Chị Ngọc Linh, 26 tuổi, làm công việc nhân viên văn phòng nên có nhiều thời gian tìm kiếm thông tin trên mạng. Chị tâm đắc với những video hướng dẫn làm đồ chơi cho bé từ nguyên liệu rẻ tiền nên mày mò thử làm. Bà mẹ TP HCM bắt đầu làm đồ chơi cho con gái Anh Thư lúc bé hơn một tuổi. Tới nay, hầu hết đồ chơi của con đều do chị làm.
Từ những trò chơi đơn giản cho tới phức tạp, nguyên liệu chủ yếu bằng bìa carton, vải nỉ, chai nhựa cũ... Chị Ngọc Linh chỉ tốn vài nghìn đồng mua keo dán, bìa cứng hoặc kim chỉ. Món đồ chơi đầu tiên chị Linh làm cho Anh Thư là cuốn sách vải. Cuốn sách được làm từ vải nỉ, keo dán nên không dễ rách và có thể giặt khi bẩn. Chị cắt những hình thù vui mắt, có màu sắc sặc sỡ rồi dán lên tập vải lớn, ghim gáy lại thành quyển cho Anh Thư đọc. Bằng vải nỉ, Ngọc Linh còn làm cho Anh Thư những quân xúc xắc để con xoay và tìm hình theo yêu cầu của mẹ.
Nuôi "con mọn" nên chị Ngọc Linh không có nhiều thời gian rảnh. Chị tận dụng 1-2 tiếng buổi tối sau khi con gái ngủ để làm đồ chơi. Với những món đồ chơi đơn giản như "Mê cung", "Luồn dây vào miếng gỗ", "Xếp hình", chị Linh mất khoảng một buổi tối để hoàn thiện. Các trò chơi phức tạp hơn như "Câu cá", "Chiếu phim 3D trên điện thoại", "Hộp phim ma thuật" thì cần khoảng 2-3 đêm.
Chị Linh ưu tiên lựa chọn những trò chơi giúp bé rèn luyện sự khéo léo, phát huy tính sáng tạo và ham thích học hỏi. Bé Anh Thư thích nhất trò câu cá và dành hàng giờ chinh phục "đàn cá nút chai của mẹ". Chị sưu tập nhiều nút chai nhựa có màu sắc khác nhau, bắn đinh ghim vào bên trong. Bé điều khiển chiếc mũ có gắn "cần câu" là sợi dây đính nam châm để "hút" nút chai. Lúc chơi cùng con, chị giúp bé phân biệt màu sắc bằng cách đề nghị bé câu "chú cá" màu xanh hay màu đỏ. Ban đầu, Anh Thư lúng túng vì liên tục làm rơi "cá". Sau đó, bé khéo léo hơn, biết cách câu nhiều "cá" trong thời gian ngắn.
Một bình nước, miếng giẻ lau và cái cốc nhỏ cũng trở thành trò chơi giúp con gái chị Linh học cách làm việc nhà. Chị Linh giao nhiệm vụ cho Anh Thư rót nước từ cốc vào bình. Nếu nước rơi ra ngoài, bà mẹ trẻ dạy con lau sạch sàn nhà.
Chị Ngọc Linh dạy Anh Thư cầm đũa bằng trò chơi "Gắp pom pom". Bộ đồ chơi gồm chiếc rổ nhựa, hai cái cốc, các cục len nhiều màu và đôi đũa. Bé gắp các cục len từ rổ bỏ vào cốc và ngược lại. Chị Linh cho biết, khoảng một tuần sau khi chơi "Gắp pom pom", con gái chị đã biết ăn cơm bằng đũa.
Bà mẹ một con cảm thấy hạnh phúc khi con vui vẻ chơi những món đồ do mình làm. Chị quan niệm, không nên chi nhiều tiền mua đồ chơi cho bé, bởi giai đoạn này, bé chưa biết giữ đồ. Sự phong phú của những món đồ chơi "tự chế" giúp con liên tục được làm quen với điều mới. Mỗi tuần, chị đều cố gắng để đem đến cho con những điều bất ngờ.
Lam Trà