Lưu Quang Minh
(Truyện ngắn của tôi)
Như thường lệ, chị bắt đầu công việc của mình từ sáng sớm. Đi lấy bánh mỳ từ lò xong, chuẩn bị đầy đủ thành phần nguyên liệu cho một ngày dài, vậy là chị đã sẵn sàng để lên đường. Ngày nào cũng vậy - một hành trình đã ăn vào mỗi bước chân, chị đẩy xe bánh mỳ của mình rong ruổi trên những con đường thân thuộc. Rất nhiều khả năng kể cả khi nhắm mắt lại, chị cũng có thể bước đi chính xác.
Không khó để nhận ra càng ngày càng xuất hiện nhiều xe đẩy bánh mỳ rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố giống như xe của chị. Nó không phải là loại xe bánh mỳ bán cố định một góc đường hay con hẻm nào đó mọi người thường luôn thấy. Xe của chị cần phải gọn gàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều để dễ dàng di chuyển. Hẳn vì thế mà loại xe tiện dụng này luôn đóng bằng gỗ. Còn muốn tránh khói bụi, một lớp giấy kiếng trong suốt sẽ được phủ lên ba mặt của xe. Thế là xong: chị có thể đi bất cứ nơi đâu để bán - vào bất cứ lúc nào.
Điểm dừng chân đầu tiên của chị là dưới một cao ốc lớn có lẽ phải hơn hai mươi tầng. Khách quen của chị là các bác tài lái taxi đậu xe túc trực ở bãi chờ khách. Thấy chị đẩy xe đến, từ xa chú đã vẫy vẫy tay:
- Ốp la đi em ơi, đói quá rồi nè!
Chị mỉm cười, dừng xe ở chỗ cũ. Bật bếp ga mi-ni lên, cho ít dầu vào chảo, đợi cho dầu sôi chị mới đập trứng vào chiên.
- Mấy bữa này trời lạnh quá em hen - Vừa nói chú vừa xoa tay rồi hơ trên bếp than nhỏ chị dùng để nướng thịt và làm nóng lại bánh mỳ.
- Dạ, anh giữ ấm kẻo bịnh thì khổ... - Chị lại cười với chú, tay dùng đũa lật ngược miếng trứng lại.
Chú đã ngoài ba mươi nhưng vẫn một thân một mình. Những cuộc chuyện rời rạc, câu từ ngắn gọn của mỗi ngày với chú cũng dần dần sâu chuỗi lại trong chị. Ai chẳng có cho mình những nỗi niềm riêng. Nhìn mái tóc muối tiêu, khuôn mặt gầy hao đen xạm nắng gió kia, đủ để chị cảm nhận hết nỗi vất vả của chú. Nghĩ xong chị mới trầm ngâm. Chị cũng có sung sướng hơn chú là bao. Có chăng là những đêm khuya khoắt chị không phải xếp mình co ro trong xe taxi với những giấc ngủ lắm khi chập chờn đứt đoạn. Hay lúc người ta đã kết thúc một ngày dài làm việc mệt mỏi để cuốn theo dòng xe ùn tắc nối đuôi nhau trở về nhà đoàn tụ với gia đình bên mâm cơm ấm áp, chú lại phải tiếp tục gặm bánh mỳ của chị bán ban chiều, hoặc nếu sang hơn thì cũng chỉ là đĩa cơm bình dân khô khốc bụi bặm nào đó ven đường.
Ảnh: Ione.net |
- Của anh đây - Chị đưa cho chú ổ ốp-la nóng hổi, nhận tờ mười nghìn nhàu nhĩ của chú rồi đưa lại tờ hai nghìn. Vừa lúc mấy bác tài khác cũng tới gọi bánh mỳ. Chị làm không kịp nghỉ tay. Người ăn ốp-la, người gọi bánh mỳ thịt nướng. Mồ hôi chị túa ra bởi cái nóng hừng hực của bếp than phà trước mặt đang bốc khói mịt mù bên trên vỉ nướng thịt.
Cuối cùng chị cũng bán xong hết. Các bác tài thường ngồi tụ tập với nhau một chốc buổi sáng, vừa tán gẫu đủ chuyện vừa nhâm nhi bánh mỳ của chị, lại làm một ngụm cà-phê đá trước khi đánh xe đi có khách. Đang ngồi nói chuyện, thấy chị chuẩn bị đẩy xe đi tiếp, chú hỏi:
- Em đi à?
- Dạ, em đi. Anh chạy xe an toàn nha!
- Em cũng bán tốt nhen! - Chú gật đầu tạm biệt.
Dẫu những cơn gió lạnh trên đường còn thỉnh thoảng tạt qua, chị vẫn thấy đâu đó bên trong ấm áp lên đôi chút.
