Lưu Quang Minh
(Truyện ngắn của tôi)
- "Món khoái khẩu của anh mà..." - Tôi chống chế.
- Ừ, thì giống em thôi.
Nói rồi nàng cười roi rói, tươi hơn ánh nắng chiều đang phủ xuống không khí ngập đầy ngột ngạt của khói xe, bụi đường.
- Lấy con thêm chén nữa, dì Tư.
Hai chúng tôi vốn đều là "mối ruột" của dì Tư "phá lấu". Gánh hàng của dì bán cố định trước cổng ngôi trường cấp hai thân quen này từ lâu lắm rồi. Ngồi một chốc, nghe tiếng trống đánh thùng thùng là biết đã tới giờ tan học. Liền sau đó, lũ học trò áo trắng, quần xanh nhộn nhạo ùa ra khỏi cổng, từng nhóm tụm năm tụm ba đứng ngồi ngóng người nhà tới rước. Và rồi chỉ độ dăm ba phút nữa, chung quanh tôi đã túm tụm những đôi mắt tròn xoe chực chờ dì Tư đưa từng chén phá lấu nóng hổi thơm phức tha hồ thưởng thức, không phải nuốt nước miếng thèm thuồng lâu thêm nữa.
- Bán cho con một chén đầy đủ với bánh mì đi dì...
Cô bé đeo kính cận vừa ngồi xuống bên cạnh, tôi nhận ra ngay vì em cũng là một khách hàng thân thiết. Thấy hai chúng tôi, bé reo lên:
- Hôm nay mới thấy anh chị ghé đó nha!
Phải rồi, hễ hôm nào thấy nhớ nhớ, thèm thèm là tôi và nàng lại đèo nhau ra đây, dẫu cho tiết trời có nắng nôi nực nội. Quên hết, quên sạch, chỉ còn biết đến chén phá lấu béo ngậy nước dừa, thơm thơm ngũ vị hương.
- Con trai gì mà khoái ăn phá lấu?
Mỗi lần nàng chọc ghẹo, bỗng dưng cảm thấy mình bé lại, tôi hay bồi hồi nhớ. Thằng nhóc con mười hai tuổi xưa kia mê ăn phá lấu từ thuở nào?
Ngày ấy nó mê bơi lắm. Hè nóng bức nực nội, chẳng ngày nào hai anh em nó không lặn ngụp trong nước hồ mát lạnh đến đen thủi đen thui. Lúc lên bờ lạnh run, nghe anh hai nó rủ đã thấy thòm thèm:
- Ăn phá lấu, Bo ơi!
Trước cổng hồ bơi lúc nào cũng có từ hai hàng phá lấu trở lên. Bơi xong đứa nào đứa nấy mệt lả, bụng đang đói cồn cào, nhâm nhi một chén phá lấu chấm bánh mì thì còn gì tuyệt bằng. Hai anh em thường xuyên ăn ở chỗ hàng của bà lão đội nón lá. Phá lấu của bà ăn rất vừa miệng, bà lại hào phóng nước hầm, hai anh em muốn xin thêm bao nhiêu cũng không bao giờ phàn nàn. Ăn phá lấu đúng điệu phải xiên bằng que, chấm nước mắm me chua chua ngọt ngọt, thêm miếng ớt xắt cay cay với vài lá rau răm điểm xuyết. Cắn một miếng lòng nóng giòn sần sật, lại húp thêm nước hầm chan sâm sấp trong chén, nó quên hết cả trời chiều như thiêu như đốt.
- Anh đang nghĩ gì đó?
- Đâu có...
Thằng bé hôm nao nay ra dáng cậu sinh viên trưởng thành, cũng biết thương biết nhớ ai rồi. Từ dạo mới quen, hai chúng đứa chuyên đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch, cứ thế rong ruổi khắp mọi nẻo đường thành phố, dẫu phải hứng đầy khói xe bụi bặm, chỉ để ghé thăm một địa điểm hàng quán nào đó "ưng ý" mà ngồi nhâm nhi cùng nhau toàn là đồ ăn vặt.
- Em biết không? Hồi còn học cấp hai, ngày nào tan trường anh cũng phải ăn một chén phá lấu của dì Tư rồi mới đi bộ về nhà nổi...
Vừa đạp xe về tôi vừa kể nàng nghe sự tích thằng bé con mê ăn vặt, nàng ngồi sau khúc khích mãi không thôi. Chắc bởi cùng giàu chung một "tâm hồn ăn uống" nên tôi và nàng mới hợp nhau đến thế. Ai đó bảo: "tình yêu phải đi qua bao tử rồi mới đến trái tim" thì phải. Nghĩ thế, vừa đạp xe tôi vừa tủm tỉm cười.
