Giám đốc quan hệ công chúng Grace Garrick, 30 tuổi, tuyển dụng một nhóm nhân viên Gen Z cho công ty MVMNT và đã quá quen với việc các cấp dưới luôn cần những giờ nghỉ giải lao ngắn trong ngày.
Chia sẻ với News Australia, Garrick cho biết nhân viên trong cửa hàng EzyMart địa phương không chỉ quen mặt mà còn biết rõ tên nhóm nhân viên Gen Z của cô.
"Giờ nghỉ ăn đồ ngọt lúc 3 giờ chiều không chỉ giúp họ vượt qua cơn buồn ngủ. Đó là khoảnh khắc tự chăm sóc và nuông chiều bản thân", Garrick giải thích. "Khi bạn đang dần trưởng thành, bạn sẽ cảm thấy có một danh sách việc cần làm liên tục. Và giờ nghỉ giải lao lúc 3 giờ chiều cho phép ta quay trở lại những ngày tháng giản đơn của tuổi thơ như mua một món đồ ngọt ở cửa hàng góc phố, giữa cuộc sống bận rộn chốn công sở".

Nhiều nhóm nhân viên Gen Z có thói quen nghỉ giải lao, ăn vặt lúc 3 giờ chiều, chưa kể những khoảng thời gian nghỉ ngắn trong ngày. Ảnh: Adobe Stock
Garrick cho biết đây chỉ là một ví dụ khác về việc Gen Z "tinh chỉnh văn hóa doanh nghiệp" và ưu tiên sự thoải mái, hạnh phúc hơn các chuẩn mực lỗi thời tại nơi làm việc.
"Với họ, nó giống như một phần thưởng nhỏ tiện lợi, khiến môi trường văn phòng trở nên giống như ở nhà. Nó cho thấy chúng ta đang thay đổi cuộc sống công sở, biến nó trở nên phù hợp với những gì mang lại cho ta niềm vui", cô nói.
Garrick từng bắt đầu làm việc khi văn hóa "hối hả" đang ở đỉnh cao, và lao động quá sức bị coi là khoe khoang. Vì thế, cô thực sự đánh giá cao sự thay đổi này trong cách làm việc của thế hệ Gen Z. Nó cũng giúp cô học cách để trở nên vui vẻ trong công việc.
"Thời điểm 3 giờ chiều giống như một sự ăn mừng chiến thắng sau công việc hàng ngày", nữ giám đốc PR nói.
Garrick cũng cho biết cô nhận thấy các nhân viên Gen Z trong văn phòng luôn có tới ba loại đồ uống trên bàn làm việc tại bất kỳ thời điểm nào. Garrick nói thêm thời gian ăn đồ ngọt của nhóm nhân viên trong văn phòng cô không chỉ là lúc 3 giờ chiều, mà họ còn thường nghỉ giải lao ngắn để nạp năng lượng.
Garrick không bận tâm với văn hóa này. Bản thân cô không muốn hét vào mặt họ, yêu cầu họ quay lại bàn làm việc. Trên thực tế, cô coi đó là một điều tích cực. Thay vì làm việc một cách vô thức và kém hiệu quả, họ nghỉ giải lao để có thể tập trung trở lại.
"Những khoảng thời gian nghỉ ngắn này là cơ hội để chia nhỏ ngày làm việc và mang đến cho mọi người điều gì đó mong đợi", cô nói. "Quan trọng hơn, đó là điều thường được hưởng ứng bởi một nhóm đồng nghiệp. Thời điểm làm việc đến 3 giờ chiều, họ có thể cùng nhau bước ra ngoài cửa văn phòng, cùng quay TikTok hay nếm những món mới trong giờ nghỉ giải lao ngọt ngào".
Trong khi đó, chuyên gia về nơi làm việc Roxanne Calder cho biết về mặt lý thuyết, bà không phản đối những giờ nghỉ giải lao, nhưng chắc chắn đây là cách tiếp cận khác với thế hệ của bà vẫn quen làm.
"Tôi thuộc thế hệ X (chỉ những người sinh từ năm 1965 đến 1980), những người không nghỉ giải lao trong giờ làm. Với tôi, văn hóa này không xấu vì các nghiên cứu cho thấy việc nghỉ giải lao có lợi cho sức khỏe. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ liệu họ có nghỉ quá nhiều không?".
Calder cho biết nếu "quá nhiều" lần giải lao trong ngày, văn hóa này sẽ chuyển từ nghỉ giải lao sang "những lần tránh né ngắn" trong giờ làm. Cô lo lắng rằng thế hệ Z sẽ trở nên thiếu động lực và luôn tìm kiếm sự xao nhãng.
Nữ chuyên gia nhận định Gen Z "ít gắn bó hơn" với công việc và xu hướng nghỉ giải lao để tận hưởng chút đồ ngọt này là "điều đáng xấu hổ", bởi quá nhiều người thiếu mục đích.
"Vấn đề không nằm ở những giờ giải lao, mà tại sao họ lại cần giải lao nhiều như thế?", Calder nói.
Calder đùa "có lẽ tôi đã hủy hoại bàng quang mình suốt đời" vì quá tập trung vào công việc và tự hào về điều đó, nhưng Gen Z lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác. "Những lần nghỉ giải lao diễn ra liên tục", cô nói.
Hướng Dương (Theo NY Post)