Lần thứ hai sau phim Vợ ba, hai nàng thơ nhỏ tuổi của điện ảnh Việt vào vai chị em ruột. Thanh Mỹ đóng vai Linh, Cát Vi vào vai Yến. Sau cái chết của mẹ, cả hai theo bố (Quang Tuấn) chuyển về một vùng quê hẻo lánh sinh sống bởi theo lời bố, nơi ở mới sẽ giúp Yến trị lành ám ảnh tâm lý và chứng bệnh mộng du. Dù được bác sĩ tâm lý Hạnh (Diệu Nhi) giúp đỡ, cuộc sống của họ không biến chuyển tốt hơn, ngược lại thêm căng thẳng vì nhiều hiện tượng nhuốm màu liêu trai trong căn nhà cổ.
Trở lại màn ảnh sau ba năm, Cát Vi và Thanh Mỹ cùng gánh vác vai trò trụ cột của phim. So với nam chính Quang Tuấn, hai diễn viên nhỏ tuổi có nhiều đất diễn hơn, tâm lý nhân vật cũng được đào sâu hơn. Trong chuỗi sự kiện ám ảnh của phim, hai chị em Linh và Yến là người trải nghiệm chính. Những góc khuất câu chuyện được lật mở qua lăng kính của hai em. Đồng thời, hai em cũng là người giải quyết vấn đề ở đoạn kết.
Hai diễn viên cho thấy sự tâm huyết trong các cảnh nội tâm cũng như các cảnh chạy, bị ngã, bị ma ám. Nhưng cả hai đều không được xem phim mình đóng vì phim giới hạn cho khán giả trên 18 tuổi.
Phim Bóng đè bấm máy đầu năm 2020. Khi ấy, Thanh Mỹ vừa mang nét trong trẻo của tuổi 15 vừa bộc lộ nội tâm buộc mình già trước tuổi của nhân vật. Bằng nét diễn nhẹ nhưng sâu, cô khắc họa chân dung chị gái thay mẹ chăm em; thường ngày thâm trầm nhưng trở nên quyết liệt khi đứng trước nguy nan sinh tử của người thân.
Ở những phút đầu tiên, Thanh Mỹ làm người xem xót xa với khoảnh khắc Linh khóc một mình vì biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì nhưng thiếu vắng bàn tay người mẹ chăm bẵm. Ở loạt cảnh kinh dị sau này, cô gợi nhắc hình ảnh ma mị của chính mình trong phim Đoạt hồn (chiếu năm 2014) - vai diễn mang về cho cô biệt hiệu "em bé đáng sợ nhất phim Việt". Tái xuất lần này, Lâm Thanh Mỹ lấy lại sinh khí diễn xuất so với biểu hiện trong các phim Vợ ba, Tình đầu thơ ngây, Hoàng quý muội.
Mang màu sắc diễn xuất đối lập với "chị gái" Thanh Mỹ, Cát Vi phù hợp vẻ lém lỉnh, thông minh của Yến. Ở giai đoạn sau của phim, cô bé chuyển biến tâm lý mượt mà, làm chủ tốt loạt cảnh bị hù dọa, rượt đuổi. Đặc biệt ở các phân đoạn bé Yến gặp hiện tượng bóng đè, Cát Vi thể hiện tự nhiên ánh mắt trợn trừng, tứ chi co quắp. Lần đầu đóng phim kinh dị, "con gái Hai Phượng' có thêm một vai diễn hay.
Với kinh nghiệm từ Thất sơn tâm linh (Thiên linh cái) và Bằng chứng vô hình, Quang Tuấn không gặp khó với dạng vai tâm lý bất ổn dù nhân vật có câu chuyện khác hai lần trước. Vượt qua nghi ngại của nhiều người, Diệu Nhi rũ bỏ hình tượng hài để nhập vai nghiêm túc một cách thuyết phục. Tuy nhiên, nhân vật của họ không được xây dựng chặt chẽ, gây cảm giác bị cắt nhiều đất diễn.
Bóng đè có phần mở màn đầy tiềm năng. Giữa không khí u ám phim tạo dựng, khán giả được dẫn lối vào căn nhà cổ và giống như bị giam lỏng trong đó cùng các nhân vật. Hàng loạt tình huống mang tính hù dọa được tung ra. Không chỉ tạo âm thanh hay bóng đen, những "vị khách lạ mặt không mời mà đến" còn bạo dạn đi ngang trước mắt chủ nhà. Ám ảnh nhất là hình ảnh cụ già thoắt ẩn thoắt hiện rồi bất thình lình mặt đối mặt, nhe răng cười ghê rợn với nhân vật chính. Thiết kế bối cảnh với không gian cổ kính, đồ đạc phủ bụi cùng phần hóa trang hiệu quả giúp nâng đỡ thêm nỗi sợ cho người xem.
Tuy nhiên sang nửa sau, phim gây tiếc nuối vì tham chi tiết, khai thác nhiều hướng nhưng hướng nào cũng nửa vời - kinh dị tâm linh không đến nơi, kinh dị khoa học không đến chốn. Loạt cảnh dọa ma quá dàn trải trở thành nhàm chán, lại không hỗ trợ được diễn biến câu chuyện. Đạo diễn Lê Văn Kiệt dường như mải mê hù dọa khán giả để rồi phải vội vã đi đến cái kết, giải thích sự việc hoàn toàn bằng lời thoại.
Vượt qua lùm xùm cắt vai nam chính của Dustin Nguyễn cùng trở ngại dừng quay vì đại dịch, Bóng đè ra rạp chỉn chu nhưng mắc lỗi "đầu voi đuôi chuột" kinh điển của phim Việt. Diễn viên cùng thiết kế bối cảnh, hóa trang là ba yếu tố nổi bật của phim. Tác phẩm hiện chiếu rạp toàn quốc.
Phong Kiều