Hoàng tử Hisahito sinh ngày 6/9/2006, là con trai duy nhất của Thái tử Fumihito và Thái tử phi Kiko. Sự chào đời của cậu được coi như "một phép màu" vì từ năm 1965 Hoàng gia Nhật Bản chưa đón bé trai nào được sinh ra. Hisahito ra đời cũng làm giảm bớt căng thẳng trong gia đình Hoàng gia khi đối mặt với cuộc khủng hoảng người kế vị do Hoàng hậu Masako (khi đó là Thái tử phi) không sinh được con trai.
Luật Hoàng gia 1947 chỉ cho phép nam giới thừa kế Ngai vàng Hoa cúc. Trước khi Hoàng tử Hisahito ra đời, nhiều người dân và chính trị gia lo lắng về tương lai Hoàng gia, thậm chí kêu gọi sửa luật thừa kế, cho phép nữ giới thừa kế ngai vàng. Khi Công nương Kiko (nay là Thái tử phi) hạ sinh Hoàng tử Hisahito, những tranh cãi này đã khép khi hy vọng về một người thừa kế chính thống được thắp sáng trở lại sau bốn thập kỷ mong mỏi.

Thái tử phi Kiko và Hoàng tử Hisahito năm 2007. Ảnh: Pool
Hiện Hisahito là thành viên nam duy nhất của thế hệ mình trong gia đình Hoàng gia gồm 12 nữ và 5 nam, bao gồm cả Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako. Hoàng tử Hisahito đứng thứ 2 trong danh sách thừa kế ngai vàng sau cha mình và trước Hoàng tử Hitachi, 86 tuổi (em trai Thượng hoàng Akihito). Cậu cũng là người duy nhất trong thế hệ của mình đủ tư cách thừa kế ngai vàng.
Là "chân mệnh thiên tử" của Nhật Bản, Hoàng tử Hisahito từ nhỏ đã là tâm điểm chú ý của truyền thông và công chúng. Cậu được cha mẹ giáo dục theo theo tư tưởng tự do và cởi mở, khác với truyền thống Hoàng gia. Thái tử Fumihito - người có chính sách giáo dục tự do cho con cái - đã để Hisahito theo học tiểu học và trung học cơ sở trực thuộc Đại học Ochanomizutại. Điều này khác với truyền thống khi hầu hết các thành viên Hoàng gia, kể cả hai chị gái Hisahito đều theo học tại các cơ sở trực thuộc Đại học Gakushuin - ngôi trường được thành lập vào thế kỷ 19 dành cho giới quý tộc.
Vợ chồng Thái tử Fumihito và Thái tử Phi Kiko mong muốn con trai được hưởng nền giáo dục gần gũi, không có sự đối xử đặc biệt nào nhờ thân phận Hoàng gia. Theo Thái tử, những trải nghiệm với bạn bè đồng trang lứa xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau sẽ giúp con trai thấu hiểu được cuộc sống của người dân. Vì vậy khi đến lớp, Hisahito cũng giống như các bạn học cùng trang lứa, hòa đồng và thân thiện. Cậu cũng có những sở thích bình dân như đạp xe, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các loại động thực vật.

Hoàng tử Hisahito (giữa) đi cùng cha mẹ Thái tử Fumihito và Thái tử Phi Kiko đến Trường Tiểu học thuộc Đại học Ochanomizu ở Tokyo để làm lễ nhập học ngày 7/4/2013. Ảnh: AFP
Gánh trên vai tương lai của hoàng gia lâu đời nhất thế giới, Hoàng tử Hisahito cũng thường xuyên xuất hiện cùng cha mẹ trong các chuyến công du trong và ngoài nước. Tháng 8/2019, cậu tham gia chuyến đi Bhutan sau khi bác - Nhật hoàng Naruhito - lên ngôi. Chuyến đi này của cậu được xem là màn ra mắt của Hoàng tử với tư cách là người đại diện cho Hoàng gia trong tương lai. Trong chuyến đi này Hoàng tử đã giao lưu với các thành viên Hoàng gia Bhutan trong trang phục truyền thống và thử tài bắn cung.
Trong sinh nhật lần thứ 15 của mình năm ngoái, Hoàng tử Hisahito trông chững chạc, trưởng thành hơn. Dù các hoạt động bị hạn chế trong bối cảnh đại dịch, Hisahito vẫn tích cực tham gia các sự kiện trong và ngoài trường học. Cơ quan Nội chính Hoàng gia cho biết Hoàng tử cùng gia đình tự tay làm đồ bảo hộ gửi tặng các nhân viên y tế. Hisahito cũng thực hiện chuyến đi thực địa 3 ngày, tìm hiểu về cuộc sống của những người khuyết tật hồi tháng 6 năm ngoái. Cậu cũng tập đi xe bus và đạt một giải thưởng trong cuộc thi văn học do tỉnh Fukuoka tổ chức.

Hoàng tử Hisahito trong sinh nhật thứ 15 năm 2021. Ảnh: Mainichi
Mới đây, Hoàng gia cho biết Hoàng tử Hisahito sẽ nhập học ở trường trung học Phổ thông thuộc Đại học Tsukuba - một cơ sở giáo dục có tính cạnh tranh cao hàng đầu ở Tokyo. Hisahito đã đạt thành tích tốt trong kỳ thi tuyển sinh ngày 13/2 để tranh suất vào ngôi trường danh giá này mà không có bất kỳ đặc cách nào.
Sơn Nam (Theo SCMP, Asahi, Mainichi, Kyodo)