Hàng nghìn ngôi mộ chỉ gắn mấy dòng chữ ghi tên những nhà hảo tâm đã xây nên nơi yên nghỉ này. Những cái tên hiếm hoi như bé Trung Thu, bé Noel, bé Giáng Sinh... được khắc để ghi nhớ ngày các cháu mất đi quyền được sống.
Năm 1992, cha Nguyễn Vân Đông (nhà thờ Thăng Thiên, thành phố Pleiku) lập nên nghĩa trang này để các hài nhi bị vứt bỏ có chốn yên nghỉ. Sau này, sức khỏe yếu, cha Đông bàn giao lại cho nhóm 3 người hảo tâm là anh Phụng, anh Lễ và cụ Tâm. Họ đã gắn bó với công việc này được 11 năm. Chung tình thương dành cho các sinh linh nhỏ bé, ngày ngày những con người này cùng nhau đi gom nhặt những thai nhi tội nghiệp, đem về chôn cất. Ba người tự bỏ tiền cá nhân mua quan quách, vật dụng tẩm liệm cho các cháu.
Anh Phụng và anh Lễ là thợ xây lăng mộ ở nghĩa trang thành phố Pleiku. Anh Phụng đến với công việc này cũng tình cờ. "Có lần tôi đi làm, phát hiện ở trên ngôi mộ có mấy cái bọc đựng trong thùng giấy. Khi mở ra, tôi lạnh hết cả người khi phát hiện trong thùng là những hài nhi chưa đầy đủ hình hài, thế là tôi đem đi chôn cất", anh Phụng nhớ lại.
Từ đó, mỗi khi đi qua nghĩa trang thành phố, anh Phụng cũng để ý tìm xem có bọc hài nhi nào thì đem đi chôn cất tử tế. Anh còn đi một vòng các bệnh viện, nhà hộ sinh để thu các thai nhi vô thừa nhận về chôn cất.
Trong số hơn 15.000 hài nhi được đưa về đây có trường hợp đã đầy đủ hình hài, có trường hợp chỉ còn là bộ xương, còn một nửa thân thể hay xác đã khô... "Như trường hợp của cháu Trung Thu, chúng tôi tìm thấy cháu tại đồi thông, khi đó, bé đã bị kiến ăn hết gần nửa thân. Hôm tìm thấy bé là rằm tháng Tám nên chúng tôi đặt tên như vậy", anh Phụng xót xa chia sẻ.
Số lượng hài nhi cứ tăng dần theo thời gian, có ngày, các anh tìm thấy 22 hài nhi. Không quản nắng mưa, khi phát hiện hay ai đó báo có trường hợp bị bỏ rơi, hai anh đều nhanh chóng có mặt mang các em bé đáng thương về đây chôn cất.
Trước đây, chi phí mua vật liệu để xây một ngôi mộ chỉ khoảng 50.000 đồng, nay đã tăng lên 300.000 đồng. Kinh phí mỗi ngày bỏ ra để xây mộ, lo hương khói đến vài triệu đồng. Công việc của anh Phụng và anh Lễ kiếm được chẳng là bao nên các anh còn nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để lo cho các các cháu được nơi yên nghỉ đàng hoàng.
Theo các anh, trường hợp phá bỏ thai nhi nhiều nhất vẫn là sinh viên và các cô gái làm nghề mại dâm... Có thai ngoài ý muốn, những bà mẹ trẻ đã rũ bỏ trách nhiệm với thai nhi bằng cách nạo phá thai hoặc vứt bỏ những em bé vừa lọt lòng.
Trong 11 năm qua, các anh cũng gặp nhiều chuyện trớ trêu. Có cô bán vé số dạo, ba lần mang thai ngoài ý muốn, hai lần bỏ. Đến lần thứ ba, anh Phụng khuyên bảo và đứng ra chịu trách nhiệm lo thuốc men chăm sóc cho cô và thai nhi cho đến khi sinh. Khi sinh xong, cô gái vội đi mất, anh Phụng đành gửi cháu bé lên chùa nuôi dưỡng.
Những trường hợp thai nhi được các anh cứu giúp từ trong bụng mẹ, để không bị tước quyền sống đã lên tới 9 cháu. Anh Phụng bỏ công, bỏ tiền nuôi cả mẹ cả con từ khi biết có bầu tới lúc sinh ra. "Các cô đó một thân một mình, chỉ nghĩ đến việc phá bỏ, tôi khuyên bảo nhiều các cô mới chịu giữ thai lại", anh Phụng nói.
Các cháu bé hiện tại được gửi ở các chùa và giao cho những người hiếm muộn nhận làm con nuôi. Có cháu đã đi học lớp 3, và xem anh Phụng như ba nuôi.
Những con người như cụ Tâm, anh Phụng, anh Lễ lo giấc yên nghỉ cho các hài nhi với tất cả tấm lòng. Tuy nhiên, trong câu chuyện, họ vẫn dùng rất nhiều từ "nếu như", "giá như" mong giới trẻ sống ý thức hơn với chính mình và xã hội, tránh những hậu quả đáng tiếc cho những sinh linh bé bỏng.
Theo VnExpress