Sau Ký sinh trùng, Minari được xem là hiện tượng tiếp theo của điện ảnh gốc Á tại Hollywood. Đây là bộ phim thứ năm của đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Lee Isaac Chung, là một dự án điện ảnh kinh phí thấp với mức đầu tư chỉ 2 triệu USD và thời gian bấm máy hơn 20 ngày.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của một gia đình gốc Hàn vào những năm 1980, dựa theo những ký ức ấu thơ của đạo diễn. Từ Hàn Quốc di dân sang Mỹ, vợ chồng Jacob và Monica mang theo hoài bão làm giàu nơi xứ sở cờ hoa. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng tạm ổn định với công việc phân loại giới tính gà, đôi vợ chồng một lần nữa đưa hai con bước vào một cuộc di chuyển lớn. Chính xác hơn, Jacob muốn vậy còn Monica chỉ bất đắc dĩ chiều theo ý chồng. Rời bỏ đô thị California, Jacob tìm về vùng quê Arkansas, tham vọng xây dựng một trang trại của riêng mình. Jacob bận chuyện khởi nghiệp, Monica vẫn đi làm thuê. Bởi vậy, mẹ của Monica từ quê nhà sang Mỹ giúp họ chăm sóc cho hai đứa cháu ngoại. Những áp lực cuộc sống nơi xứ người cùng nhiều biến cố bất ngờ ập đến khiến gia đình họ chao đảo.
Trong suốt hai tiếng, Minari trải ra những khung cảnh vườn tược, đồng cỏ, rừng cây ngập tràn sắc xanh mát mắt và bao phủ ánh nắng trong veo mùa hè. Hòa cùng cảnh sắc nên thơ trữ tình như thế, nhịp phim duy trì chậm rãi, nhẹ nhàng. Đó là điểm quyến rũ đầu tiên của tác phẩm. Một ngày khi mới chuyển nhà đến Arkansas, Jacob ngắm trời trong xanh bên ngoài cửa kính xe hơi rồi tự lẩm nhẩm: "Trời đẹp thế này cơ mà!". Chớp mắt qua cảnh phim kế tiếp, trời mưa như trút, mở màn cho cơn bão đổ bộ miền quê. Đó là một trong những gian nan đầu tiên mà gia đình Jacob đối mặt lúc mới chuyển nhà, cũng là một yếu tố ẩn dụ, mang tính dự báo cho những xung đột câu chuyện sau này.
Giống như trời trong bất chợt gặp bão, hôn nhân của Jacob - Monica tiềm ẩn nhiều vết nứt và cơn giận. Cô vợ dịu dàng và nhẫn nhịn, nhưng hầu như lúc nào cũng chau mày, thiểu não, chất chứa trong lòng đầy những lo toan. Anh chồng luôn cố gắng hướng bản thân và cả nhà đến những niềm tin tích cực, song đôi khi chính anh cũng cảm thấy hoang mang và lạc lối. Đôi vợ chồng trẻ hay tranh cãi, trái quan điểm, đôi lần nổi cáu.
Một bữa nọ thấy bố mẹ to tiếng với nhau, hai đứa trẻ rủ nhau vào phòng gấp một đống máy bay giấy, viết lên đó dòng chữ "Đừng cãi nhau nữa!" rồi phi về phía hai người lớn đang trút những ngôn từ đầy giận dữ về phía nhau. Vẻ bình tĩnh thay vì hoảng hốt của hai đứa trẻ cho thấy bố mẹ chúng cãi nhau thường như cơm bữa, đến mức chúng đã quen rồi, chỉ là thấy ồn ào thôi.
Cả phim, Jacob và Monica hiếm khi nào trao nhau những ánh mắt, câu nói, cử chỉ tình cảm, dù thật tâm họ rất thương và lo cho nhau. Chỉ có hai lần, cặp vợ chồng thực sự ôm nhau vào lòng. Đó là trong lúc và sau khi cú sốc lớn xảy ra với họ ở cuối phim. Trước đó có một lần, Jacob bày tỏ yêu thương với vợ, nhưng câu nói của anh chẳng đủ xoa dịu cơn giận của cô khi ấy.
