"Sau khi có con, chúng tôi dần dần gạt đi chuyện tình dục. Tôi mệt mỏi vì làm việc nhà, chăm sóc em bé, trong khi chồng tôi cũng có vẻ kiệt sức sau khi đi làm về, không còn chủ động nữa", Park Eun-jeong, 43 tuổi, sống tại Seoul, nói.
Con gái đã 6 tuổi, nhưng vợ chồng vẫn ngủ riêng như hồi mới có con. Cô bé ngủ chung phòng với mẹ, trong khi bố ngủ ở phòng khác để tránh làm vợ con thức giấc khi thường xuyên về khuya, dậy sớm.
Park không hoàn toàn hài lòng với tình hình hôn nhân này, nhưng cũng không thấy có vấn đề gì đáng kể. Với cô, thiếu vắng tình dục không phải lý do đủ lớn để gia đình tan vỡ, ảnh hưởng đến con cái.
"Làm sao tôi có thể tách con khỏi bố chỉ vì chúng tôi không còn mặn nồng trong sinh hoạt giường chiếu?", Park nói.
Chồng Park không trả lời phỏng vấn, nhưng nếu hai người có cùng quan điểm, họ có thể được xếp vào nhóm "không màng tình dục". Bác sĩ tâm lý Nhật Bản Teruo Abe là người đầu tiên giới thiệu thuật ngữ này năm 1991, chỉ các cặp vợ chồng đồng thuận không sinh hoạt tình dục trong ít nhất một tháng.
Có rất ít dữ liệu thống kê về nhóm này, nhưng các cuộc hôn nhân như của Park không hiếm ở Hàn Quốc.
Năm 2016, phòng khám S chuyên về tình dục duy nhất ở nước này tiến hành khảo sát hơn 1.000 người, cho thấy 35% các cặp vợ chồng không màng tình dục. Dựa theo khảo sát này, Hàn Quốc có tỷ lệ hôn nhân không tình dục cao thứ hai chỉ sau Nhật Bản với 44,6%, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 20%.
Bae Jeong-weon, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Tình dục ở Seoul, nơi cung cấp dịch vụ tư vấn, giáo dục liên quan đến tình dục, cho biết nhiều người Hàn đơn giản là "quá kiệt sức".
"Người Hàn quá bận rộn. Giờ làm việc dài, công việc cạnh tranh, các bữa tiệc với công ty khiến mọi người kiệt sức hoàn toàn, quá mệt mỏi cho chuyện tình dục khi về nhà. Họ ngã xuống giường và lướt smartphone", bà Bae, cựu chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Hàn Quốc, giải thích.
Kim Jung-min, cư dân Seoul 46 tuổi, đồng tình, cho biết không thể nhớ lần cuối cùng quan hệ với vợ là khi nào.
"Tôi thường ngủ quên khi chơi game hoặc đọc truyện trên smartphone, trong khi vợ lướt mạng xã hội hoặc các diễn đàn trực tuyến cho các bà mẹ", Kim nói.
Hai vợ chồng ngủ chung giường, nhưng nằm quay lưng với nhau, song không phải dấu hiệu hôn nhân căng thẳng mà đơn giản để tránh làm phiền nhau do ánh sáng màn hình smartphone. "Đôi khi tôi nghĩ cần nhen nhóm lại ngọn lửa tình dục, nhưng lại nản khi nghĩ đến các dự án, họp hành sáng sớm".
Yang So-young, luật sư dày dạn kinh nghiệm chuyên về ly hôn, cho biết 80-90% thân chủ muốn ly hôn đang ở trong những cuộc hôn nhân không tình dục. 10% còn lại liên quan đến những cặp trong đó một người có ham muốn cao hơn đáng kể so với người kia, gây mâu thuẫn.
"Nhưng trong 24 năm hành nghề, tôi chưa gặp ai nêu rõ lý do ly hôn là thiếu tình dục. Người Hàn thường thảo luận về tài chính, nuôi dạy con cái, các vấn đề gia đình hai bên thông gia, nhưng hiếm khi nói chuyện cởi mở về tình dục. Ngay cả khi có vấn đề giường chiếu phát sinh, họ thường không trực tiếp thảo luận để giải quyết", bà Yang nói.
Lim Choon-hee, giáo sư Khoa Nghiên cứu Trẻ em và Gia đình tại Đại học Quốc gia Kunsan, nói rằng "ý nghĩa của hôn nhân ở Hàn Quốc hiện đại là sự kết hợp giữa các gia đình hơn là giữa các cá nhân, nhiều người đặt nặng các giá trị vật chất xoay quanh cuộc hôn nhân hơn là chỉ tập trung vào tình cảm".
Lim cho rằng một số cặp vợ chồng vẫn có thể chung sống tốt đẹp mà không có tình dục. "Họ có thể duy trì mối quan hệ hòa thuận mà không có mâu thuẫn nghiêm trọng".
Đức Trung (Theo Korea Herald, Yonhap, KBS News)