Đó là một trong những cảnh nguy hiểm nhất của phim, nằm ở cao trào dẫn đến kết cục. Người cha mắc bệnh hoang tưởng (Quang Tuấn) bế con gái út đã bất tỉnh (Cát Vi) leo lên ban công giữa đêm mưa rào với ý định tự sát. Tâm bệnh khiến anh cho rằng việc này sẽ giúp hai cha con được đoàn tụ với người vợ, người mẹ đã chết.
Cảnh phim được quay tại bối cảnh thật - ban công tầng hai của căn nhà cổ nơi đoàn ghi hình. Hai diễn viên đều đeo dây cáp bảo hiểm và được nối dây cáp với nhau. Thành lan can trơn trượt vì nước mưa nhân tạo, Quang Tuấn cố hết sức giữ thăng bằng khi leo lên và đứng trên đó nói một đoạn thoại khá dài với Thanh Mỹ - diễn viên nhí còn lại của phim.
Vốn đã sợ độ cao, nam diễn viên thêm áp lực bảo vệ cho "con gái" Cát Vi. Anh nói: "Tôi biết mẹ của Cát Vi lo lắm. Tôi sợ mình trượt chân, giữ bé không kịp, có vấn đề gì tôi không đền được con gái cho chị ấy". Cô bé 10 tuổi khi đó thì bảo: "Con nằm trong tay ba Tuấn, con sợ một, ba Tuấn sợ 10".
Cũng trong tình huống phim đó, sau khi con gái được an toàn, người cha một mình rơi xuống sân. Đây mới là cảnh ám ảnh nhất đối với Quang Tuấn. Dù được đội cascadeur giữ an toàn bằng dây cáp bảo hiểm, lại có tấm đệm đỡ dưới sân, anh không nguôi nỗi lo mình "chết chắc" nếu rơi chệch khỏi tấm đệm. Anh nhiều lần chần chừ không dám diễn. Thế nhưng, khi đạo diễn Lê Văn Kiệt đề nghị dùng người đóng thế, anh từ chối vì biết máy quay sẽ bắt cận mặt mình.
Bóng đè không phải phim Việt đầu tiên dùng người thật, không gian thật cho các cảnh mạo hiểm. Trước đây, các diễn viên nhí phim Đỉnh mù sương từng leo thang cây trên vách núi. Dàn sao phim Rừng thế mạng ép cân, đi bộ, băng rừng, vượt thác như đi phượt. Diễn viên phim Ròm lội nước mưa, chạy qua đường ray khi tàu hỏa lao tới, đánh nhau dưới bùn, trượt té khi chạy trên mái nhà.
Nhiều người cho rằng đây là lựa chọn cực đoan đầy rủi ro. Quang Tuấn trấn an mọi người: "Thực ra khi chọn cách làm này, các đoàn phim đều trang bị bảo hộ đầy đủ, không đến mức xảy ra sự cố".
Đối với cảnh phim người cha bóp cổ con gái lớn (Thanh Mỹ), Quang Tuấn cho biết hình ảnh lên phim gợi cảm giác nguy hiểm nhưng thực tế lúc quay, anh dùng kỹ thuật diễn, không gây hại cho bạn diễn.
Quang Tuấn cho biết: "Tôi không ủng hộ cách nói diễn viên làm ảnh hưởng bạn diễn vì nhập vai quá. Diễn viên giỏi là người nhập vai cỡ nào cũng làm chủ bản thân, tách bạch cái tôi của nhân vật và của bản thân. Bạn nhập vai quá rồi đâm chết người ta, bóp cổ người ta chết thì sao? Trước cảnh quay, tôi với Thanh Mỹ chỉ tập thoại và xác định biên độ di chuyển trong phạm vi nhất định. Chúng tôi không tập hành động và tâm lý vì sợ chai lì cảm xúc".
Ngoài các cảnh phim nói trên, Quang Tuấn còn gây ám ảnh với cảnh tượng bị treo cổ bằng dây thừng, nói chuyện với manequin vì hoang tưởng đó là vợ mình.
Bóng đè xoay quanh cuộc sống của ba cha con Thành (Quang Tuấn). Hơn một năm sau cái chết của vợ, Thành đưa hai con gái Linh (Thanh Mỹ) và Yến (Cát Vi) về vùng quê hẻo lánh sống, với hy vọng nơi này chữa lành chứng bệnh bóng đè và những ám ảnh tinh thần của Yến. Nhưng tại nơi ở mới, hai chị em Linh - Yến liên tục gặp những hiện tượng ma mị. Đến giúp cha con Thành, bác sĩ tâm lý Hạnh (Diệu Nhi) cũng bị cuốn vào những trải nghiệm không mong muốn.
Chưa thuyết phục về nội dung nhưng Bóng đè ghi điểm nhờ phần diễn xuất của hai ngôi sao nhỏ tuổi Thanh Mỹ và Cát Vi, tạo hiệu quả về hình ảnh, hóa trang và âm nhạc. Sau hai tuần công chiếu, phim hiện thu về hơn 31,6 tỷ đồng và tiếp tục chiếu rạp.
Phong Kiều