Với quyết định ngừng kinh doanh điện thoại thông minh, hãng điện tử Hàn Quốc phải lên kế hoạch bán lại toàn bộ các nhà máy sản xuất ở Hải Phòng, Taubate (Brazil) và Thanh Đảo (Trung Quốc). LG đã lên nhiều phương án để tận dụng lại hạ tầng này nhưng không khả thi.

Nhà máy LG Electronics tại Hải Phòng.
Nhà máy tại Hải Phòng có quy mô và công suất lớn nhất. Mỗi năm, LG xuất xưởng khoảng 10 triệu điện thoại tại đây, tương đương một nửa sản lượng của hãng trên toàn thế giới. Với dây chuyền hoàn thiện, cơ sở vật chất đầy đủ, LG dự kiến có thể tìm được đối tác mua lại nhà máy này. Tuy nhiên, thương vụ đã không diễn ra như mong muốn.
Theo Korea Bussiness, các nhà hãng điện thoại ở Việt Nam đều có dây chuyền sản xuất riêng và không sẵn sàng bỏ ra hơn 100 tỷ Won, khoảng 90 triệu USD để mua lại nhà máy của LG. Nhiều khả năng, hãng điện tử Hàn Quốc sẽ tính đến phương án thu hồi vốn nhờ sang nhượng mặt bằng. Ngoài ra, hãng điện tử này cũng gặp khó khi muốn bán nhà máy ở Taubate và Thanh Đảo (công suất từ 8 đến 9 triệu smartphone mỗi năm).
Quyết định dừng kinh doanh smartphone của LG được công bố hôm 5/4, sau gần 1 thập kỷ bước chân vào lĩnh vực này. Trước đó, hãng điện tử Hàn Quốc là một trong những thương hiệu smartphone xuất hiện sớm ở Việt Nam. Dù vậy, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, những bước tiến nhanh của các thương hiệu mới nổi đã đẩy LG và nhiều tên tuổi khác vào thế khó, thậm chí trở thành dĩ vãng.
Thiên Di