Bánh đồng xu 10 won
Những ngày cuối năm, bánh đồng xu Hàn Quốc xuất hiện dày đặc trên các hội nhóm review ẩm thực Hà Nội. Vốn là món ăn vặt nổi tiếng ở Hàn Quốc và Nhật Bản, bánh được tạo hình thành đồng xu, lớp vỏ in hoa văn mệnh giá đồng 10 won (ở Hàn Quốc) hoặc 10 yen (ở Nhật). Bánh gồm có lớp vỏ xốp, thơm mùi trứng sữa, gần giống vỏ bánh trứng gà non. Phần nhân là phô mai mozzarella, khi bẻ có thể kéo thành sợi dài, gây thích thú cho thực khách. Từ một quán trên phố cổ Hà Nội, chỉ sau vài tuần, món ăn này có mặt trên nhiều con phố khắp thủ đô, đặc biệt là gần các khu vực trường học, quy tụ nhiều học sinh sinh viên, với giá khoảng 35.000 đồng một chiếc.
Trà chanh giã tay
Xuất hiện ở Hà Nội khoảng tháng 8 nhưng món đồ uống này chỉ thực sự nở rộ vào tháng 10-11, có mặt ở nhiều nơi, trong đó có TP HCM và Đà Nẵng. Trà chanh giã tay vốn là đồ uống phổ biến ở Trung Quốc, sử dụng nguyên liệu chính là chanh Quảng Đông, còn được mệnh danh là chanh nước hoa nhờ mùi thơm rất đặc biệt.
Khách tới mua hàng không chỉ để thưởng thức hương vị, còn vì tò mò cách thức làm ra loại trà này. Người pha cho chanh và đá vào cối và dùng những chiếc chày to, dài vài chục cm, liên tục dùng sức giã mạnh để phần vỏ tiết ra tinh dầu thơm, giã càng mạnh trà càng thơm. Sau đó, đổ phần chanh đá vừa giã vào bình, thêm siro đường, trà và nước cốt chanh và lắc đều như pha cocktail rồi đổ ra cốc là hoàn thành. Ly trà mát lịm, vị ngọt thanh, chua nhẹ, vị trà đậm đà. Tinh dầu của chanh Quảng Đông rất thơm, khác hẳn với trà chanh thông thường. Cách làm khá đơn giản nên nhiều người tìm mua loại chanh này về để tự pha chế tại nhà.
Trà sữa đất nung Vân Nam
Cũng là một món trà xuất xứ từ Trung Quốc, trà sữa đất nung Vân Nam đang "làm mưa làm gió" trên các con phố Hà Nội những ngày cuối năm. Nhiều quán mở ở Hàng Muối, Ngõ Trạm, Hàng Chiếu... nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Khách thường xuyên phải chờ đợi có chỗ, sau đó phải tiếp tục chờ đợi chế biến khoảng một giờ. Quy trình làm nên set trà sữa đất nung Vân Nam khá cầu kỳ với nguyên liệu chính là trà, các loại thảo mộc, táo đỏ sấy khô, đường, sữa tươi, hoa ướp trà...
Sau khi khách chọn món, nhân viên bắt đầu đong định lượng nước, sữa, đường phèn với tỷ lệ phù hợp và đổ vào thố đất. Tiếp đó, cho các loại trà thảo mộc và nấu trong khoảng 4-5 phút. Trong quá trình nướng, chủ quán dùng thìa khuấy nhẹ, đều tay. Các thố đất được nung trực tiếp trên bếp, mỗi bếp để được 4 thố đun cùng một lúc. Sau khi đun xong, nhân viên rót trà sữa trực tiếp vào cốc cho khách thưởng thức. Không giống các quán trà sữa bình thường, những tiệm trà đất nung thường dành chỗ ngồi ngoài trời cho khách, vừa ngắm nhìn đường phố, tận hưởng cái lạnh mùa đông và nhâm nhi tách trà ấm nóng.
Trà mãng cầu
Nếu như trà chanh giã tay và trà sữa đất nung Vân Nam gây sốt dịp cuối năm, trà mãng cầu lại "thống trị" làng ẩm thực hè. Loại đồ uống này xuất hiện ở TP HCM, Long An sau đó lan rộng ra Hà Nội và Đà Nẵng. Đây là thức uống theo mùa nên thực khách đều có tâm lý tranh thủ thưởng thức, tạo nên cơn sốt trên các hội nhóm ẩm thực và thường xuyên hết hàng trên ứng dụng giao đồ ăn.
