Hoàng Lê Giang là người Việt Nam đầu tiên chinh phục Bắc Cực tháng 4/2017, dù mang trong mình căn bệnh hen suyễn. Phượt thủ 31 tuổi tới nay đã 10 lần leo núi Himalaya (Nepal) và đi qua hơn 40 quốc gia. Trong năm 2018, anh cũng chinh phục thành công hai "nóc nhà" châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, điều ít biết về chàng phượt thủ là anh từng kinh doanh trà sữa thành công.
Bỏ lợi nhuận 50 triệu đồng mỗi tháng để khỏi xả rác
Lê Giang đóng cửa chuỗi trà sữa gồm 2-3 điểm của mình tháng 4/2018, với lý do bảo vệ môi trường. Việc kinh doanh bấy giờ thuận lợi, cho lãi hàng tháng 40-50 triệu đồng. Song, anh chẳng lấy làm vui khi chứng kiến tác động xấu tới môi trường dày lên theo lợi nhuận.
Đặc thù ngành trà sữa là bán trong cốc nhựa kèm ống hút sử dụng một lần. Những vật dụng này đem đến sự tiện lợi trong vài chục hay trăm phút, nhưng là rác lưu lại Trái đất vài trăm năm.
Lúc kinh doanh, anh từng khuyến khích khách tự mang đồ đựng để hưởng giảm giá, nhưng Giang bất lực chứng kiến dòng khách này cực hiếm hoi. Thậm chí, người mua "take away" (mang đi) nhiều khi không cần đến túi nylon đựng ngoài nhưng nhất định đòi đủ bộ.
Là nhân vật truyền cảm hứng, Hoàng Lê Giang thường đứng trò chuyện trước các sinh viên đại học. Mỗi lần như vậy, anh ra sức chia sẻ thông điệp môi trường của mình. Bán trà sữa dù lãi cao, lại khiến anh không yên: "Mình khuyên họ thế, trong khi bản thân xả rác, nó kỳ".
Anh đi đến quyết định đóng quán trà sữa đang làm ăn tốt.
Bỏ rác đúng chỗ chưa đủ để bảo vệ môi trường
Theo anh Giang, hầu hết quán trà sữa hiện nay không quan tâm đến chuyện bảo vệ môi trường mà chỉ vì doanh thu. Một vài nơi khuyến khích khách mang đồ đựng dùng nhiều lần thì chính sách lại không đủ hấp dẫn. "Giảm giá 5-10% không đáng cho họ", anh nói.
Theo tính toán của ông chủ chuỗi trà sữa một thời, lượng rác nhân lên với số người ưa chuộng mặt hàng này rất lớn. Mua đi đã đành, anh Giang khó hiểu vì sao nhiều quán bán cho khách uống tại chỗ vẫn đựng trong ly nhựa dùng một lần.
Thực tế, nhóm khách hàng mà ngành trà sữa đang mất dần là những người muốn thưởng thức, nhưng đành phải từ chối do quan tâm hơn đến môi trường. Họ chọn loại hình giải khát khác phục vụ trong ly sứ, thủy tinh hay đồ sử dụng lâu dài.
Rác thải nhựa là vấn đề môi trường anh Giang quan tâm nhất. Thống kê cho thấy với tốc độ xả hiện tại, đến 2050, lượng nhựa thải ra đại dương sẽ nhiều hơn cá biển. Anh Giang tin bỏ rác đúng chỗ chưa đủ để bảo vệ môi trường.
Lên rừng xuống biển, phượt thủ thấy nhiều nhóm phượt ở nước ngoài thu dọn rác, thậm chí lượm trên đường đi. Ngược lại ở Việt Nam, tình trạng xả rác xảy ra phổ biến ở biển.
Anh Giang cho biết mình tiêu dùng bằng cách mua chai, gói loại to để bớt thải bao bì. Chẳng hạn bột giặt anh mua bình 5 lít, khăn giấy thì mua bịch to nhất. Để đỡ gánh nặng cho con cháu đời sau phải xử lý, anh đem "cà mên" (cặp lồng) mua đồ ăn thay cho hộp giấy, hộp nhựa.
Trong các chuyến đi, phượt thủ mang theo bình đựng riêng thay vì mua nước đóng chai. Với đồ dùng buộc phải bỏ (như khăn ướt), anh chọn loại tự phân hủy sinh học. Mỗi lần leo núi xong, anh gom rác của mình về thành phố thay vì bỏ lại.
Bài toán kinh doanh cân bằng sự tiện lợi và môi trường
Anh Giang đã chứng kiến một số nước Bắc Âu hay kể cả nước nghèo như Ấn Độ, Nepal đánh thuế sử dụng túi nylon. Chẳng hạn, người đi siêu thị phải trả khoản tiền tương đương 2.000 đồng cho một chiếc túi bóng.
Ngoài trường lớp, anh cho rằng ở các nước phát triển, nhiều ngôi sao hoạt động cộng đồng hay có hành vi "sống xanh" là giới ảnh hưởng quan trọng lên quan điểm về môi trường. Theo anh Giang, Việt Nam còn thiếu ca sĩ, diễn viên hành động vì môi trường.
Chàng phượt thủ tính nếu kinh doanh lại trong tương lai, sẽ tìm bằng được giải pháp thân thiện với môi trường hơn những gì đã làm. Nhưng cho dù chấp nhận đội chi phí, thu lời ít hơn, tính tiện lợi cho khách hàng vẫn là bài toán khó khiến anh ngại ngần.
Do đó, Hoàng Lê Giang nhắc đến giáo dục như vai trò chính và đặt câu hỏi liệu tự thân người dùng có sẵn sàng đánh đổi sự tiện lợi với mục đích bảo vệ môi trường. Nam phượt thủ bị cho tằn tiện khi xài quần áo cũ hay lâu năm. Nhưng quan điểm tiêu dùng của anh: thà mất công lựa hoặc mua đồ đắt chút nhưng dùng được 2-3 năm, còn hơn đồ rẻ mặc chục lần rồi vứt, thế thì "quần áo cũng là rác".
Thanh Tùng
Ảnh: NVCC