Bài viết dưới đây của Shawn M. Carter, đến từ tờ CNBC Make It.
Nếu bạn mua cà phê để uống mỗi sáng trước khi làm việc thay vì pha đồ uống ở nhà, thói quen này có thể khá tốn kém. Tôi nhẩm tính một năm mình đã chi 2.300 USD (tương đương 57 triệu đồng) để mua cà phê tại Starbucks.
Một số chuyên gia cho rằng thói quen mua cà phê mỗi ngày là một vấn đề với ví tiền của bạn. Dưới đây là tổng hợp ý kiến từ nhà đầu tư Shark Tank Kevin O’Leary, nhà quản lý tài sản kiêm tác giả sách best-seller David Bach và triệu phú tự thân Ramit Sethi về những ưu, nhược điểm của việc chi tiền mua cà phê hàng ngày.
'Thật lãng phí tiền bạc'
O’Leary không mua cà phê mỗi ngày. Ông thích tự pha cafe ở nhà hơn. "Liệu tôi có bỏ 2,5 USD cho một cốc cà phê không? Không bao giờ", ông với CNBC Make It. "Thật là lãng phí tiền bạc cho một thứ đồ uống giá 20 cents. Tôi không bao giờ mua một cốc latte-blah-blah-blah-woof-woof-woof", ông bổ sung.
Nhà đầu tư cho biết ông pha cà phê mỗi ngày. Ông nói: "Tôi chỉ tốn 18 cents để có nó và tôi dùng số tiền còn lại để đầu tư". Mỗi khi định mua thứ gì đó, ông đều tự hỏi: "Tôi có thực sự cần cái này không?". Vì nếu không mua nó, tiền của ông sẽ được đem đi đầu tư và ông có thể tăng thu nhập ngay cả khi đang ngủ.
Nhà quản lý tài sản David Bach cũng đồng tình với quan điểm này. "Tất cả chúng ta đều chi quá nhiều tiền khó kiếm được vào những khoản 'nhỏ' không cần thiết mà chẳng nhận ra chúng không hề ít khi cộng lại" - điều được ông viết trong cuốn The Automatic Millionaire. Ông cho hay nếu bạn từ bỏ một cốc latte 5 USD hoặc một thứ xa xỉ nhỏ, như đồ ăn nhanh hoặc nước ngọt, bạn sẽ có một số tiền đáng kể để làm việc khác. Bach viết: "Bạn phải tìm ra thứ gì đó mà bạn có thể từ bỏ chi tiêu để đổi đời".
Tôi (Shawn M. Carter) nhẩm tính số tiền đã chi cho thói quen uống cà phê và bị sốc bởi những gì tôi thấy. Nếu tôi không uống cà phê Starbucks trong một năm và đem đầu tư số tiền này, với lãi suất kép, khoản này có thể tăng lên 4.551 USD sau 10 năm với giả định lợi nhuận hàng năm là 7%. Trong 20 năm, số tiền này có thể đạt 8.952 USD và trong 30 năm, nó có thể lên mức 17.611 USD. Đó là một số tiền lớn tôi có thể có được mà không cần phải bỏ ra nhiều công sức.
'Không cần từ bỏ, có thể cắt giảm'
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia về tiền bạc đều đồng ý với quan điểm của O’Leary và Bach. Triệu phú tự thân Sethi không cho rằng việc cắt giảm chi tiêu khiến chúng ta giàu lên. Ông đưa ra ví dụ về cách mà gen M (thế hệ Millennials, chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) được cho là đã chi tiêu quá mức vào bánh mì nướng bơ.
Ông nói: "Bạn có thể đã đọc một bài báo nói rằng cách duy nhất để trở thành triệu phú là cắt giảm bánh mì nướng bơ. Nhưng ý tưởng làm giàu bằng cách mua ít hơn, theo tôi, là một lời khuyên khủng khiếp. Bạn có biết bạn phải từ bỏ bao nhiêu bánh mì nướng bơ để chỉ nhận được khoản thanh toán trước 20% cho một ngôi nhà có giá trung bình không? Có phải 100 không? Có phải là 1.000 không? Không, đó là hơn 2.500 chiếc bánh mì bơ. Nói cách khác, loại bỏ những khoản mua sắm nhỏ, thường xuyên sẽ không giúp bạn tiết kiệm đủ tiền để trở nên giàu có. Hãy đặt ra giới hạn về số tiền bạn có thể cắt giảm, nhưng không giới hạn số tiền bạn có thể kiếm được. Bạn nhận được tiền lương của mình và hãy quyết định xem sẽ làm gì với nó".
Theo ông, bạn hãy nghĩ đến việc phát triển số tiền mình đang có và kiếm thêm. Đó là cách để bạn bắt đầu xây dựng cuộc sống giàu có cho mình.
Có trách nhiệm với tiền của mình
Bất kể quan điểm của bạn về cà phê là gì, việc theo dõi chi tiêu sẽ rất hữu ích, giúp bạn biết tiền của mình đi đâu. Nếu bạn mua cà phê mỗi ngày, hãy chắc chắn bạn có đủ khả năng chi trả các chi phí quan trọng khác, chẳng hạn như khoản vay sinh viên hàng tháng hoặc thanh toán thẻ tín dụng. Đó là những gì tôi làm và đó là lý do tại sao tôi cảm thấy thoải mái khi tiếp tục mua cà phê: Nó làm tôi vui và tôi có thể vung tiền mua nó.
Ngoài ra, triệu phú tự thân Sethi khuyên bạn nên tự động trích tiền để tiết kiệm và đầu tư, khi đó bạn có thể theo kịp các mục tiêu tài chính dài hạn của mình. "Cố gắng dành 5-10% tiền lương để tiết kiệm, đầu tư thêm 10%", ông nói. Ông cho rằng khi bạn đã quan tâm đến những gì quan trọng, bạn có thể thư giãn một chút và tận hưởng cuộc sống.
Tom Corley, tác giả cuốn sách Con nhà giàu: Làm thế nào để nuôi con hạnh phúc cho biết: "Nếu bạn không thể bỏ ra 10%, đừng lo lắng. Hãy tiết kiệm bất cứ thứ gì bạn có thể, ngay cả khi đó là 5% hay 1%. Vấn đề là bạn cần tập thói quen tiết kiệm tiền. Bạn luôn có thể tăng tỷ lệ phần trăm tiền tiết kiệm trong tương lai".
Hằng Trần (Theo CNBC)