Câu chuyện phim Đất rừng phương Nam bị chỉ trích xuyên tạc lịch sử được nhắc lại tại Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học. Ông Vi Kiến Thành kể khi tranh cãi về bộ phim này nổ ra trên mạng, một đạo diễn - NSND nói với ông: "Các nhà làm phim như người nông dân đang cày cuốc dưới ruộng. Còn trên bờ ruộng, cường hào, ác bá rất đông, mắng rất dữ dội".
Thời điểm đó, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội đã tổ chức ba phiên họp xoay quanh câu chuyện của Đất rừng phương Nam. Ông Vi Kiến Thành cho hay: "Tôi cảm giác công chúng muốn tìm ra một đơn vị, một người cụ thể nhận trách nhiệm, nhận tội vì cho phép phim được phát hành. Lúc đó, tôi đề xuất với hội đồng không nên quy kết tội cho đoàn phim, cho những người làm phim Đất rừng phương Nam vì họ không sai. Nếu việc đó là cần thiết để giải quyết khủng hoảng truyền thông, cách tốt nhất là cách chức cục trưởng, tức là tôi".
Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho rằng các điều luật liên quan sản xuất phim lịch sử, dã sử chưa tìm được tiếng nói chung với sáng tạo của người làm phim. Ông nhận thấy một bộ phận khán giả cho rằng câu chuyện phim lịch sử, dã sử phải bất di bất dịch với sự thật lịch sử. Trong khi, ông cùng các diễn giả khác tại hội thảo - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn - đồng quan điểm phim ảnh được quyền sáng tạo dựa trên sự thật lịch sử.
Đạo diễn - nhà sản xuất Charlie Nguyễn phát biểu: "Nhiều người ghi nhận phim lịch sử như phim tài liệu. Đó là điều bó tay, bó chân các nhà làm phim. Chúng ta cần nhận thức trong phim lịch sử có hai sự thật. Một là sự thật lịch sử với yếu tố ai, chuyện gì, ở đâu, khi nào. Đó là các thông tin được ghi chép trong lịch sử, không thể thay đổi. Thứ hai là sự thật tâm lý với hành trình nội tâm, biến chuyển cảm xúc của nhân vật trong từng sự kiện. Những điều này không được diễn tả trong sử sách. Diễn tả những điều này trên màn ảnh là trách nhiệm của người làm phim. Điện ảnh muốn tiếp cận khán giả cần có cảm xúc, khắc họa nhân vật lịch sử trước hết là một người thường, không nên thần thánh hóa".
Tại một hội thảo ở Đà Lạt tháng 11 năm ngoái, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng việc Đất rừng phương Nam bị đánh là nỗi đau của điện ảnh Việt. Nghệ sĩ Mai Thu Huyền nhắc đến tình trạng Đất rừng phương Nam, Trạng Tí... bị kêu gọi tẩy chay và cho hay: "Khi phim bị bắt nạt, không có ai bảo vệ nghệ sĩ".
Sau tranh cãi vào tháng 10 năm 2023, Đất rừng phương Nam phải thay đổi một số chi tiết. Lời giới thiệu "Hành trình vẫn còn phía trước" sửa thành "Hết Phần một - Hành trình vẫn còn phía trước". Hai tên gọi "Nghĩa Hòa đoàn" và "Thiên Địa hội" được sửa thành "Nam Hòa đoàn" và "Chính Nghĩa hội" trong tất cả câu thoại xuất hiện hai cụm từ này.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng đây là bộ phim truyện với nhân vật hư cấu, không xác định chính xác thời điểm diễn ra. Các yếu tố lịch sử, nhân vật trong tiểu thuyết là cảm hứng để xây dựng nên câu chuyện phim. Bộ phim không đề cao, ca ngợi hội nhóm nào, chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó, bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer.
Đất rừng phương Nam do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi. Do thời lượng phim chiếu rạp có hạn, phim chỉ truyền tải một phần của nguyên tác, kỳ vọng có phần sau. Kịch bản phim cũng có những sáng tạo so với nguyên tác văn học và so với bản phim truyền hình Đất phương Nam. Tác phẩm quy tụ các diễn viên Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật, Trấn Thành, Băng Di, Mai Tài Phến, Tuấn Trần...
Phong Kiều