Hôm nay thòm thèm như mọi bận, vậy mà hì hục chở nàng đến nơi, chẳng thấy xô phá lấu nóng hổi, cũng không thấy bóng dáng dì Tư đâu, nàng và tôi cùng một phen tiu nghỉu.
- Dì nghỉ bán hả anh? Thèm quá trời nè...
- Lâu lâu cũng có bữa nghỉ, mình qua chỗ khác ăn vậy.
Tôi lại đạp xe một đoạn dài qua hồ bơi gần nhà. Thêm một dịp ký ức được ùa về
Thằng bé con nhanh nhảu húp xì xụp nước hầm vừa cạn chén đã đưa ngay bà lão:
- Châm thêm cho con miếng nước, bà ơi...
Bà già cười hiền hậu, múc một muỗng nóng hổi đầy nước chan vào chén cho nó.
- Đây, ăn đi cháu.
- Bo chấm bánh mì mà ăn, ăn không về khát nước cho coi.
Mặc thằng anh nói gì, nó cứ húp lấy húp để say sưa.
Rồi cũng đến những ngày chuyển mùa, trời mưa như trút nước, nhiều khi to ơi là to. Thế mà thằng bé con vẫn nằng nặc đòi anh hai dắt đến bể bơi cho bằng được. Bơi được chút xíu đã lạnh tím người, nhảy ngay lên bờ, tay chân đứa nào đứa nấy run lẩy bẩy. Hai thằng nhóc con tắm sơ mặc lại quần áo tươm tất xong là chạy ù thật nhanh ra cổng. Có ai đi ngang hẳn sẽ ngạc nhiên lắm khi bắt gặp hai thằng bé con dù áo có lấm mưa lạnh tanh vẫn nhe răng cười toe toét ra chiều đầy "mãn nguyện". Vì rằng trời mưa hay nắng, hàng phá lấu của bà lão vẫn ở nguyên đó, nép vào mái hiên nhỏ nhắn nơi bức tường phủ đầy rêu xanh trước cánh cổng hồ bơi quen thuộc, chờ đón chúng nó đấy thôi.
- Mình ngồi đây đi anh...
Bây giờ thì trước cổng hồ bơi vẫn đầy rẫy những hàng phá lấu nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng bà lão khi xưa đâu. Thay vào đó là người đàn bà với gương mặt bệt bạt, đen sạm của nắng gió, trao cho tôi hai chén phá lấu nóng bỏng tay thơm mùi nước dừa thoang thoảng ngồi xa xa đã khó cầm lòng, phải bấm bụng nuốt nước miếng ừng ực.
Muốn hỏi thăm người bán nay thế chỗ nhưng tôi chợt nhớ bà lão không tên. Hoàn toàn tôi nào có hay biết gì về bà. May thay nụ cười hiền hậu vẫn ở đó trong nỗi nhớ, cùng với chén phá lấu được bà yêu thương luôn châm thêm nước hầm mỗi khi thằng con nít ranh mở miệng mè nheo xin xỏ.
Nàng cầm que xiên một miếng gan chấm nước mắm me xong bỏ vào miệng, cắn thêm mẩu bánh mỳ, lại bưng chén kề miệng húp nước cái "rột". Tôi cũng húp, húp lấy húp để dù nóng muốn bỏng lưỡi.
Nhanh quá, mau quá, thời gian ơi...
***
- Con trai gì lại mê ăn phá lấu?
- Thì cũng giống em thôi!
Tình đầu thường dễ vỡ, ai cũng bảo vậy. Tôi và nàng chia tay. Những buổi chiều còn lại một mình, bàn chân tôi đạp từng vòng xe rong ruổi mãi vẫn nhẹ tênh. Nàng giờ đã ngồi sau lưng ai đó, ung dung trên xe tay ga bóng loáng, vi vu chốn nhà hàng quán xá sang trọng nào thật ư?
- Dì Tư, lấy con thêm chén nữa...
Tôi vẫn đều đặn ghé trường cấp hai, dưới nắng chiều nóng bức giờ tan học. Là tôi - cứ thế ngồi bệt xuống vỉa hè chẳng nề hà, nhâm nhi cái món phá lấu vốn đầy bụi bặm và không ít người chê mất vệ sinh.
- Dơ lắm đó anh, em đọc báo xong hết dám ăn luôn! Thôi, anh đi đi.
