Thứ tư, 13/2/2019, 14:37 (GMT+7)

Đám cưới miệt vườn mang đậm phong vị Tết cổ truyền

Ngoài đôi long phụng gợi không khí Tết sum vầy, uyên ương còn nhắc nhớ tới tuổi thơ qua que tò he, chú heo đất.

Cô dâu Phạm Nguyễn Hồng Vân (26 tuổi, TP HCM) và chú rể Hữu Thông (29 tuổi, Củ Chi) đều là nhân viên văn phòng. Uyên ương biết đến nhau qua một chương trình tình nguyện của Đoàn thanh niên ở Củ Chi. Đến khi Đoàn tổ chức tiệc mừng, cả hai có dịp trò chuyện nhiều hơn và bắt đầu tìm hiểu đối phương. 

Bảng màu chủ đạo của tiệc cưới tại Củ Chi - quê nhà chú rể gồm nâu gỗ, xanh lá, đỏ và cam vàng. Uyên ương chọn hoa chủ đạo là hoa cá chép và thiên điểu - biểu tượng bình an, hạnh phúc. Hữu Thông cho hay đám cưới được tổ chức theo phong cách truyền thống miền quê với sắc màu bắt mắt, làm vui lòng phụ huynh, cô dâu và gợi không khí ngày Tết với hình ảnh long phụng sum vầy, những chú heo đất. 

Nhằm chuẩn bị cho đám cưới diễn ra vào ngày 20/1, uyên ương đã đặt lịch với ekip trước đó một năm. Ekip đến từ TP HCM đã dành một ngày vận chuyển nguyên vật liệu tới Củ Chi để ráp khung cổng rồng phượng tại nhà chú rể. 'Chúng tôi đính kết long phụng khoảng 3 ngày trước khi mang đến nhà tân lang. Thời tiết ở Củ Chi khá nắng nên chúng tôi ưu tiên các loại quả, hoa và lá có khả năng chịu hạn tốt', ekip tiết lộ. Cổng có chiều ngang khoảng 3m, chiều cao hơn 2m, kết từ hơn 1.000 vỏ cau tươi và nhiều loại hoa cúc Calimero đủ màu. 

Ekip đã thực hiện trang trí xuyên đêm, đảm bảo rạp cưới và các hạng mục khác được dựng đúng tiến độ. 'Chúng tôi cũng tăng cường tưới nước thường xuyên để giữ hoa tươi lâu', ekip cho hay. 

Ekip gợi ý thêm cho tân lang tân nương những chất liệu dân gian là cào cào lá dừa, heo đất, tò he mang sắc màu vui tươi, phù hợp phong cách đám cưới miệt vườn. Ngoài các hoa chủ đạo, ekip dùng thêm lay ơn, hoa hạnh phúc, đồng tiền nhí, sao tím để bổ trợ. 

Heo đất mang màu vàng - đỏ, sắc màu của hỷ sự được đặt trên bàn gallery đem đến không khí xuân ấm áp. 

Khi làm cào cào, người nghệ nhân chú trọng tới chất liệu lá dừa bởi chúng quyết định chất lượng sản phẩm. Búp lá chưa xòe hết và đủ độ già sẽ đem lại sự dẻo dai và màu sắc đẹp cho chú cào cào. 

'Chúng tôi tìm đến tận nhà của nghệ nhân nặn tò he ở TP HCM, chờ suốt 4 tiếng để có được mô hình của cô dâu chú rể, đôi long phụng và những bông hồng', ekip bật mí. 

Cô dâu chú rể từng làm tình nguyện viên, thường đi đến những miền quê  nên muốn mang thứ gì đó gắn với miệt vườn vào đám cưới. Cuối cùng, họ chọn cặp vịt - một loài vật thân thiện và vốn là vật nuôi của bố cô dâu vào hôn lễ khiến gia đình chú rể và khách mời không khỏi bất ngờ. 

Hình ảnh cặp long phụng xuất hiện từ cổng chào cho đến phía trong phòng khách của gia đình chú rể.

Khăn trải bàn có tông màu xanh họa tiết long phụng thời kỳ những năm 1990. Trên bàn trà là những chú heo đất nhỏ xinh, cặp đèn dầu, chuỗi hạt ngọc trai. 

Mỗi ghế ngồi đều được trang trí bởi một nhành hoa cá chép, tạo sự bắt mắt, ấm cúng cho không gian. 

Phía bên ngoài căn nhà được dựng rạp cưới với sân khấu có chữ T-V, là ký tự đầu trong tên hai vợ chồng. 

Uyên ương cắt bánh cưới trước sự chứng kiến của 500 khách mời tại Củ Chi. 

Hằng Trần 
Ảnh: Thiện, Khang Tôn 
Decor: Phạm Hà Phú 

Đánh giá phiên bản mới