Nhiều bố mẹ phàn nàn rằng con mình không thích học môn lịch sử, vì thế cũng không biết gì nhiều về lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, khi được hỏi về các ngày lễ lớn của đất nước như ngày Quốc khánh, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày giải phóng Thủ đô… nhiều con đều lắc đầu trả lời không biết. Chị Thu Giang, một bà mẹ có 2 con ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, trẻ con không thích môn lịch sử một phần cũng là do người lớn chưa biết cách làm cho lịch sử trở nên "hấp dẫn và tò mò" đối với trẻ. Vì vậy, theo kinh nghiệm của chị Giang, bố mẹ hãy là người đầu tiên khơi dậy niềm hứng thú tìm hiểu về lịch sử, đưa lịch sử trở nên gần gũi cuộc sống hàng ngày của con. Hãy nói với trẻ rằng: "Lịch sử giống như một cuốn phim hay, nếu các con được xem hết phim sẽ có những trải nghiệm thú vị".
Ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ hãy chăm chỉ đưa con đi tham quan các bảo tàng như bảo tàng lịch sử, bảo tàng quân đội... để con có những hiểu biết đầu tiên về lịch sử. "Lúc đầu, có thể con chưa thực sự hứng thú tham gia nhưng sau đó, con sẽ bị tò mò bởi những câu chuyện lịch sử, hiện vật được trưng bày trong bảo tàng" - chị Giang cho biết. Thông thường, sau mỗi chuyến tham quan như vậy, mỗi con sẽ có hứng thú với từng giai đoạn hay nhân vật lịch sử khác nhau và sẽ chia sẻ với bố mẹ, anh chị về cảm nghĩ đó của mình.
Vào những ngày lễ lớn như ngày Quốc khánh, ngày giải phóng Thủ đô... bố mẹ khuyến khích con xem các chương trình chào mừng trên truyền hình để con có ấn tượng về con số thời gian, sự kiện lịch sử này... Chị Giang cũng cho biết thêm, hầu hết các con thường thích xem phim hoạt hình chứ không hứng thú với những chương trình chào mừng như vậy. Vì thế, có nhiều con, dù đã 15 tuổi, giải thích cho việc con không biết ngày Quốc khánh của Việt Nam là vì con không bao giờ xem kênh truyền hình của Việt Nam, con chỉ xem các kênh giải trí của nước ngoài. Nếu có thời gian, bố mẹ hãy rủ con cùng xem hoặc tham gia vào các buổi lễ chào mừng để con cảm nhận chân thật nhất.

Tạo không khí vừa học vừa chơi giúp con thêm hứng thú với những môn học khô khan. Ảnh minh họa: DVP.
Khi trẻ con yêu thích nhân vật nào hay cái gì thì chúng thường thích cả những điều liên quan đến nhân vật, đồ vật ấy. Do vậy, nếu con thích những con số, bố mẹ có thể nói nhiều về mốc lịch sử, thời gian diễn ra sự kiện, hoặc đơn giản là ngày, tháng, năm sinh của các vị anh hùng dân tộc. Trường hợp con hiếu động, thích máy bay, ô tô hay robot... con sẽ hứng thú với các cuộc kháng chiến của dân tộc, chuyện binh pháp... Để hấp dẫn các con, bố mẹ có thể chọn mua sách, truyện tranh lịch sử dành cho thiếu nhi để con "nghiền ngẫm" những thông tin con quan tâm. Với những con thích vẽ, bố mẹ khuyến khích con tưởng tượng và vẽ một trận chiến nổi tiếng hay bất cứ điều gì liên quan đến lịch sử. Việc khéo léo lồng ghép sở thích và sở trường của con để làm các sự kiện, nhân vật lịch sử trở nên sống động, gần gũi với sẽ giúp con hứng thú với lịch sử hơn.
Đối với các con thích sinh hoạt tập thể, bố mẹ hãy tạo sân khấu nhỏ trong nhà để biểu diễn vở kịch lịch sử là một ý tưởng thú vị. Hãy cho con chọn nhân vật lịch sử mà mình yêu thích để đóng vai. "Thằng lớn nhà mình thường chọn đóng vai các vị vua, còn em nó thì đóng vai thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản và thích chi tiết bóp nát quả cam", chị Giang chia sẻ. Trong khi đó, bố mẹ hãy là người dẫn truyện hay đóng các vai phụ như quân lính, người hầu để con thấy được tầm quan trọng khi mình được đóng vai chính. Những sinh hoạt gia đình như thế này vừa giúp con thêm hào hứng với lịch sử, vừa để gắn kết thêm tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Lệ Thúy