Công thức pha trà mãng cầu không cầu kỳ. Thành phần chính gồm trà nhài, tắc (quất), đường và mãng cầu. Mãng cầu tách múi, ướp đường. Khi khách gọi, chủ quán vắt chút quất vào ly, cho trà nhài pha sẵn và topping mãng cầu lên trên và lắc đều tạo bọt. Ly trà đậm vị, thơm mùi hoa nhài, chua của quất, vị ngọt thanh của mãng cầu, là thức uống đã khát trong mùa hè oi bức.
Mì tôm Thanh Long
Nhắc tới ẩm thực Việt năm 2023 không thể không nói tới món mì thanh long. Xuất phát từ một video quảng cáo của nhãn hàng, món ăn trở nên viral và được săn lùng khắp nơi. Đoạn quảng cáo được quay dựng đơn giản, theo phong cách xưa cũ, có phần sơ sài, thiếu chỉn chu. Lời bài hát "vô tri" nhưng dễ nhớ cùng hai linh vật được nhãn hàng giới thiệu là hai "bé thanh long" màu hồng đứng nhảy múa để quảng bá, gợi nhớ về TVC quảng cáo những năm 1990. Tuy nhiên, chiến dịch này lại mang lại hiệu quả bất ngờ, vượt ngoài mong đợi. Mì thanh long trở thành từ khóa ẩm thực được tìm kiếm nhiều trên các mạng xã hội, thậm chí thương hiệu còn nhận được "bão đơn" và "cháy hàng" trên sàn thương mại điện tử.
Mì thanh long được đóng gói không khác so với mì bình thường nhưng cuộn vắt mì có màu hồng tím đặc trưng của thanh long. Sợi mì dai dai, quyện với nước dùng chua thanh, có vị ngọt nhẹ của thanh long, tưởng như không ăn ý nhưng lại hợp nhau bất ngờ. Một số blogger còn hướng dẫn cách làm mì thanh long tại nhà với trái cây tươi. Tuy nhiên, một số người lại nhận xét hương vị không nổi bật, không khác biệt với mì thông thường.
Gỏi gà măng cụt
Gỏi gà măng cụt vốn là món ngon nổi tiếng, bắt nguồn từ vùng đất Lái Thiêu, Bình Dương từ lâu nhưng bất ngờ "lên xu hướng" trên khắp các mạng xã hội, đặc biệt là TikTok trong hè năm nay. Món ăn được bán nhiều trên các kênh cả online và offline với số lượng đơn bùng nổ. Thành phần chính của món ăn này là thịt gà và măng cụt xanh, tuy nhiên không phải loại thông thường mà là măng điểm - loại măng cụt vỏ xanh nhưng đã gần chín, vị ngọt, giòn, thích hợp trộn gỏi. Tuy nhiên, loại măng điểm này có giá thành cao, một phần gỏi bán với giá 250.000-350.000 đồng, vừa cho 2-4 người ăn.
Ngoài ra, món ăn trộn thêm với thịt gà xé, hành tây, rau răm, hành khô, cà rốt bào sợi, vị chua thanh của măng cụt, thịt gà mềm ngọt, ăn kèm các loại rau củ, bánh phồng tôm và nước chấm. Không chỉ trộn gỏi với thịt gà, nhiều người cũng thay đổi nguyên liệu cho phong phú như sử dụng các loại hải sản như cua, mực, tôm.
Bánh trứng lòng đào
Là món ăn "soán ngôi" bánh đồng xu 10 won, bánh trứng lòng đào cũng là một trong những món ăn gây chú ý trong năm 2023. Những chiếc bánh có size nhỏ, tạo hình như quả trứng gà với màu vàng ươm bên ngoài và được đựng trong khay đựng trứng, giống hệt "hàng thật". Phần vỏ bánh mềm, bóp nhẹ có độ đàn hồi, vị gần giống vỏ bánh 10 won. Phần nhân mềm, làm chảy với các vị chocolate, matcha, kem sữa hoặc phô mai. Mỗi chiếc có giá 8.000 đồng, một hộp 4 chiếc giá 36.000 đồng. Loại bánh này được lòng giới trẻ nên thường xuất hiện quanh cổng các trường học.