Wang Weidi, bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa (Đài Loan, Trung Quốc), đã chia sẻ về một ca bệnh trong chương trình The doctor is hot. Bệnh nhân là phụ nữ khoảng 60 tuổi cảm thấy chóng mặt ngay khi đứng dậy, toát mồ hôi lạnh và cảm thấy muốn nôn mửa kể từ khi mãn kinh.
Bà đã loại trừ các vấn đề về phụ khoa và không mắc bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh). Trong hai năm liền, bác sĩ điều trị lúc đó đã hỏi bà: "Màu nước tiểu và phân của cô có bình thường không?" và nhận được câu trả lời là hoàn toàn bình thường. Sau đó, xét nghiệm máu cho thấy huyết sắc tố của bà chỉ bằng một nửa giá trị bình thường. Họ kê thuốc bổ sung sắt với chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt.
Nhưng trong suốt 9 tháng dùng thuốc bổ sung sắt, cứ ba tháng "kinh nguyệt" của người phụ nữ lại xuất hiện dù đã mãn kinh. Ngay khi thức dậy, bà sẽ cảm thấy chóng mặt và gần như ngã quỵ, đồng thời huyết sắc tố của bà cũng không có dấu hiệu cải thiện. Khi đi khám, bà nhiều lần khẳng định đã có kinh nguyệt trở lại và màu sắc phân cũng bình thường, cho rằng mình ổn nên từ chối đề nghị nội soi dạ dày của bác sĩ.
Tới khi, bà lại bị ngất xỉu ngay trước mặt gia đình, sau khi được bác sĩ thuyết phục, cuối cùng bà cũng chấp nhận việc nội soi dạ dày sau hai năm.
Sau khi bà đi vệ sinh tại bệnh viện, người ta thấy rằng phân của người phụ nữ này rõ ràng có lẫn máu. Lúc này bà mới nhận ra vì toilet ở nhà màu đỏ, ánh sáng kém, thị lực không tốt nên nhìn không rõ. Nhà vệ sinh ở bệnh viện trắng sáng, có thể nhìn thấy rõ phân có máu.
Cuối cùng, khi ống nội soi dạ dày được đưa vào, bác sĩ Wang Weidi phát hiện ra khối u ung thư đại trực tràng của người phụ nữ đã chặn hoàn toàn ruột, chỉ để lại một khoảng trống to bằng ngón tay cái, đồng thời đã di căn đến gan, cho thấy đó là giai đoạn cuối của bệnh.
Bác sĩ Wang Weidi cho biết ung thư đại trực tràng có thể gây ra các triệu chứng thiếu máu, hầu hết đều ở giai đoạn thứ ba. Triệu chứng này xảy ra do bề mặt khối u chảy máu. "Nếu bồn cầu của cô ấy có màu trắng thì có thể có cơ hội phát hiện ra", ông nói. Ông cũng nhắc nhở mọi người rằng bệnh có thể được phát hiện sớm nếu mọi người chú ý hơn đến màu sắc của phân và nước tiểu. Đây là những chi tiết nhỏ nhưng nếu bỏ qua thực sự có thể trì hoãn việc phát hiện bệnh sớm.
>> Điều gì xảy ra nếu ăn táo đỏ mỗi ngày?
Hằng Trần (Theo ET Today)