù dọa khán giả, chỉ cần vẻ mặt ma mị, dáng người mặc sườn xám lướt đi trong gió đủ làm nên vẻ liêu trai cho câu chuyện.

Phim không để lộ da thịt diễn viên, không quay cảnh sex táo bạo nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp gợi tình. Ảnh: HK01
Điều làm nên thành công lớn cho bộ phim là màn diễn xuất ăn ý giữa Mai Diễm Phương và Trương Quốc Vinh. Từng ánh mắt trao nhau, cử chỉ va chạm, hai ngôi sao tạo được cảm giác yêu đương chân thật, làm người xem tin vào câu chuyện diễn ra trên màn ảnh, bởi vậy càng thương cảm cho nàng Như Hoa.
Đây là vai diễn nổi tiếng nhất trong sự nghiệp diễn xuất của "bách biến thiên hậu Hong Kong". Cô nhập vai với nhan sắc như mộng như thực, vừa ngây thơ vừa nhục dục, chất chứa sầu muộn, nhuốm đầy ma mị.
Dạng vai si tình, yêu bản năng nhưng không thích ràng buộc vốn là sở trường của Trương Quốc Vinh, nên nhân vật Thập nhị thiếu ở phim này chẳng thể làm khó được anh. Nhưng vai này đặc biệt ở chỗ là vai diễn đớn hèn nhất của anh trên màn ảnh. Chính tài tử cũng dùng ba chữ "quỷ hèn nhát" để mô tả Thập nhị thiếu. Dù vậy, Quốc Vinh chọn đây là nhân vật anh thích nhất trong sự nghiệp của mình.
Yên chi khấu trở thành cuốn phim kinh điển với nhiều giải thưởng quan trọng. Đây cũng là tác phẩm mang tính đại diện trong sự nghiệp của đạo diễn Quan Cẩm Bằng và hai diễn viên chính. Để có được Trương Quốc Vinh hóa thân Thập nhị thiếu, Mai Diễm Phương đã xin đổi lại một vai diễn trong dự án khác do công ty quản lý của anh thực hiện. Vốn không có nhiều đất diễn, Trương Quốc Vinh được thêm cảnh quay, bởi thần thái của anh quá hút hồn khi "khoác" lên tạo hình nhân vật.
Trong phim, ngày 8/3 ghi dấu lời hẹn ước và cũng là ngày chia ly của hai nhân vật chính. Và ngoài đời thực, năm nay vừa tròn 20 năm ngày mất của cả nam chính và nữ chính. Trương Quốc Vinh - Mai Diễm Phương khi sống là tri âm, tri kỷ, lúc mất chọn cùng một năm rời xa trần thế. Ký ức này khiến tác phẩm thêm vang vọng qua 25 năm ra mắt.
Tại Việt Nam, bộ phim trở thành cảm hứng cho MV Em một mình quen rồi của ca sĩ Dương Hoàng Yến.
Ca khúc 'Nữ nhân hoa' do Mai Diễm Phương thể hiện với hình ảnh của phim 'Yên chi khấu'
Chuyên mục 'Mỗi tuần một phim hay' cập nhật bài viết tại mục Phim lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Khép lại tháng 3 của loạt phim nữ tính, mời quý độc giả đến với chuỗi phim thanh xuân của tháng 4. |
Phong Kiều