Điểm tiếp theo chị đến là trước cổng trường cấp hai. Cô bạn “đồng nghiệp” bán sữa đậu nành đã có mặt từ lâu. Hai chị em thường đặt xe cạnh nhau, tranh thủ bán cho đám học sinh trước giờ vào lớp. Phụ huynh vừa mới dừng xe là tụi nhóc nhảy ngay xuống chạy lại chỗ xe chị và cô bạn: “Dì ơi bán cho con ổ bánh mỳ", "Chị ơi chị bán cho em một ly sữa đậu nành ạ! Nhanh nhanh nha chị!”...
Cứ thế đám học trò í ới, đứa này đứa kia nhao nhao lên. Chị phải tập trung cao độ để làm thật nhanh. Thịt nướng trên vỉ cần lật thường xuyên để chín đều, không bị khét một mặt. Vừa chiên trứng vừa cắt thêm dưa leo, hơ lại bánh mỳ trên bếp cho giòn. Cực mà vui mà mừng vì có khách - hai chị em thường tủm tỉm bảo nhau mỗi lúc hai tay được bận rộn thế này. Thời buổi khó khăn, giá cả cái gì cũng tăng vùn vụt, người ta mua gì cũng cân nhắc. Kiếm được đồng tiền thật sự nào có dễ. Nhưng chị cũng chỉ bán bánh mỳ với cái giá bình dân hết mức. "Lấy công làm lời thôi em ạ, bán mắc quá thì chẳng ai dám mua của mình nữa…". Chị cười. Cô bạn cũng cười.
Đưa ổ bánh mỳ thịt nướng cho khách hàng tí hon cuối cùng cũng vừa kịp lúc tiếng trống vang lên, cậu nhóc chạy vội vào trường trước khi cánh cổng kia khép lại. Cảnh đông đúc chộn rộn trước cổng trường ban nãy nhanh chóng thay thế bằng vẻ yên bình vốn có khi bọn nhóc đã ổn định chỗ ngồi trong lớp học. Nắng đã lên từ lâu xua tan cái lạnh buổi sớm. Càng lúc không khí càng trở nên ngột ngạt khó chịu hơn với đủ loại khói xe bụi bặm khi những con đường dần ùn tắc xe cộ lũ lượt nối đuôi nhau. Chị đưa mắt nhìn về phía xa xăm. Chút nữa thôi, chị cũng sẽ hòa vào dòng người ấy, tiếp tục cuộc mưu sinh trong cái vòng xoay bất tận kéo từ ngày này qua ngày khác.
- Chuẩn bị đi hả chị?
- Ừ, thì phải đi thôi… Ốp-la của cưng đây, ăn liền đi kẻo nguội.
- Dạ. Sữa của chị nè, bữa nay còn ít thôi, chị lấy hết luôn nhen!
Chị đưa ổ bánh mỳ cho cô bé rồi nhận ly sữa đậu nành, máng lên quai xe. Chủ yếu cho lòng cảm thấy vui hơn vào buổi sáng, hai chị em ngày nào cũng “trao đổi hàng hóa” với nhau.
- Cám ơn cưng. Mai gặp nha.
- Dạ, mai gặp chị!
Ảnh: VnExpress. |
Trên đường lâu lâu lại có khách - đi xe hoặc đi bộ. Mỗi lần như thế chị dừng xe, nướng nướng chiên chiên, cắt bánh mỳ nhét vào nào dưa leo nào rau rồi xíu ớt, bỏ trứng hay thịt vào giữa, cuối cùng xịt thêm chút xì dầu rồi tương ớt…
Quần quật quần quật. Đèn đỏ rồi đèn xanh. Vòng xe cứ quay đều. Loáng cái đã đến trưa, cũng là lúc chị dừng chân trước cổng bệnh viện. Mặt trời gần qua đỉnh đầu, cái nóng bức người ta không biết trốn vào đâu xâm chiếm mọi vật. Chị đứng nép vào bóng râm của tán cây ven đường, lấy thêm thịt đặt lên vỉ để nướng thêm một đợt mới. Giờ này người nhà bệnh nhân bắt đầu đổ ra ngoài mua đồ ăn trưa. Nhiều người tiết kiệm, thay vì ngồi quán cơm họ chọn mua bánh mỳ - vừa nhanh gọn lại rẻ.
- Cho tôi một ổ ốp-la, cô ơi.
- Dạ!
Người phụ nữ vẻ ngoài lam lũ đứng trước mặt chị chắc cũng đã ngoài ngũ tuần. Gương mặt bà toát lên sự mệt mỏi xen lẫn cơn rầu rĩ có lẽ nằm thăm thẳm nơi nào đó trong lòng. Chị đổ dầu vào chảo, vừa đập trứng nghe “xèo” một tiếng thì vị khách thứ hai bước đến.
