Câu chuyện mở ra khi người trong gia đình Billi nhận được tin bà nội ở Bắc Kinh mắc bệnh ung thư, chỉ còn sống 3 tháng. Billi cùng bố mẹ ở Mỹ, gia đình bác ruột cô từ Nhật Bản đều trở về Trung Quốc, dựng nên màn kịch đám cưới của anh họ Billi, trong khi bà nội là người duy nhất không hay biết về tình hình sức khỏe của mình. Cả nhà bận rộn chuẩn bị cho một đám cưới, thực chất trong lòng lặng lẽ lo toan cho một đám ma.
|
Trailer Lời từ biệt (tựa gốc là The Farewell) |
Phim có những khoảng lặng man mác buồn bởi mỗi thành viên trong nhà đều phải gồng mình che đậy nỗi đau, gượng cười cho bà nội an tâm về con cháu. Tuy nhiên, cả câu chuyện không tra tấn người xem bởi bi kịch hay những màn dằn vặt nặng nề. Đổi lại, nhiều tình huống hài trào phúng được đưa vào, mang đến tiếng cười duyên mà vẫn khéo léo phản ánh và châm biến một hiện tượng của đời sống.
Lặp lại nhiều lần trong Lời từ biệt, các bữa ăn sum họp để lộ nhiều mâu thuẫn thế hệ, khác biệt phương đông - phương tây, tị hiềm giữa họ hàng. Cuộc đối thoại đầy châm chọc không hồi kết giữa những người đàn bà, vẻ trầm ngâm của những người đàn ông, gương mặt cúi gằm và cơm đầy bối rối của những đứa cháu làm khán giả vừa bật cười vừa liên hệ tới trải nghiệm cá nhân. Bên cạnh đó, tính cách ưa khoe mẽ, tư tưởng muốn thoát ly và chiêu trò khóc lóc ỉ ôi đầy màu mè trong đám tang cũng là những điều khiến người xem dễ đồng cảm với đời thật của xã hội châu Á hiện đại.
Bộ phim đặt ra câu hỏi về cách ứng xử của con người khi người thân mắc bệnh nặng, nói với họ hay che giấu họ là lựa chọn chưa bao giờ dễ dàng. Đây là điều nhiều gia đình ngoài đời thực cũng khó tránh khỏi. Trong câu chuyện này, Billi là người duy nhất đi ngược lại quan điểm của cả gia đình. Lớn lên trong xã hội dân chủ và sòng phẳng của nước Mỹ, cô hiểu rằng việc giấu giếm bệnh tình của bà nội là phạm pháp, còn bà nội cũng có quyền nói lời tạm biệt khi đi xa.
Thông qua sự xung khắc giữa các thành viên cũng như cuộc chiến nội tâm của chính mỗi người, bộ phim truyền tài thông điệp về sự gắn kết gia đình, họ hàng của người Á Đông, đúng như câu thoại mà người bác ruột phân tích với Billi: "Ai cũng nghĩ đời mình chỉ có chính mình. Nhưng không, đời một người gắn với nhiều người: gia đình, xã hội".
Phim dành nhiều thời lượng cho không gian riêng tư giữa Billi và bà nội. Đó là khoảnh khắc người bà tóc bạc trắng dúi vào tay đứa cháu cưng bao lì xì, nhắc cháu "mua gì đẹp cho bản thân, chứ đừng đổ tiền cho các loại hóa đơn"; là buổi sáng cô cháu gái vụng về tập thể dục cùng bà; là lời bà dặn dò cháu "phải kiếm ai lo cho mình, cháu cứ một mình bà lo lắm"; là những cái ôm đầy tình thương không cần sự nâng đỡ của bất kỳ lời nói nào. Bà vui một cách thực sự, dù hơi lo lắng cho cuộc sống đơn chiếc của cháu; còn Billi bề ngoài nói cười nhưng trong lòng đau đớn, xót xa.
Billi là hiện thân của một bộ phận người trẻ đương đại. Cô là một Hoa kiều di dân đã nhiều năm, bơ vơ không biết rốt cuộc mình thuộc về nơi nào. Với cô, quê hương nguồn cội chỉ còn là ký ức về căn nhà cũ đã bị phá dỡ của ông bà, là nơi mà cô nói tiếng Trung lơ lớ và khó có thể tìm được việc làm. Nước Mỹ tưởng như gần gũi với Billi hơn, nhưng cũng là nơi cô không thể hòa nhập một cách trọn vẹn.
Ở tuổi chớm ngoài 30, Billi hoang mang về con đường của mình khi quá nhiều thứ hóa đơn cần chi trả, học bổng vuột khỏi tầm tay, học hành, công việc kém khởi sắc, còn yêu đương là câu chuyện ngoài lề chẳng bao giờ được nhắc tới.
Nữ diễn viên Awkwafina vào vai Billi mộc mạc nhưng đầy cảm xúc. Cô hay xuất hiện với vẻ mặt đầy âu lo và mỗi lần cô bước đi, đầu hơi cúi, lưng hơi gập như người gù lưng gợi cảm giác như nhân vật gánh quá nhiều nỗi muộn phiền, tâm sự khiến đầu óc và đôi vai cô nặng trĩu. Sự kết hợp ăn ý của Awkwafina với nghệ sĩ gạo cội Triệu Thục Trân (vai bà nội) giúp cho phim thêm nhiều rung cảm.
Bộ phim của đạo diễn người Mỹ gốc Trung Lulu Wang hiện chiếu tại các rạp Việt Nam.
Phong Kiều
Ảnh: A24