Hơn một tháng kể từ ngày con trai Phạm Thành Công (tên ở nhà là Subin) chào đời, Trần Điệp, 26 tuổi, nhân viên công ty khẩu trang, không thể quên cảm giác sợ hãi khi lần đầu vượt cạn. Với cô, sinh con là trải nghiệm đau đớn và khó quên nhất.
Những ngày Hà Nội mưa rét, mẹ con Điệp ngồi sưởi ấm cho nhau trong căn phòng khách chật chội trên phố Bạch Mai. Bé Subin được mẹ quấn trong lớp chăn dày thỉnh thoảng cựa mình khóc oe oe. Không giống các bà mẹ khác, Điệp nựng con bằng những âm thanh phát ra từ cổ họng, cả ánh mắt trìu mến và ngôn ngữ ký hiệu. Cô tự hào khoe con trai với bạn bè đến thăm. Căn phòng im ắng, chỉ có những đôi tay ra dấu thoăn thoắt trong cuộc trò chuyện của Điệp với bạn.
Điệp cho hay so với phụ nữ bình thường, sản phụ khiếm thính như cô gặp khó khăn trong sinh nở. 6h sáng ngày 10/12/2015, Điệp vội vàng cùng mẹ và em chồng xách đồ vào viện khi thấy có dấu hiệu sinh. Sau khi thăm khám, bác sĩ yêu cầu Điệp đi lại nhiều cho dễ đẻ. Những cơn đau dồn dập khiến Điệp chỉ biết cắn răng chịu đựng, tay bám chặt vào người thân. Thấy con nhăn nhó nhưng quyết không kêu, bà Thủy, mẹ chồng Điệp, chỉ biết vỗ về động viên. Bà chạy đi chạy lại theo Điệp, lúc để xoa lưng, khi lại tiếp hộp sữa, bát cháo để con ăn cho đỡ kiệt sức.
Vật vã trong cơn đau chuyển dạ, sản phụ 9X hoang mang lúc một mình bước vào phòng sinh. Cô càng lo lắng khi không thể nghe hay giao tiếp được với các y, bác sĩ. Phía ngoài, bà Thủy sốt ruột muốn được vào bên trong hỗ trợ cô con dâu khiếm thính nhưng không được phép.
Ban đầu, bác sĩ tưởng Điệp là người nghe được nên giao tiếp bình thường. Điệp không hiểu gì và bất lực trước những chỉ dẫn của bác sĩ. Cô cố gắng nhìn khẩu hình để đoán xem họ nói gì nhưng chỉ lờ mờ hiểu. Biết sản phụ là người khiếm thính, bác sĩ bắt đầu nói chậm hơn, dùng đủ điệu bộ, ra dấu để Điệp hiểu và làm theo. Có lúc, cô cảm giác như muốn bỏ cuộc vì không biết làm cách nào để rặn con ra được.
"Tôi đẻ thường và phải khâu nhiều mũi. Tôi đau phát khóc khiến bác sĩ ra hiệu 'cố gắng lên'. Họ ấn thật mạnh lên bụng tôi để đẩy em bé ra ngoài. Không nghe được tiếng con khóc nhưng thấy người nhẹ nhõm hẳn đi, tôi biết mình đã sinh. Nước mắt tôi cứ thế tuôn rơi", Điệp chia sẻ thông qua người phiên dịch.
Sau hơn 12 tiếng chờ đợi, cuối cùng, cả gia đình Điệp vỡ òa trong hạnh phúc. Subin chào đời nặng 3 kg. Bác sĩ khen Điệp làm tốt, ca sinh thành công và khuyên cô nên chợp mắt một lát. Cơn đau từ những mũi khâu âm ỉ xen lẫn cảm xúc hạnh phúc khi bác sĩ bế Subin lại gần gặp mẹ khiến Điệp không tài nào ngủ được. Cô chẳng nghĩ gì khác ngoài việc, sau 9 tháng ấp ủ con trong bụng, giờ cô đã trông thấy bé ngoài đời.
Lần đầu làm mẹ, Điệp lạ lắm. Trước kia thấy con của chị gái mới sinh ị hay tè, cô sợ không dám đụng vào. Giờ thì, cô tập mặc quần áo, thay bỉm, học cách bế bé theo hướng dẫn của mẹ chồng. Trước lúc sinh, Điệp cũng đọc thông tin trên mạng và học hỏi những người bạn từng sinh nở nhưng khi được thực hành, cô lóng ngóng sợ làm đau bé.
Thời gian mang bầu, thay vì trò chuyện, ngày nào cô cũng mở nhạc từ điện thoại cho con nghe. Mỗi lần như vậy, Subin lại "đạp nghịch lắm". Cảm nhận từng cú đạp, cựa quậy của Subin trong bụng, Điệp mừng phát khóc. Điệp bị nghén vài tháng đầu, không ăn được nhiều, sợ mùi và hay nôn ọe. Cô thèm bún ngan, thịt kho và canh cá chua. Chứng ốm nghén cũng khiến cô mệt mỏi, đau lưng và nóng trong người nhưng cô vẫn cố gắng đến công ty làm việc cho tới tận gần ngày sinh.
Hơn 9 tháng thai kỳ, Điệp luôn có mẹ chồng bên cạnh hỗ trợ. Mẹ đẻ ở xa nên mọi việc đành nhờ cả ở mẹ chồng. Thương con dâu thiệt thòi, khiếm khuyết, bà Thủy chăm sóc Điệp cẩn thận, sẵn sàng xếp hàng chờ lấy số cho Điệp khám thai.
Con trai cũng là người khiếm thính nên gia đình bà đã quen với việc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Với Điệp, mọi người trong nhà cố gắng nói chậm, kết hợp cử chỉ, điệu bộ để cô hiểu ý. Nhắc tới con dâu, bà Thủy khen Điệp nghị lực nhưng đôi lúc gan lì và hơi bướng. Điệp là người thông minh, hiểu biết.
Bà Thủy bị chứng mất ngủ và thường phải uống thuốc nhưng kể từ lúc có cháu nội, bà dừng thuốc để thức trông. Mấy hôm đuối quá, bà xuống nhà ngả lưng một lát thì có chuyện. Chưa quen việc thức đêm chăm bé, nhiều hôm, Điệp ngủ quên và không biết con khóc.
"Thấy bé khóc rất lâu, tôi ở tầng dưới liền chạy lên xem. Nhìn cảnh ấy, tôi không cầm được nước mắt: con dâu đang ngủ, còn cháu nội bà nằm khóc bên cạnh. Sau lần đó, tôi dặn Điệp phải đặt tay lên người Subin mỗi khi nằm cạnh và cử con gái lên ngủ cùng chị dâu", bà Thủy tâm sự.
>> Xem tiếp: Hình ảnh gia đình hạnh phúc của đôi vợ chồng khiếm thính
Bình Minh