Vừa hoàn tất công việc xăm hình cho khách hàng, người thợ Ngô Quang Trung nhận điện thoại từ số lạ bảo đi gấp đến đường Đào Duy Từ, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Đến nơi, cặp vợ chồng dáng hao gầy, đứng tuổi đưa cho anh túi nylon màu đen, nói: "Nhờ anh đem chôn cháu ở nghĩa trang giùm vợ chồng tôi. Cháu mới 4 tuần tuổi". Vừa dứt lời, hai vợ chồng quay xe đi mất hút.
Nam thanh niên chạy thẳng hướng nhà thờ Gia Nghĩa, bước vào căn nhà nhỏ không khoá cửa. Bên trong nhà có bàn thờ đã bày sẵn và cái tủ đông lớn. Trên giường có nhiều hộp nhựa nhỏ hình chữ nhật, trông giống hộp đựng thức ăn. "Đây là tủ đông được nhiều người góp tiền mua để ướp xác thai nhi không bị phân hủy. Những cái hộp nhựa hình chữ nhật kia, tôi ví là quan tài của các cháu", chàng trai chia sẻ.
Từng chứng kiến nhiều thi thể trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ở xó đường, hay trong thùng rác rất thương tâm, 4 năm trước, anh cùng các bạn thành lập nhóm tình nguyện chuyên chôn cất các thai nhi bị phá bỏ. "Khi tiếp xúc với những bào thai chưa kịp thành người, tôi xúc động lắm. Nhóm chỉ mong muốn các cháu có nơi yên nghỉ thật thanh thản", người thợ xăm hình nói.
"Có hôm, từ sáng sớm, tôi thấy cô gái trẻ vừa đi vừa khóc, chân tay run lẩy bẩy treo túi nylon màu đen lên mé cổng nhà thờ, rồi bỏ đi. Qua tìm hiểu, tôi biết cô ấy vì quá vui nên lỡ 'ăn cơm trước kẻng', do người yêu không nhìn nhận nên cô ta mới bỏ đứa bé", anh kể về một trong số hàng trăm câu chuyện gặp phải.
Các thai nhi ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 4 tuần đến 4 tháng tuổi, được nhóm anh đem về bỏ trong tủ lạnh chờ quy tập đủ trên 10 thi thể mới đem chôn. Tất cả các bé xấu số đều được anh đặt tên với chữ đệm là 'Thiện' - có nghĩa làm điều thiện - và nhận làm con nuôi, ghi chép vào sổ sách cẩn thận.
Ngôi mộ tập thể có diện tích gần 10 m2, đang là nơi yên nghỉ của hơn 300 thai nhi đặt ở nghĩa trang xã Đăk Nia. "Người dân đã góp tiền, rồi xin phép chính quyền cấp cho khoảnh đất nhỏ xây mồ mả cho các con. Các con nằm ngủ ở 'căn nhà' này có cơ hội chơi với nhau đông vui hơn", anh chia sẻ.
Tâm sự về công việc của chồng, chị Nguyễn Thị Vân (27 tuổi) cho biết, chị rất tôn trọng và ủng hộ chồng, với tâm niệm sẽ tích đức cho con cháu sau này được nhờ. "Những lúc anh ấy bận việc xăm hình cho khách, hay đi đâu đó, tôi đi đến các địa điểm để nhận thai nhi về làm thủ tục", người vợ nói.
Trung quê ở Thái Bình, từng theo học ngành sư phạm mỹ thuật. Nhận thấy nghề này không còn phù hợp với mình nữa, chàng trai này bắt đầu làm quen với một số người bạn theo nghề xăm hình nghệ thuật, sau đó chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp.
"Trong suy nghĩ của nhiều người, họ rất dị ứng với nghề xăm hình. Tôi muốn làm một điều gì đó, để mọi người hiểu khác, xăm hình cũng là một nghề, một lĩnh vực nghệ thuật. Vợ tôi ngày xưa cũng chê tôi, vì tôi là thợ xăm hình. Thấy đây là môn nghệ thuật có nhiều điều thú vị, cô ấy đã theo học, rồi cả hai yêu nhau", nam thanh niên giãi bày.
Với đôi tay tài hoa, anh mở địa điểm xăm hình ở thị xã Gia Nghĩa thu hút khá đông khách. Cứ đến ngày cuối tuần, hay những ngày lễ Trung cùng nhóm bạn đi nấu cơm tại Tịnh thất thiện hoa để phát cho người nghèo. Nhóm tình nguyện của anh tổ chức chương trình, mỗi hình xăm nhỏ đổi lấy thùng mì tôm, được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng.
Sư thầy Thích Nhuận Đức, trụ trì Tịnh thất thiện hoa, cho biết nhóm tình nguyện viên của Trung thường xuyên giúp nhà chùa nấu ăn, rồi đem phát cơm miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. "Ngoài việc chôn cất thai nhi rất nhiều ý nghĩa, nhóm từ thiện của Trung còn thường xuyên tham gia cùng chùa phát cơm, tặng quà cho người nghèo nhiều nơi", sư thầy Nhuận Đức nói.
Theo VnExpress