Dù có nhiều món mới xuất hiện, mâm cơm ngày Tết của người dân phương Nam không thể thiếu món thịt kho hột vịt và khổ qua. Đây đều là những món ăn truyền thống, được truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ý nghĩa của hai món ăn kinh điển này.
Khổ qua
Nhắc đến ngày Tết phương Nam là nhắc tới khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng theo cách gọi của người miền Bắc. Người ta thường nấu khổ qua trong bữa cơm tất niên hoặc trong ba ngày Tết. Sở dĩ món ăn này được ưa chuộng là bởi tên gọi may mắn, mọi sự buồn "khổ", xui xẻo trong năm cũ sẽ chóng "qua" để đón nhận những điều tốt lành trong năm mới.
Ngoài ra, khổ qua còn được xem như một vị thuốc quý trong Đông y, có tác dụng chính là thanh nhiệt, thải độc. Chúng có hàm lượng calo và carbs thấp song nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng, còn có tác dụng bổ sung như giảm béo bụng, tăng cường miễn dịch, bồi bổ sức khỏe tim mạch, hỗ trợ thị lực, giảm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori, kháng khuẩn, kháng virus, hạ đường huyết...
Vào những ngày Tết, trời miền Nam thường nắng nóng. Ăn nhiều các món thịt, cá, giàu đạm dễ bị nóng trong người. Một bát canh khổ qua vị thanh mát có thể giúp cơ thể điều hòa. Khổ qua có vị đắng nhẹ, hậu ngọt, vỏ mềm. Cách nấu phổ biến nhất là canh khổ qua nhồi thịt. Những ngày tụ tập gia đình cuối năm, bạn có thể làm lẩu chả cá thác lác ăn kèm khổ qua. Còn trong những ngày Tết, bạn có thể làm thêm khổ qua ngâm chua ngọt, ăn thay dưa cà muối, giúp chống ngán. Khổ qua cũng có thể làm gỏi, ướp lạnh ăn với ruốc (chà bông) hày xào nhanh với trứng gà để bổ sung cho mâm cơm ngày Tết.
Thịt kho hột vịt
Thịt kho hột vịt hay còn gọi là thịt kho trứng vịt hoặc thịt kho tàu là món ăn quen thuộc của người Việt nhưng chỉ có người miền Nam mới nấu và đặt lên mâm cúng ngày Tết. Trước đây, chợ truyền thống đóng cửa sớm và mở hàng khá muộn sau Tết. Các gia đình thường kho một nồi thịt lớn, ăn dần trong nhiều ngày Tết, chờ tới khi hàng quán nhộn nhịp trở lại. Bát thịt kho cũng đẹp mắt, có miếng thịt vuông, quả trứng tròn, phù hợp để đặt lên mâm cơm ngày Tết cúng ông bà tổ tiên, thể hiện sự sung túc, đủ đầy, no ấm.
Tên gọi "thịt kho tàu" khiến nhiều người lầm tưởng đây là món ăn của người dân gốc Hoa nhưng trên thực tế, chữ "tàu" có hai cách hiểu, một là "mặn ngọt lờ lợ" theo cách nói của người miền Tây, hai là để chỉ ngư dân đi tàu biển.
Xưa kia, dân chài mỗi khi ra khơi đều lênh đênh nhiều ngày trên biển, không chuẩn bị được nhiều thực phẩm. Họ thường nấu một nồi thịt lớn, ăn trong một thời gian dài. Món ăn giàu năng lượng, được làm từ thịt ba chỉ kho, thái miếng to và trứng vịt hoặc trứng gà, giúp ngư dân có sức khỏe để kéo lưới.
Một trong những nguyên liệu quan trọng của nồi thịt kho hột vịt là nước dừa tươi - một sản vật thơm ngon, sẵn có của vùng đất phương Nam. Thịt kho đẫm gia vị, mặn ngọt vừa phải, vị beo béo của phần mỡ, quyện với phần thịt nạc dày. Quả trứng bùi bùi, nước xốt nâu sánh, ngọt béo vị dừa, thịt mỡ, chan với cơm nóng, thêm chút dưa hành muối chua là đủ ngon.