Nàng chẳng còn mê phá lấu nữa, không muốn đi cùng, cũng đâu mong gặp tôi nữa. Chỉ riêng tôi tuần nào cũng ghé cổng hồ bơi, tay đón lấy chén phá lấu nóng bỏng lưỡi xuýt xoa, dù cho trời có đang chuyển mưa tầm tã. Một mình say sưa xùy xụp. Một mình nhai miếng lòng ngọt giòn, cắn thêm miếng gan thơm bùi, chấm với mắm me chua chua xen ớt cay xè.
Cứ thế, hết hồ bơi lại đến trường học, ngày nào tôi cũng ghé, chiều nào tôi cũng ăn những hai ba chén cho thật đã mới thôi.
- Sao anh đi có một mình, chị đâu rồi?
Tôi rụt rè trước câu hỏi, cố tránh ánh mắt đầy thắc mắc của cô nhóc kính cận ngồi kề bên.
- À, chị bận nên nhờ anh mua về. Dì Tư ơi, làm cho con một ổ bánh mỳ mang về, đầy đủ nha dì.
Từng vòng xe mỗi lúc thêm nặng trĩu. Tôi loay hoay với ổ bánh mỳ phá lấu còn nóng hổi dắt trên xe - mua về cho nàng. Cứ thế tôi đi, rong ruổi vô định. Những con đường, quán xá thân quen dần hiển hiện. Kỷ niệm của hai "tâm hồn ăn uống" đâu đâu cũng thấy, nơi nào cũng từng một lần qua.
- Con trai gì mà "ghiền" ăn phá lấu? Bao nhiêu món ngon trên đời, sao lại thích có phá lấu vậy kìa...
Đỗ "xịch" lại nơi góc đường, tôi dắt xe lên lề, ngồi phệt luôn xuống vỉa hè.
- Đố em biết vì sao phá lấu chỉ chuyên bán ở vỉa hè lề đường?
- Không biết nữa. Vì sao vậy anh?
Tôi giở khúc bánh mỳ lúc này nguội ngắt: bên trong chan ngập nước hầm, nhét đầy phá lấu. Trầm ngâm một hồi đưa lên miệng cứ thế ngấu nghiến ngon lành.
- Tại sao vậy? Nói em biết đi.
- Phá lấu làm sao bán ở chỗ nhà hàng quán xá sạch sẽ sang trọng được. Làm sao thấy ngon được, em ơi...
Những tia nắng cuối cùng trong ngày thi nhau ùa theo mặt trời dần khuất lấp sau đám mây mờ. Một chốc lát, cả thành phố ngập chìm trong ánh đèn đường vàng vọt. Những xô phá lấu hẳn giờ cũng đã hết sạch sành sanh. Tôi mường tượng trong tâm trí: những bà lão, những cô dì ngày ngày tảo tần với món khoái khẩu của bao nhiêu lứa học trò nhỏ đang thu dọn trở về nhà sau một ngày vất vả. Một thằng bé con nào đó sẽ reo lên mừng rỡ: "A má về, má về!". Nghe tiếng nó từ xa, tự dưng bao nhiêu nhọc mệt, bon chen đang hằn in trên gương mặt phờ phạc kia tan đi đâu mất. Chỉ còn riêng mỗi nụ cười là đọng lại mãi thật lâu trên môi cả hai má con.
Ngày mai, chắc tôi sẽ lại đi ăn phá lấu. Đứng dậy, phủi bụi, leo lên xe, bất giác tôi thở dài buồn bã. Giá mà mọi xô phá lấu trên đời đều luôn hợp vệ sinh, dẫu có bán nơi vỉa hè bụi bặm. Có lẽ...
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Lưu Quang Minh, sinh 18/05/1988 tại TP HCM, là sinh viên ngành Đồ họa - Mỹ thuật công nghiệp. Đã có truyện ngắn đăng trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Lao Động...
Thành viên bút nhóm thiếu nhi Nhiệt Đới.
Giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn Web Hội ngộ văn chương với truyện "Già trước tuổi"
Đã in: tập truyện ngắn đầu tay Gia tài tuổi 20 (NXB Văn Học - 3/2010).
Bài đã đăng: Thương quá Nhồng ơi!, Đồ chơi vỉa hè, Nghe truyện 'Đàn ông đi chợ', Gia tài tuổi 20, Nàng sứt, Báu vật, Cô đơn trên mạng, Cà phê Cùn, Tỏa sáng, Cơm nhà, Tình KFC, Lành lặn, Bắp xào ơi, Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn, Thỏ Ragu, Đàn ông đi chợ, Bộ sưu tập tem của ông nội.