"Tôi chỉ mặc bất cứ thứ gì tôi muốn", Cindy Luo, 30 tuổi, một nhà thiết kế nội thất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nói với New York Times khi mô tả về phong cách thời trang pyjama của mình ở chốn công sở. "Tôi nghĩ rằng việc chi tiền để ăn diện lịch sự ở chỗ làm là không đáng vì tôi chỉ ngồi thôi".
Luo cho biết cô thường xuyên ngồi làm việc trong trang phục đồ ngủ ôm sát, thậm chí hiếm khi bận tâm đến việc kết hợp sao cho áo và quần trông đồng bộ hơn.
Luo là một phần trong nhóm nhân viên trẻ Trung Quốc ngày càng ưu tiên sự thoải mái hơn là thời trang cao cấp, một lựa chọn về phong cách sống mà họ tự hào khoe trên mạng xã hội.
Thậm chí một chủ đề có tên "Trang phục thô thiển tại nơi làm việc" đang nổi lên trên Xiaohongshu - ứng dụng tương tự Instagram của Trung Quốc. Trên đó, nhiều người cố tình đăng ảnh họ đi dép và tất, quần thể thao, quần áo ngủ và trang phục khác tới chỗ làm, khiến họ trông như thể vừa mới bước ra khỏi giường ngủ.
Trào lưu mặc đồ ngủ đến chốn công sở trở nên nổi tiếng khi một người dùng có tên Kendou S đăng đoạn video về chính mình trên Douyin. Trong đoạn clip có hơn 1,4 triệu lượt chia sẻ, S - người theo chủ nghĩa phản thời trang - mặc một chiếc áo len màu nâu với quần pyjama kẻ sọc, áo khoác chần bông, dép bông và thậm chí đội cả mũ trùm đầu.
Cô tuyên bố trước camera rằng phong cách ăn mặc này liên tục bị sếp gắn nhãn là "thô thiển", nói rằng các bộ trang phục cần phản ánh tốt hơn "hình ảnh của công ty".
Thông thường, trang phục đi làm ở Trung Quốc khá bảo thủ. Nam giới thường mặc áo sơ mi hoặc áo khoác có cổ trong khi phụ nữ phải mặc vest công sở hoặc váy cổ cao. Nhưng hiện tại, những nhân viên Gen Z dường như có cuộc "lội ngược dòng".
Theo NY Times, phong cách ăn mặc trên là sự thể hiện mang tính thẩm mỹ của phong trào "nằm phẳng", trong đó người trẻ tuổi đang tránh xa cuộc đua khốc liệt của các thế hệ trước để có một cuộc sống dễ dàng và bớt phức tạp hơn.
NY Times viết: "Xu hướng phản văn hóa này là một phản ứng trước tình trạng tăng trưởng chậm lại và cơ hội việc làm ngày càng thu hẹp của đất nước".
Các gen Z cũng muốn chứng minh rằng việc lựa chọn quần áo không phản ánh khả năng của họ với tư cách là nhân viên, rằng họ không ngủ trong khi làm việc dù mặc trang phục đó. "Đó là sự tiến bộ của thời đại", Xiao Xueping, một nhà tâm lý học ở Bắc Kinh, nói về kiểu trang phục văn phòng mới của giới trẻ Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên đồ ngủ được coi là thời trang cao cấp ở Trung Quốc. Xu hướng mặc pyjama ngày càng trở nên phổ biến đối với nhiều thế hệ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi các nhân viên buộc phải làm việc từ xa.
Vào năm 2020, các quan chức ở thành phố Tô Châu đã gây tranh cãi dữ dội khi nêu tên và chỉ trích những công dân mặc đồ ngủ trên đường phố.
Các gen Z Trung Quốc không phải những người duy nhất diện trang phục kỳ quặc tới công sở. Hồi năm 2022, nhiều thanh niên gen Z ở Mỹ cũng khiến không ít người nhíu mày khi mặc trang phục giống như đi câu lạc bộ tới văn phòng làm việc.
Hướng Dương (Theo NY Post)