*Bài viết tiết lộ nội dung phim
Năm 1997, phim truyền hình Đất phương Nam ra mắt và nhanh chóng tạo được tiếng vang, trở thành tác phẩm kinh điển gần ba thập kỷ. Phim gồm 11 tập, dõi theo hành trình tìm cha của cậu bé An qua nhiều vùng đất Nam Bộ với hệ thống nhân vật đồ sộ.
Sau 26 năm, tác phẩm điện ảnh Đất rừng phương Nam giữ nguyên tinh thần khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, nhưng cải biên một số chi tiết, làm đậm hình ảnh một số tuyến vai phụ.
Cái chết của má bé An
Ở cả hai bản phim, câu chuyện đều bắt đầu từ lúc má dẫn An rời nhà đi tìm cha, khi cha cậu bé bị lính Tây phát giác. Dọc đường, má An bất ngờ qua đời, để lại cậu bé bơ vơ giữa chuyến hành trình lớn.
Bản truyền hình dành nhiều thời gian để khai thác tình mẫu tử thiêng liêng trước khi biến cố ập đến. Ở đó, An luôn quấn quýt mẹ và liên tục hỏi về cha, dù lúc nào cũng nhận được câu trả lời cha đã chết. Má An cũng thường xuyên dạy cậu những điều hay trong cuộc sống. Cảnh tượng người mẹ qua đời do trúng đạn từ máy bay địch làm khán giả tiếc thương tình cảm mẹ con, lo lắng số phận sắp tới của An.
Do thời lượng phim chiếu rạp hạn chế, tình tiết này được rút gọn đáng kể khi không có quá nhiều hình ảnh kết nối mẹ con như bản truyền hình. Song, Đất rừng phương Nam vẫn truyền tải trọn vẹn tình mẫu tử khi thay đổi nguyên nhân cái chết của má An.
Hình ảnh người mẹ gục xuống sau khi đỡ đạn cho con trai giữa khung cảnh chạy loạn trên cầu, níu tay một người lạ (Út Lục Lâm) chăm sóc con mình lột tả tình yêu vô bờ của một người mẹ. Chỉ kéo dài vài phút, khoảnh khắc đó vẫn khiến nhiều người xúc động, ngay cả khi tác phẩm không xây dựng nền tảng cảm xúc vững cho khán giả về mối quan hệ giữa hai mẹ con ngay từ đầu.
Dấu ấn của Út Lục Lâm, ông Tiều, Tư Mắm
Không có trong nguyên tác văn học, các nhân vật Út Lục Lâm, Út Trong và bé Xinh được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn xây dựng mới ở phim truyền hình Đất phương Nam. Đề cập đến ba tuyến vai này cho thấy tác phẩm điện ảnh không đơn thuần chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết gốc, còn kế thừa những giá trị sáng tạo của bản truyền hình để lại. Tuy nhiên, các hình tượng có sự thay đổi lớn.
Ở phim đang chiếu rạp, Út Lục Lâm là người đầu tiên An gặp trên hành trình phiêu bạt. Trong khi ở bản truyền hình, người bạn đồng hành đầu tiên của An là chị Út Trong. Sau quãng thời gian sinh hoạt cùng gia đình chị, An mới gặp Út Lục Lâm trong làng.
Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam dành nhiều thời lượng đào sâu vào lối sống bất cần, tính cách tinh ranh được hình thành từ cuộc đời lang bạt kỳ hồ của Út Lục Lâm. Qua đó, tác phẩm thiết lập mối đồng cảm giữa hai thân phận không nơi nương tựa của Út và An.
Điểm đáng tiếc của kịch bản là khắc họa chưa đủ sâu chuyển biến tâm lý của Út Lục Lâm, từ lúc đắn đo đến khi đồng ý cưu mang một đứa trẻ xa lạ. Một bộ phận khán giả còn cho rằng thời lượng dành cho vai Út Lục Lâm quá nhiều, đôi khi gây cảm giác nhân vật này vượt qua vai trò vai chính của bé An.
Giống Út Lục Lâm, ông Tiều (cha bé Xinh) cũng được khai thác kỹ hơn bản truyền hình. Ở bản phim cũ, nhân vật này không chiếm quá nhiều thời lượng. Ở bản điện ảnh, quan hệ cha con giữa ông và bé Xinh được khai thác triệt để, làm bật lên tình phụ tử cao quý.
Song song nỗi nhớ mẹ, mong cha của An, hoài niệm của Xinh về mẹ và tình thương yêu của hai cha con Xinh viết thêm một mảnh ghép xúc động về tình thân, đồng thời tố cáo tội ác chiến tranh làm bao gia đình ly tán.
Vai trò giảm nhẹ của Út Trong, Cò
Việc phát triển đường dây của Út Lục Lâm và ông Tiều khiến số phận của Út Trong trong Đất rừng phương Nam bị bỏ ngỏ. Ở bản truyền hình, cô xuất hiện hầu như xuyên suốt hành trình tìm cha của An. Sang bản điện ảnh, nhân vật này chỉ xuất hiện ở cảnh cuối cùng. Với sự xuất hiện ít ỏi của Võ Tòng bên cạnh Út Trong, tác phẩm hứa hẹn tiềm năng phát triển mối quan hệ giữa hai nhân vật này trong các phần tiếp theo.
Trái ngược với ông Tiều và Út Lục Lâm, vai trò của thằng Cò được giản lược so với phim truyền hình, do bản điện ảnh tô đậm tình bạn và những rung động ấu thơ giữa An và Xinh. Điều này là một tiếc nuối với những người từng yêu mến đôi bạn đồng hành An - Cò ở bộ phim 26 năm trước.
Có sẵn từ trên trang sách của nhà văn Đoàn Giỏi, vai phản diện Tư Mắm cũng có sự khác biệt giữa hai bản phim. Cô là tay trong của quân địch, khiến dân làng nghi kỵ lẫn nhau. Tư Mắm bản truyền hình khiến nhiều người căm phẫn khi thấy được bản chất thật của nhân vật ngay từ đầu. Song, bản điện ảnh giấu chi tiết này để làm cú twist (bước ngoặt), đưa đẩy cao trào cuối phim.
Hành trình tối giản
Hành trình của An được thu gọn trong phạm vi ngôi làng, không đi qua nhiều vùng đất như nguyên tác và phim truyền hình. Sự thay đổi này giúp Đất rừng phương Nam dễ tiếp cận hệ thống nhân vật lớn trong cùng một bối cảnh, khai thác được nhiều góc nhỏ của ngôi làng. Song, cách làm này khiến cuộc đời rong ruổi của An mất đi tính phiêu lưu, thám hiểm và khoảnh khắc cha con chạm mặt nhau không còn quá khó khăn như trong phim truyền hình.
Bản điện ảnh cũng thay đổi thời gian diễn ra các sự kiện. Khi tiểu thuyết lấy bối cảnh sau năm 1945, bản truyền hình mở đầu từ những năm 1920, phim điện ảnh đẩy thời điểm lên những năm 1930. Một số khán giả cho rằng Đất rừng phương Nam không tôn trọng nguyên tác và sai lệch về mặt lịch sử. Nhưng xét một cách công tâm, sự thay đổi này không làm sai lệch bản chất câu chuyện, vẫn truyền tải đúng tinh thần yêu nước của các thế hệ người dân miền Tây.
Đỗ Hoàng