Lúc cưới nhau ở Hàn Quốc, Jacob và Monica từng hẹn thề sẽ che chở nhau khi cùng qua Mỹ tạo dựng cuộc sống. Những năm tháng đã qua, họ trải nhiều vất vả. Vậy mà từ lúc chuyển tới Arkansas, căng thẳng giữa họ cứ ngày càng dâng cao. Bệnh tim bẩm sinh của con trai David, cơn đột quỵ của người mẹ già, tiền bạc túng thiếu dồn cả hai vào tận cùng áp lực.
Đến một lúc, Monica không còn đủ sức để tiếp tục nhẫn nhịn, Jacob cũng không còn đủ sức để thuyết phục vợ thêm lần nữa. Đứng trước nguy cơ đổ vỡ, Monica nhắc lại lời thề ngày cưới và hỏi người bạn đời: "Chúng ta không thể che chở cho nhau, nhưng tiền thì có phải không?". Liệu rằng tình yêu, tình thân có đủ vững vàng và kiên trì để vượt qua những giông bão đời người? Đó là vấn đề mà bộ phim đặt ra cho hai nhân vật chính cũng như khán giả xem phim.
Trong tiếng Hàn Quốc, "minari" nghĩa là rau cần nước. Theo lý giải của nhân vật bà ngoại, thứ rau này giống như cỏ dại, chỉ cần được gieo hạt ở nơi có nước, nó tự mọc và lớn nhanh mà chẳng cần bàn tay con người chăm bẵm. Được chọn làm tên phim, "minari" chính là biểu tượng ẩn dụ cho gia đình nhập cư. Hình ảnh người bà mang hạt giống "minari" từ Hàn qua Mỹ gieo trồng như ngụ ý mong mỏi gìn giữ bản lề gia đình, nguồn cội văn hóa dù hòa nhập đời sống nơi xứ người.
Sắm vai cặp vợ chồng Jacob - Monica, nam diễn viên Steven Yeun và nữ diễn viên Han Ye Ri biểu đạt có chiều sâu, giàu cảm xúc những khát vọng, tâm tư, sự dồn nén của nhân vật. Bằng diễn xuất thuyết phục, Steven Yeun trở thành nam diễn viên châu Á đầu tiên tranh giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar.
Bên cạnh cặp đôi chính, bà ngoại và cháu trai là bộ đôi đáng gây chú ý khác của Minari. Thay đổi nơi ở người già chẳng bao giờ đơn giản. Bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để sang đất nước cách xa nửa vòng trái đất càng là chuyện khó khăn. Có vậy mới thấy rằng người bà trong Minari thương con, thương cháu đến thế nào. Chân dung người bà hồn hậu, dân dã, hóm hỉnh, hay trêu cháu là một đại diện thật đẹp cho mọi người bà gốc Á.
Qua nét diễn không màu mè nhưng có sức nặng của nghệ sĩ Youn Yuh Jung, bà ngoại trong Minari đôi lúc khiến người xem bật cười, nhưng phần nhiều làm người ta bị chạm đến những vùng ký ức, dễ rơi lệ vì chợt nhớ đến bà nội, bà ngoại của mình. Với vai diễn này, Youn Yuh Jung làm nên mùa xuân mới trong sự nghiệp ở tuổi ngoài 70, nhận đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc của Oscar.
Lần đầu đóng phim, cậu nhóc 8 tuổi Alan Kim gây ấn tượng với vẻ mũm mĩm và nét diễn ngây thơ trong vai David. Sự thay đổi phản ứng của David với bà ngoại từ e ngại đến trả treo rồi trở nên gắn bó, yêu thương vừa mang đến tiếng cười vừa gây xúc động.
Sau chiến thắng Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của giải thưởng Quả cầu vàng, Minari tiếp tục tranh giải Phim xuất sắc và năm hạng mục khác tại lễ trao giải Oscar. Bộ phim nhận nhiều lời khen từ các nhà phê bình, nhà báo Mỹ. Tại Việt Nam, phim có các suất chiếu sớm 26-28/3 và ra rạp chính thức từ 2/4.
Phong Kiều