"Tôi mong sự tĩnh tâm cho người uống trà này", Nguyễn Việt Hùng mở lời về những chén trà thuần hữu cơ làm ra. Giọng ôn tồn đón khách lạ, anh Hùng tạo ấn tượng gần gũi ngay phút đầu gặp mặt.
Đầu cạo trọc, một chỏm râu dưới cằm, cổ đeo chuỗi tràng hạt, người đàn ông 35 tuổi trong bộ đồ đũi chẳng chút tướng mạo một viên chức khi xưa. Anh đi đôi dép cao su, quanh quẩn pha, rót trà và chuyện trò trong cõi riêng tại phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội. Phía trước hai bàn trà nhỏ kê sân quán chẳng bóng xe cộ qua lại, cả không gian râm ran tiếng người chỉ vừa đủ nghe. Ba năm nay, chủ nhân Hiền Minh Tea được sống đúng con người mình.
Cũng buổi chiều ấy vài năm trước, tan sở, anh Hùng sẽ cùng đồng nghiệp ngồi bên những bàn rượu miên man, bàn thế sự, rồi cuối tháng chờ lĩnh lương đều đều về tài khoản từ công việc không yêu thích. Nhưng lâu rồi Hùng không gặp lại đồng nghiệp cũ, chẳng ai quan tâm tới bàn trà anh đang ngồi.
Nguyễn Việt Hùng nhận mình có thiên hướng nghệ thuật. Anh hai lần khăn gói thi Sân khấu Điện ảnh, ôm mộng làm diễn viên và để được học thanh nhạc, nhưng lần nào cũng thiếu 0,5 điểm. Hùng an phận theo học Bưu chính Viễn thông để có tấm bằng đại học. Những lúc không ở trường, anh sinh viên làm thêm ở quán trà của ông cậu – nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng, dòng trà Trường Xuân. Trải nghiệm đó vương vấn trong tâm hồn nghệ sĩ của Hùng và giúp anh tích lũy kiến thức sơ khởi về trà.
Ra trường, anh gác lại đam mê với trà, mà theo ngạch làm đã được đào tạo. Hùng thành viên chức với chuyên môn bảo trì các trạm phát sóng viễn thông.
"Việc nhàn, lương ổn", bên chén trà chiều, anh tả hành trình đã gắn bó 7 năm. "Nhưng học đủ thói hư tật xấu".
Anh Hùng kể trải nghiệm "dân văn phòng" dạy anh uống rượu, có lúc uống nhiều đến độ khi say cam đoan có khả năng đoán số trong các trò may rủi. Anh không yêu công việc cũ và không thấy phù hợp với con người mình. Anh chỉ hình dung một tương lai hưu trí cơ thể rệu rã, nằm viện ung bướu, nếu còn sống trong guồng nhậu nhẹt.
Công việc nhàn, mặt khác, giúp Hùng có thời gian nhen nhóm kinh doanh riêng. Những năm gần 30 tuổi, anh mở quán trà đầu tiên, đặt tên kêu, mua đôi loa thùng rồi lên danh sách nhạc mỗi tối thứ tư và sáu cho khách hát và mình tự biểu diễn. Tại đây, anh có một cộng đồng quý mến và tìm thấy người bạn đời, chị Hải Yến.
Nhưng sau hai năm, quán đóng cửa vì nhận thấy trọng tâm không dành cho cốc trà. Việc công chức bưu điện cuối cùng Hùng cũng bỏ.
Có tự do và sự tò mò với trà trở lại, anh Hùng cùng vợ lên đường phượt các vùng cao phía Bắc. Đôi vợ chồng tận mắt chứng kiến cây trà cổ thụ ở Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, Tà Xùa (Sơn La)... "Trà Việt rẻ quá", anh nói khi làm phép so sánh với trà thế giới. Bên những gốc trà hàng trăm năm tuổi hai người ôm xuể, bà con cần mẫn thu hái bằng tay trong nắng vùng cao, nhóm lên mơ ước mới trong lòng vợ chồng anh: trả lại đúng giá trị cho trà Việt.
Trên hành trình rong ruổi, cạnh việc kết nối những vùng nguyên liệu, anh tầm sư học đạo những thầy giỏi về cách chế tác trà thủ công. Đường đi cheo leo, có lần vợ chồng đổ đèo ngã xe suýt rơi xuống vực, chỉ vì muốn vác về 3 kg trà. Việc có vùng trà riêng với quy trình chăm sóc và thu hái anh chị đưa ra, tránh tận thu, cũng được chú trọng.
Về Hà Nội, với vốn liếng ít ỏi chẳng đủ thuê thiết kế, họ khởi sự Hiền Minh Tea năm 2006 với không gian quán tự mua đồ và bài trí.
Hiền Minh Tea ban đầu hoạt động khá tùy tâm, không thực đơn, chẳng đơn giá. Bạn bè đến người trả ít, người trả nhiều, hoặc không cần trả. Cũng vì anh Hùng muốn gây dựng một cộng đồng trà gần gũi.
