Ngày Tết, mỗi gia đình người Việt, dù giàu sang hay nghèo khó, cũng chuẩn bị mâm cỗ tươm tất tổng kết cho một năm lao động, phấn đấu. Mâm cỗ luôn được gia chủ làm những món ngon, trình bày đẹp mắt nhất dâng lên tổ tiên, ông bà, để báo cáo những việc làm được trong năm qua và ước vọng trong năm mới. Với những gia đình xa xứ, mâm cỗ không đủ đầy các món truyền thống do thiếu nguyên liệu chế biến nhưng họ vẫn gắng mang không khí Tết cổ truyền sưởi ấm căn nhà để vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
Năm nay là năm thứ tư gia đình chị Nguyễn Thùy Anh ăn Tết xa nhà kể từ khi sang thủ đô Santiago, Chile, sống và làm việc. Mỗi dịp Tết đến xuân về, ông bà nội, ngoại luân phiên sang Chile thăm con, cháu. Bởi vậy, năm nào nhà chị Thùy Anh cũng ngập tràn không khí Tết Việt, cũng ăn tất niên, cúng giao thừa và mùng một, "y như hồi còn ở Việt Nam".
Chị Thùy Anh cho hay Chile thuộc Nam Mỹ, nơi tận cùng trái đất, không có nhiều người Việt sinh sống. Chính vì địa lý xa xôi so với khu vực châu Á, cụ thể là Việt Nam, nên nơi đây hầu như không có thực phẩm, món ăn Việt. Điều này là một hạn chế để chị có được mâm cỗ đúng theo truyền thống dân tộc.
Tuy nhiên, nấu ăn là niềm đam mê đặc biệt, không hồi kết của bà mẹ ba con nên chị luôn cố gắng hoàn thiện mâm cỗ Tết để gia đình sum họp, quây quần dịp năm mới. Tết cũng là dịp vợ chồng chị dạy các con nhớ về cội nguồn, đất nước, tổ tiên, ông bà và cha mẹ.
Khó khăn nhất trong việc chuẩn bị một mâm cỗ là tìm kiếm nguyên liệu. Khâu này luôn khiến chị Thùy Anh "rất mất thời gian". Để có được món canh măng, canh bóng, miến hay xôi, chị phải tích góp măng khô, nấm hương, bóng bì, miến, gạo nếp. Các nguyên liệu này đều phải được gửi từ Việt Nam sang. Theo chị Thùy Anh, vấn đề vận chuyển cũng khiến chị đau đầu khi hải quan ở sân bay vô cùng khó khăn, kiểm tra một cách nghiêm ngặt việc mang thực phẩm vào đất nước họ. Những dịp có bố mẹ chị sang chơi cũng hạn chế mang thực phẩm.
Với tài nấu nướng, chị khắc phục bằng cách tự làm giò, chả, các loại mứt. Không có lá dong hay lá chuối để gói bánh chưng, chị thay bằng xôi gấc hoặc bánh khúc (làm từ lá nếp). Ngày Tết, mâm cỗ mặn nhà chị có các món xôi: xôi gấc, xôi khúc, canh bóng, canh măng, các loại giò, chả, thịt đông, thịt bò xào ngũ sắc, canh miến gà, gà hấp lá chanh (gà công nghiệp thay vì gà ta), dưa muối. Các món ăn này sẽ được chị quay vòng trong mâm cơm ba ngày Tết.
Không chỉ cỗ mặn, chị Thùy Anh còn chuẩn bị đầy đủ mâm ngũ quả, các loại mứt tự làm, tự cắt dán phong bao lì xì để mừng tuổi, mong sao các con khỏe mạnh, vâng lời bố mẹ. Các con của chị luôn hào hứng mỗi dịp Tết đến. Các bé phụ người lớn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và tự làm lì xì để bí mật cho tiền xu vào mừng tuổi bố mẹ, chúc bố mẹ mạnh khỏe, hạnh phúc.
"Điều này khiến tôi cảm thấy dù sống ở đâu nhưng biết duy trì những văn hóa tốt đẹp của đất nước luôn là điều vô cùng quý giá", chị Thùy Anh nói.
Dịp này, vợ chồng chị cũng thường mời bạn bè người nước ngoài tới thưởng thức hương vị Tết bằng bữa tiệc đơn giản. Ngoài ẩm thực, chị còn trồng những loại hoa cúc, ly, hoa sống đời quanh ban công nhân dịp Tết. Ngay phía ngoài cổng nhà chị là con phố dài trồng các loại hoa đào, hoa mận. Thời điểm này, các loại hoa trong vườn nhà và ngoài đường khu nhà chị nở rộ, đua sắc. Chị Thùy Anh khoe năm nay ông bà sang với nhà cô chú ở châu Âu nên mùng một gia đình chị sẽ bay sang đấy đoàn tụ cùng mọi người.
Hà Phương