Nhóm trò chơi với cát và nước giúp bé phát triển toàn diện 30 phút làm đồ chơi rối ngón tay cho bé Cai nghiện điện thoại cho bé bằng trò chơi rối ngón tay Ngọc Mai gặp nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu làm mẹ. Sau khi sinh em bé, cô tạm thời nghỉ công việc của một dược sĩ để toàn tâm lo cho con. Bà mẹ trẻ chia sẻ, kinh tế gia đình còn hạn hẹp và việc mua đồ chơi đắt tiền cho con là không thể. Mai cố gắng tìm hiểu cách nuôi dạy con và làm đồ chơi cho bé tại nhà với mong muốn tự tay mình làm ra sẽ có ý nghĩa hơn. Cô tự sáng tạo trò chơi mới, ngoài một số trò học theo các mẹ. Hiện tại, đồ chơi của con gái Bảo Linh hầu như đều do mẹ Mai tự chế. Với đồ chơi nhận biết hình khối trong ảnh, Mai chỉ cần một miếng xốp hoặc bìa các tông, sau đó vẽ và cắt rời các hình khối rồi hướng dẫn cho con lắp vào đúng vị trí. Mai bắt đầu làm đồ chơi từ lúc Bảo Linh còn nhỏ và sáng tạo nhiều hơn khi bé biết ngồi rồi học bò cho đến giờ. Món đồ đầu tiên Mai làm cho Bảo Linh là bảng màu đen, trắng có kẻ các ô vuông hay kẻ sọc, ngang nhằm kích thích thị giác cho trẻ, tăng khả năng hứng thú và độ tập trung. Mai cho hay, con luôn tỏ ra thích thú và hào hứng khám phá mỗi khi mẹ đưa ra món đồ chơi mới. Chậu đá cuội trong ảnh Mai tạo ra cho con nhằm giúp bé rèn luyện kỹ năng tập trung và khéo léo. Sau khi nhặt những viên đá cuội có kích thước to, nhỏ khác nhau từ đống cát ngoài đường, Mai mang về rửa rồi đổ vào chậu nước cùng nhiều quả bóng nhựa sặc sỡ. Cô hướng dẫn con quan sát xem hiện tượng gì xảy ra (đá chìm còn bóng nhựa nổi) và dạy con dùng vợt để vớt bóng hay thò tay xuống chậu nhặt đá. Bé Bảo Linh thuộc nhóm trẻ nhạy bén và kỹ tính. Con thích các trò vận động thô nhiều và ưa khám phá. Mẹ Mai thường làm đồ chơi cho con thiên về vận động tinh để bé học tính kiên trì và khéo léo hơn. Chỉ với hộp xốp hay thùng bìa các tông không dùng tới, bà mẹ trẻ khoét thành hình tròn sao cho vừa quả bóng nhựa. Sau đó, Mai hướng dẫn con sắp xếp bóng vào ô tròn rồi dùng thanh gỗ đập bóng xuống. Nhờ vận động thô, con trở nên cứng cáp và tự tin, còn vận động tinh giúp đôi bàn tay của bé khéo léo. Theo Ngọc Mai, Bảo Linh có những bước đi đầu tiên từ lúc 9,5 tháng. Hiện gần 10 tháng tuổi, con đã chơi thành thạo những trò được mẹ hướng dẫn. Ngọc Mai cho hay, bé Bảo Linh thích nghe nhạc và không có khái niệm xem tivi. Mỗi tối trước khi đi ngủ, mẹ Mai thường đọc truyện cho con gái nghe. Thấy mẹ lôi truyện ra, bé khám phá, cầm, sờ, xé rồi cho vào mồm nhai. Trong ảnh là ngôi nhà làm từ bìa các tông. Bé có thể vào bên trong chơi ú òa hay đồ hàng. Với một chút sáng tạo và kiên nhẫn, mẹ dễ dàng giúp con rèn đôi tay khéo léo để mở các cánh cửa, nhận biết chiều mũi tên. Mẹ Mai bỏ vài con vật vào từng chiếc cốc đổ đầy nước và cho vào ngăn đá để con chơi trò giải cứu kỷ nguyên băng hà. Sau đó cô đưa cho con một thanh gỗ nhỏ để đập. "Khi chơi cùng con, mẹ nên nghĩ ra một câu chuyện thú vị để trò chơi thêm hấp dẫn", Mai nói. Mai giúp con phân biệt đồ dùng nhà bếp và kích cỡ to nhỏ, lớn bé. Lúc chơi, con kích hoạt âm thanh qua tiếng gõ và rèn đôi tay khéo léo để vớt quả... Mẹ có thể cho con ít rau củ để bé nấu món mình thích. Tận dụng hộp có nắp đậy bỏ đi, Mai khoét lỗ như hình và cắt bìa cứng thành các hình tròn đồng xu sau đó dán băng dính. Bé sẽ chơi trò thả từng đồng xu giấy qua khe hở trên nắp lọ. Mẹ Mai làm mô hình của busy board dạng hộp cho dễ di chuyển. Hộp có mặt dán mảnh giấy giáp, hạt cườm, ống hút cắt nhỏ sợi, sợi len với mục để con cảm nhận bằng tay. Mặt tiếp theo có chốt chân cửa, công tắc, ổ cắm điện và phích cắm nhằm rèn luyện sự khéo léo cho đôi tay bé. Mai tính sẽ gắn thêm máy tính hỏng và bánh xe ở mặt còn lại để tập cho con đứng lên ngồi xuống. Đầu trên của hộp, cô dán khóa quần cũ, cúc áo, quần để bé học kéo khóa, cài khuy. Trò chơi này giúp bé tập đứng lên ngồi xuống, cầm nắm và thả, đồng thời rèn đôi tay khéo léo hơn. Ngoài những món đồ chơi tự chế, Mai còn thường xuyên cho con gái ra ngoài vận động. Hà Phương Ảnh: NVCC