Vào tháng 2, thông tin Emily In Paris nhận đề cử Phim truyền hình xuất sắc thể loại hài - nhạc kịch tại Quả Cầu Vàng gây tranh cãi. Cùng lúc này, tờ LA Times phanh phui vụ việc nhà sản xuất bộ phim "đi cửa sau" với Hiệp hội báo chí quốc tế Hollywood (HFPA), đơn vị tổ chức giải Quả Cầu Vàng.
Theo thông tin đăng tải, khoảng 30 thành viên của hiệp hội được đoàn phim mời tham gia chuyến du lịch báo chí tại Pháp. Họ nghỉ hai đêm tại khách sạn năm sao Peninsula Paris, nơi giá phòng mỗi đêm ít nhất 1.400 USD. Ngoài ra, họ dự họp báo và dùng bữa trưa riêng tư tại bảo tàng Musée des Arts Forains, một trong các bối cảnh của bộ phim. Một thành viên của HFPA tiết lộ: "Họ chăm sóc chúng tôi như những ông hoàng, bà chúa". Những chuyện này vi phạm quy định nhận quà giá trị tối đa 125 USD của các thành viên hiệp hội.
Báo cáo của tờ LA Times còn cho biết HFPA chi gần hai triệu USD để thao túng các ủy ban, tổ chức khác. Tờ báo cho rằng HFPA chỉ có 90 thành viên, dễ dàng cho các nhà sản xuất và hãng phim "chăm sóc" hơn Viện Hàn lâm Khoa học Điện ảnh Mỹ, đơn vị đứng sau giải thưởng Oscar với khoảng 1.000 thành viên bình chọn.
Cuộc điều tra của LA Times đã mở màn lùm xùm của HFPA và giải thưởng Quả Cầu Vàng. Hiệp hội bị chỉ trích về hành vi phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính. Từ năm 2002 đến nay, họ không kết nạp thành viên da đen. Họ bị tố cáo thường đưa ra các câu hỏi, định hướng mang tính phân biệt. Một trong các cựu chủ tịch của HFPA từng chửi mắng phong trào bình quyền cho người da đen 'Black Lives Matter'.
Quy tắc phim có lời thoại tiếng Anh trên 50% mới được đề cử Phim xuất sắc ở Quả Cầu Vàng cũng gây tranh cãi. Các phim Ký sinh trùng (Parasite), Minari, The Farewell, Roma chỉ được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Quả Cầu Vàng, nhưng được đề cử Phim xuất sắc tại Oscar.
Nhiều ngôi sao, nhà làm phim lên tiếng tẩy chay HFPA và Quả Cầu Vàng. Scarlett Johansson từ chối dự các cuộc họp báo của HFPA và kêu gọi ngành công nghiệp rời xa Quả Cầu Vàng. Mark Ruffalo bày tỏ sự thất vọng. Tom Cruise gửi trả ba cúp Quả Cầu Vàng trong sự nghiệp.
Kênh truyền hình NBC, đối tác phát sóng trực tiếp Quả Cầu Vàng nhiều năm qua, tuyên bố sẽ không trình chiếu lễ trao giải 2022. Tuy nhiên, họ kỳ vọng có thể đưa lễ trao giải trở lại vào năm 2023, nếu HFPA cải tổ triệt để. Một số hãng phim tuyên bố chống lại HFPA và Quả Cầu Vàng.
Đáp lại những chỉ trích, một thành viên giấu tên trong HFPA đã lên tiếng. Người này trả lời Variety: "Có thể, chúng tôi đã tự thu mình và không nghĩ đến sự đúng đắn của chính trị, cư dân trên đất nước của mình. Chúng tôi không phải tổ chức phân biệt chủng tộc. Đây vốn là một đất nước phân biệt chủng tộc. Giờ họ chĩa mũi dùi về chúng tôi và nói chúng tôi phải có 13% thành viên da đen. Thật nực cười và xấu hổ cho những người theo chủ nghĩa số đông, đạo đức giả như vậy!".
Phong Kiều (Theo EW, Huff Post, Variety)