Anh bắt đầu với trà sen do niềm yêu thích đặc biệt với loại trà này từ khi còn làm văn phòng. "Hoa sen, với Phật tính của nó, hàm chứa sự tĩnh tại và tu tập", anh nhìn nhận. Thay vì dùng trà Thái Nguyên như người cậu, anh Hùng dùng trà Shan Tuyết cổ thụ, loại mọc trên núi cao và hoang dã, ướp với sen.
Anh đặt một chiếc bàn gỗ đắt tiền giữa nhà để mọi người ngồi lên và thưởng trà, cửa quán đóng kín, như thế mới ra tinh thần trà đạo.
Nhưng ông chủ thấy sao những tuần trà vẫn cứ hời hợt, trà và sen chẳng hòa quyện. Anh Hùng thử tự mở cánh cửa Hiền Minh Tea bước vào cảm nhận. Anh không thấy gì khác ngoài cái bàn.
'Trà và người hòa làm một'
Bàn gỗ quý sau đó được thanh lý 70 triệu đồng. Anh Hùng mở rộng cửa hơn, kê những bộ bàn ghế giản đơn và thấp.
"Hóa ra trước giờ mình quen ngồi trên cao nhìn xuống mà giảng đạo về trà", anh nói. "Trà Việt mình dung dị hơn thế, quanh chén trà là một cộng đồng trò chuyện".
Anh tiết lộ mấu chốt ra được thứ trà sen ưng ý: "Đó là khi bạn và sen hòa làm một. Bạn uống ngụm trà mà cảm nhận như đang ngồi giữa đầm sen. Không thấy hương sen nữa, hương thơm tỏa ra từ chính bạn". Thiền đem đến cho anh Hùng giác quan pha trà đó và anh mong khách cảm nhận đặc tính thiền trong trà của mình.
Khách ghé Hiền Minh Tea được khuyến khích tự pha và rót trà, bởi đó là cách họ tập trung cho chính ấm trà trước mặt. Anh Hùng hướng dẫn lần đầu, nhưng tránh giảng đạo. Các khay trà độc ẩm và đối ẩm làm bằng tre Việt được bưng ra, với giá bán không còn tùy hứng như hồi mở quán, mà ở mức dành cho trà thượng phẩm. Trên đó, bày biện kỳ công hai loại ấm: ấm ủ trà và ấm rót, dụng cụ trưng và gạt trà bằng tre, một bát sứ trút nước, và chén trà. Trải nghiệm thưởng lãm buộc người dùng phải nâng niu.
"Trà vẫn gồm những loại: hồng trà, bạch trà, trà xanh, Oolong, phổ nhĩ... nhưng tôi muốn đem đến trải nghiệm sâu về chúng", anh Hùng cho biết. Trà xanh của anh không vàng xuộm, nước trà trong và gợn xanh, bên trong ấm thủy tinh nhìn thấy được búp trà. Hồng trà lại có màu như rượu vang và hậu vị ngọt.
"Ai đó lại tưởng tôi rót nước tráng trà mời họ", anh Hùng đùa khi rót dòng trà xanh có màu vàng nhạt như nắng vùng cao. "Gu cũ ở Việt Nam là trà phải đắng, đậm, đặc. Còn tôi muốn giới thiệu gu mới: thanh, trong, ngọt. Chẳng có trường lớp nào dạy pha chế trà ở nước mình, nên phải tự mày mò thôi".
Năm 2016, với động lực muốn xem các giám khảo nước ngoài đánh giá thế nào về trà của mình, anh Hùng dự thi Tea Master Cup Việt Nam và không ngờ giật giải nhất "Pha chế trà". Năm sau đó, anh đại diện trà Việt thi Tea Master Cup quốc tế.
Bước ngoặt khiến trà nhân Việt Hùng được bè bạn quốc tế biết đến nhiều hơn. Hiền Minh Tea từ đó đón dòng người mến mộ trà từ nhiều nước đến thưởng thức và mua về làm quà. Thương hiệu của vợ chồng anh Hùng hiện được xây dựng và đóng gói để tiếp cận cả trong và ngoài nước.
Vợ chồng anh nhanh nhạy vận hành thêm mô hình Airbnb. Quán nhỏ nơi phố Vĩnh Phúc giờ còn là nơi lưu trú cho những khách quốc tế muốn gần gũi và tìm hiểu các công đoạn làm trà Việt. Hơn cả một mô hình kinh doanh, Hiền Minh Tea hình thành một cộng đồng rộng mở mến mộ trà Việt.
Từ một nhân viên bưu điện, rồi bán trà kèm biểu diễn ca nhạc mà chỉ đủ hòa vốn, Nguyễn Việt Hùng giờ tự tin có thể sống toàn tâm cho trà. Chiếc xe phượt cà tàng vẫn đó, Hùng và Yến trong năm 2018 nhờ nó hoàn thành tâm nguyện đi xuyên Việt để giới thiệu trà làm ra. Người ngoài nhìn vào thấy đôi vợ chồng nhàn tản, nhưng trong ba năm vận hành Hiền Minh Tea, anh chị thường xuyên thức đến hai giờ sáng. Họ hạnh phúc được làm điều đó.
Người chồng nói: "Tôi chẳng có sứ mạng nào cả. Cái được là tâm tĩnh lại, sống nổi với trà và một cộng đồng yêu trà ở quanh".
Thanh Tùng