Ngay khi đi học mẫu giáo, các con đã được tiếp cận với những con số và phép tính đơn giản. Nhưng không phải bé nào cũng thích thú với các con số "khô khan" đó nên vì thế cũng ít hứng thú với môn toán. Để cải thiện vấn đề này, chị Bích Hằng, một bà mẹ có con học lớp 3 ở phố Lò Sũ, Hà Nội đã áp dụng 5 "tuyệt chiêu" dưới đây.
1. Bắt đầu cho con làm quen với các con số từ khi còn nhỏ
Khi mua đồ chơi cho các con, bố mẹ nên lựa chọn đồ chơi thông minh để phát triển tư duy. Sớm được làm quen và nhận diện các con số trên đồ chơi mà con yêu thích sẽ làm con bắt đầu có cảm tình với môn toán. Ngoài ra, bố mẹ có thể cho con xem các chương trình ti vi, phim hoạt hình và ca nhạc thiếu nhi có giới thiệu cách đếm số với hình ảnh sống động, ngộ nghĩnh về các con số để thu hút con.
Theo chia sẻ của chị Hằng, do biết con mình ngay từ nhỏ đã thích bật-tắt các nút công tắc, thích bấm vào các phím có dạng lồi như phím đàn, nút bấm điện thoại hay nút bấm điều khiển ti vi, chị đã nghĩ ra một cách để con có thể vừa chơi vừa học. Đó là hàng ngày, chị đều cố tình nhờ con bật ti vi, chuyển kênh. Hay với điện thoại để bàn, chị nhờ con bấm số của ông bà để chị gọi điện. Mỗi lần nhờ con như vậy, chị đều đọc to các con số để con có thể thao tác bấm số tương ứng ghi trên điện thoại hay điều khiển. Vì vậy, con nhận diện các con số rất nhanh và cũng hào hứng khi làm đúng thì được mẹ khen ngợi, động viên.
2. Khuyến khích con ghi nhớ các con số
Khuyến khích con học thuộc hay ghi nhớ các con số, một dãy số cũng là cách hay để con có thể rèn luyện trí nhớ, tư duy toán của mình. Tuy nhiên, ghi nhớ dãy số bất kỳ là một việc không dễ và không nhiều thú vị đối với nhiều đứa trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên giúp con ghi nhớ các con số bằng cách gắn với những đồ vật, môn học mà con yêu thích.
Ví dụ, nếu con thích xem các chương trình thể thao, bố mẹ hãy thường xuyên hỏi con về tỷ số của một trận bóng hay trận đấu. Nếu con thích các loại ô tô, xe máy, hãy đố con nhớ được biển số xe của bố mẹ và người thân trong gia đình. Để trả lời được câu hỏi của bố mẹ, con sẽ dần hình thành thói quen ghi nhớ các con số. Đối với con mê địa lý, việc đố diện tích, dân số của một vùng lãnh thổ là một cách hay vừa giúp con tìm hiểu sâu và ghi nhớ đầy đủ các thông tin liên quan đến chủ đề này.
3. Đưa con số và tính toán vào cuộc sống của con
Nhiều đứa trẻ rất thích theo mẹ đi mua sắm, đi siêu thị. Bố mẹ có thể qua đây nhờ con tính hộ những phép tính như tiền phải thanh toán, tiền thừa phải trả lại để tăng khả năng tính nhẩm của con hay giúp con tư duy về các dạng toán đố đơn giản. Đối với con còn nhỏ, việc đếm số bạn trong lớp hay đếm số thành viên trong gia đình cũng là cách tốt để con học với các con số.
4. Chọn mua các loại sách toán và giải toán cùng con
Bố mẹ có thể chọn mua các loại sách có liên quan đến con số, sách toán về suy luận logic cho con và cùng con giải toán. Đối với các con còn nhỏ, bố mẹ chú ý mua sách có hình ảnh, màu sắc đẹp, con số được in to, rõ ràng và các con số có thể được nhân cách hóa ngộ nghĩnh để tăng hứng thú cho con. Thời gian giải bài toán không nên quá dài, khoảng 30 phút lại giải lao để các con không cảm thấy áp lực mà đơn giản chỉ là vừa học vừa chơi.
5. Khuyến khích con tham gia thi các cuộc thi toán và trắc nghiệm toán
Ở các trường học thường tổ chức những cuộc thi như thế này nhưng nhiều trẻ lại rụt rè, nhút nhát, không tự tin tham gia. Bố mẹ cần theo dõi các thông báo của nhà trường, tham khảo thông tin trên mạng và của người quen để nắm được thời gian thi. Bố mẹ không nên tỏ thái độ "chắc thắng", "thi là phải có giải" vì điều đó sẽ tạo áp lực cho con. Khi con đạt kết quả chưa cao, bố mẹ cũng không nên tỏ vẻ thất vọng mà hãy động viên con "thua keo này ta bày keo khác", "lần này thi để lấy kinh nghiệm, là thử sức" để con loại bỏ được cảm giác thất bại, tự ti hay chán nản rồi từ đó ghét môn toán.
Lệ Thúy