Gần đây, chiếc cổng hoa mai ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang là chủ đề được bàn luận nhiều trên các diễn đàn du lịch phía Nam. Nó được tạo thành từ hai cây mai có tuổi đời hơn 30 năm. Ông Bảnh, chủ nhà, uốn các cành mai cong vòm cung tạo thành chiếc cổng chính. Cứ đến mùa xuân, cây trổ bông vàng rực, thu hút ánh nhìn của người qua lại.

Cổng mai vàng ngày Tết ở An Giang.
Mai vàng nhiều tuổi, nở rực rỡ đã quá phổ biến ở An Giang nhưng cổng cây mai thì rất hiếm. Tuy cây mai mọc tự nhiên ngoài đất, không tốn nhiều công chăm bẵm nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng miền Tây nhưng ông Bảnh phải bỏ ra hơn chục năm tạo hình, uốn cành hai cây mai này. Đặc trưng của mai là phần gốc lớn, cành nhỏ vươn ra xung quanh, tạo thành tán rộng. Do đó, rất khó để các cành phát triển về cùng phía, gom gọn lại rồi đan xen vào nhau thành vòm cung.
Từ hai cây mai con, ông Bảnh trồng đến khi trưởng thành với chiều cao tầm 2 mét rồi mới bắt tay vào công đoạn uốn cành, cách đây khoảng 10 năm. Nay chiếc cổng đã cao gần 6 mét. Những tháng trong năm, lá cây xanh mướt. Tới tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), gia đình ông Bảnh sẽ bắt đầu lặt (trút) hết lá mai để cây kịp trổ bông vào đúng Tết Nguyên đán. Chủ nhà nói thêm hai gốc mai này đã gắn với ba thế hệ gia đình nên ông chỉ trồng cho vui nhà vui cửa, không bán dù nhiều người hỏi mua.

Du khách chụp ảnh với cổng mai vàng rực.
Hoa mai sau khi nở rất dễ rụng, chỉ cơn gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm cánh hoa bay lất phất vào đến tận thềm nhà ông Bảnh. Khắp nơi đều là cánh mai vàng. Hoa nở từ trước Tết Âm lịch vài ngày, kéo dài khoảng 2-3 tuần là tàn. Những ngày Tết, ai đi ngang qua đều muốn dừng chân check-in cổng mai. Chủ nhà thân thiện. Du khách thoải mái tạo dáng, chụp ảnh. Bên cạnh hai cây mai làm cổng, ông Bảnh trồng thêm vài cây mai khác dọc đường, tạo thành một hàng rào vàng rực rỡ vào mùa xuân.

Phía trước cổng mai.
Vi Yến
Ảnh: Trần Việt Dương