- Chú ăn gì ạ? - chị cất tiếng hỏi.
- Cô bán cho tôi… năm nghìn được không, tôi còn ít tiền thôi…”
Nghe vậy, người phụ nữ quay lại nhìn ông bác kia. Vài giây trôi qua trong im lặng. Đến khi chị toan trả lời thì bà khách nhẹ nhàng:
- Anh… anh chăm chị nhà phải không? Giường ba tôi nằm kế bên chị nhà đây…
- À, chào cô.
- Chị nhà đỡ hơn chưa anh. Khổ, càng ngày càng đủ thứ bệnh...
- Cũng khá hơn rồi, cảm ơn cô. Mà bệnh tật bây giờ cũng từ miệng vào cả. Ăn gì cũng lo cũng sợ, mà không ăn thì…
- Không ăn cũng không được. Biết là mất vệ sinh, là toàn hóa chất đấy chứ… Mà muốn ăn sạch thì làm gì có giá rẻ cho mình.
Tay chị khẽ run khi gắp miếng trứng bỏ vào ổ bánh mỳ
- Đến cơm họ còn bỏ bột gì vào cho nở gấp đôi ra được. Vậy họ mới có lời chứ, còn mình thì… Giờ tôi cũng không dám ăn cơm nữa, tốn tiền quá, lúc nãy còn chút ít mua cháo cho mẹ nó dùng rồi.
Chị thấy cổ họng mình nghẹn ứ.
- Thôi, em cho anh mượn. Cô lấy cho tôi một ổ đầy đủ nữa đi.
- Kìa cô…
* * *
Chị dừng xe bên dưới tòa cao ốc quen thuộc. Bầu trời bây giờ đã phủ một màu ráng đỏ đẹp tuyệt. Cảnh đẹp nhưng cũng buồn bã quá. Ngắm nhìn mặt trời sắp tắt, chị lại nhớ đến hai vị khách ban trưa: "Ăn gì cũng lo cũng sợ, mà không ăn thì…"
Phải, không ăn cũng không được. Chẳng có nhiều lựa chọn cho những ai phải lăn lộn giữa cuộc mưu sinh để kiếm từng đồng như chị. Cốt làm sao cho qua bữa là được. Rồi có tiền cũng nơm nớp không biết giữ được bao lâu, khi bất thình lình ngày nào đó mình đổ bệnh. Bệnh từ miệng mình vào.
- Chào em! - Chú mở cửa tắc-xi bước xuống tiến về phía chị.
- Dạ, em chào anh.
- Cho anh ổ thịt nướng, nhiều dưa leo chút nha.
Nụ cười hiền hậu của chú bỗng chốc nhòe đi trước mặt chị. "Không! Dù lời ít cũng được, chị sẽ không bao giờ bán đồ dơ đồ độc hại cho khách. Không bao giờ" - chị nghĩ
- Anh ăn kẹp chung với trứng nữa nha, em mời.
- Ồ, cảm ơn em…
Trong đầu chị loáng thoáng một bữa cơm gia đình ngon lành đầm ấm. Có anh, có chị, và một thiên thần nhỏ... Mơ mộng cuối ngày ư? Chị mỉm cười, tránh ánh mắt anh, nhưng đâu đó thấy nao nao trong lòng.
Vài nét về tác giả:
Lưu Quang Minh, sinh 18/5/1988 tại TP HCM, là sinh viên ngành Đồ họa - Mỹ thuật công nghiệp. Đã có truyện ngắn đăng trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Lao Động... Thành viên bút nhóm thiếu nhi Nhiệt Đới. Giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn Web Hội ngộ văn chương với truyện "Già trước tuổi". Đã in: tập truyện ngắn đầu tay Gia tài tuổi 20 (NXB Văn Học - 3/2010), Thực Hay Mơ (2012), Những Tâm Hồn Đồng Điệu (2012)
Bài đã đăng: Tình yêu bún đậu, Khớp, Tiếp thị bia, Thiên thần của anh, Ca sĩ kẹo kéo (P2),Ca sĩ kẹo kéo (1), Hát với nhau,Lẩu cá kèo, Gia đình nhà Cún, Thằng Khỏe, Tắc kè, Trân châu, Khiêu vũ ở công viên Lê Văn Tám, Chuyện dạy kèm, Phá lấu vỉa hè, Thương quá Nhồng ơi!, Đồ chơi vỉa hè, Nghe truyện 'Đàn ông đi chợ', Gia tài tuổi 20, Nàng sứt, Báu vật, Cô đơn trên mạng, Cà phê Cùn, Tỏa sáng,Cơm nhà, Tình KFC, Lành lặn, Bắp xào ơi, Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn, Thỏ Ragu, Đàn ông đi chợ, Bộ sưu tập tem của ông nội, Song song.