1. Mờ một bên mắt
Mắt có hai loại tế bào cảm quang: hình nón và hình que. Dưới sự kích thích của ánh sáng mạnh, các tế bào hình nón có thể ngay lập tức hoạt động. Vì vậy, mặc dù cảm thấy chói mắt khi đi từ nơi tối đến nơi sáng, chúng ta vẫn có thể nhìn rõ vật thể ngay lập tức. Quá trình này được gọi là thích ứng với ánh sáng. Trong môi trường tối, tế bào hình que cần một khoảng thời gian thích ứng nhất định để bắt đầu hoạt động.
Khi chơi điện thoại di động trong môi trường ánh sáng yếu hoặc bóng tối lâu có thể tác động nhất định đến các tế bào cảm quang, dẫn đến giảm thị lực. Nhưng, chức năng thị giác của mắt có thể được phục hồi sau một thời gian từ bỏ thói xấu này.
2. Gây khô và mỏi mắt
Nhiều người có thể gặp các triệu chứng như mờ, sưng và đau mắt sau khi sử dụng máy tính trong một giờ. Do đó, mức độ nghiêm trọng của việc mỏi mắt có liên quan mật thiết đến thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Màn hình điện thoại di động nhỏ hơn màn hình máy tính, khoảng cách xem gần hơn nên tăng gánh nặng cho mắt nhiều hơn.
Đôi mắt khỏe mạnh luôn có màu đen và trắng. Thông thường, chúng ta không nhìn thấy được các mạch máu trên kết mạc mắt. Một khi bị nhiễm trùng hoặc có các yếu tố kích thích khác xảy ra, những mạch máu này sẽ giãn nở, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, có thể nhìn thấy rõ tia máu trong mắt. Mắt bạn đỏ lên sau khi thức khuya chứng tỏ nó phát tín hiệu đang mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi.
Trên bề mặt nhãn cầu còn một lớp cấu trúc gọi là màng nước mắt, có tác dụng chủ yếu là làm ẩm giác mạc. Nếu bạn nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại di động trong thời gian dài, mắt sẽ vô tình giảm tần số đóng - mở, khiến độ ổn định của màng nước mắt giảm, dễ gây khô mắt, đau nhức và mỏi.
3. Cận thị
Xem điện thoại ở cự ly gần quá nhiều có thể gây mỏi cơ mi, tăng nguy cơ cận thị ở trẻ em và cận nặng hơn với người lớn. Đặc biệt vào ban đêm, nếu bạn nằm nghiêng và chỉ nhìn điện thoại di động bằng một mắt trong thời gian dài, tình trạng cận thị ở mắt đó có thể phát triển nhanh hơn, dẫn đến chênh lệch độ giữa hai mắt quá lớn, càng ảnh hưởng đến chức năng thị giác.
4. Gây ra các cơn tăng nhãn áp góc đóng
Tăng nhãn áp là một bệnh về mắt gây mù không thể chữa khỏi, nguyên nhân chủ yếu do áp lực trong nhãn cầu quá cao, vượt quá khả năng chịu đựng, gây tổn thương thần kinh thị giác. Sự ổn định của áp lực nội nhãn chủ yếu phụ thuộc vào sự lưu thông của thủy dịch trong nhãn cầu. Áp lực nội nhãn 10 mmHg ~ 21 mmHg được định nghĩa là bình thường.
Khi bạn tắt đèn và chơi điện thoại di động trong môi trường tối, đồng tử sẽ bị to ra. Những người có cấu trúc nhãn cầu đặc biệt như nhãn cầu nhỏ và góc hẹp có thể bị ảnh hưởng đến sự lưu thông thủy dịch và gây tăng đột ngột áp lực nội nhãn, dẫn đến cơn tăng nhãn áp cấp tính. Lúc này, bạn không chỉ đau mắt, nhức đầu mà còn có thể gây ra tổn thương thị lực không thể phục hồi.
Chế độ bảo vệ mắt và chế độ ban đêm trên điện thoại có hữu ích không?
Chế độ bảo vệ mắt của điện thoại di động chủ yếu chống lại tác hại của ánh sáng xanh và không đảm bảo an toàn 100%.
Hãy làm ba điều này khi bất đắc dĩ phải dùng điện thoại buổi đêm
- Điều chỉnh ánh sáng xung quanh: Nếu phải kiểm tra điện thoại trước khi đi ngủ, hãy bật đèn đọc sách hoặc đèn ngủ trong phòng để giảm độ tương phản độ sáng giữa môi trường xung quanh và màn hình.
- Chú ý đến tư thế của mắt: Tốt nhất không nên nằm chơi điện thoại mà hãy ngồi dậy. Khoảng cách giữa mắt và điện thoại di động nên để xa nhất có thể. Nếu bạn phải nằm, đừng nằm nghiêng.
- Kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại: Không chơi hoặc chơi ít điện thoại vào buổi đêm sẽ tốt hơn cả. Hoặc nếu bất đắc dĩ, bạn nên xen kẽ thời gian nghỉ cho mắt. Không dùng điện thoại quá 20 phút mỗi lần, luôn xen kẽ khoảng nghỉ 20 giây hoặc hơn.
Nếu khi thức dậy vào buổi sáng và thấy đôi mắt đỏ hoe, mắt bạn đang kêu cứu và bạn cần nghỉ ngơi.
>> Có dấu hiệu ung thư đại trực tràng suốt hai năm mà không biết
Hằng Trần (Theo Aboluowang)