Thời con gái, chị Thúy Vân, sinh năm 1989, chỉ biết cắm cơm và rửa bát. Chị quan niệm, phụ nữ không nhất thiết biết nấu nướng, giống như cánh đàn ông chẳng phải ai cũng giỏi chữa đồ điện. Năm 2015, chị Vân lên xe hoa cùng người đàn ông chị cho là "dễ tính nhất thế giới". Thấy vợ lúng túng chuyện bếp núc, chồng chị Vân động viên: Em không cần nấu ăn ngon, em biết những nơi bán đồ ăn ngon là được!
"Nghe anh nói thế tôi thấy bớt áp lực, nhưng không vì thế mà chủ quan. Tính tôi 'sĩ' lắm. Tôi quyết ủ mưu khiến chàng phải tâm phục, khẩu phục", chị Thúy Vân nói.
Bà mẹ một con bắt đầu hành trình học nấu ăn của mình bằng cách tham gia các hội, nhóm chia sẻ kinh nghiệm bếp núc trên mạng xã hội. Chị chụp ảnh các công thức chế biến đơn giản và đẹp mắt để lưu lại, khi cần mang ra dùng. Chị Vân thường xuyên gọi điện cho mẹ và chị dâu để tham khảo bí quyết. Đôi lúc, người vợ trẻ dành hàng giờ trong bếp để tự học cùng "thánh Google".
Những món ăn đầu tay của chị Vân là các loại bánh đơn giản như cupcake, bánh quy. Khi tự tin hơn, bà mẹ một con thử sức với bánh gato, bánh cheese và các loại đồ tráng miệng kiểu Tây. Từ những bữa ăn giản dị hàng ngày, chị Vân "nâng cấp" thành món nhậu cho ông xã. Mỗi ngày, chồng chị Vân lại nhận được những bất ngờ mới từ vợ.
Chị Thúy Vân kể, một lần chị ăn món chè khúc bạch ngoài hàng, thấy ấn tượng nên nhân dịp mẹ chồng vào chơi, chị quyết định trổ tài. Người vợ trẻ lên mạng tìm công thức tự làm rồi hớn hở khoe: "Tối nay con đãi mẹ món chè này ngon lắm". Vì nhà chỉ còn một ít bộ gelatin, chị Vân tận dụng làm thạch khúc bạch nhưng do liều lượng chưa đủ nên thạch không đông. Đến tối, cả nhà háo hức chờ đợi ăn chè của nàng dâu nhưng chỉ được thưởng thức món nước trắng trắng, ngộ ngộ, béo béo.
"Đây là một kỷ niệm vui khiến tôi nhớ nhất trong quá trình học nấu ăn của mình. Sau bài học ấy, tôi cẩn trọng hơn khi thêm bớt nguyên liệu, gia vị. Mình chỉ nên biến tấu khi thực sự hiểu món ăn và công thức. Còn mới bắt đầu, tốt hết hãy tuân theo công thức để có một bữa ăn 'an toàn' nhất", bà mẹ một con chia sẻ.
Chị Vân tâm sự, cả anh và chị đều có chung quan điểm, bữa ăn là phần thưởng cho những thành viên trong nhà sau một ngày đi làm, đi học vất vả. Khi chuyển sang nhà mới, chồng chị Thúy Vân dành nhiều diện tích để thiết kế tặng vợ căn bếp rộng, thoáng cho chị thỏa sức sáng tạo các món ăn. Người vợ trẻ chưa từng cảm thấy việc bếp núc là áp lực bởi lúc chị mệt, ông xã sẽ thay vợ vào bếp hoặc cả nhà cùng nhau ra ngoài dùng cơm.
Công việc của chồng chị Vân thường xuyên phải ra ngoài tiếp khách. Muốn anh về nhà cùng ăn tối, chị hay nấu nướng xong xuôi rồi chụp hình gửi cho chồng. Đôi lúc, chị Vân sử dụng ứng dụng trên điện thoại, thiết kế một thực đơn vui mắt thay cho tin nhắn khô khan "Khi nào anh về?", "Anh đã xong chưa?", "Anh có ăn cơm nhà không?"
"Tôi nghĩ, người đàn ông yêu thương vợ, biết cô ấy ở nhà mong ngóng bên mâm cơm tươm tất khắc sẽ tìm cách về sớm hoặc nhắn tin nếu về muộn", chị Vân nói.
Từ khi chị Thúy Vân nấu nướng "lên tay", chồng chị thường mời bạn bè, đối tác về nhà ăn cơm, thay vì ra quán. Bạn bè chồng chị Vân hay khen chị nấu ngon, nhiều người thích thú với cách chị trình bày món ăn như một bức tranh nghệ thuật. Nhiều lúc, ông xã chị Vân bị bạn bè trêu rằng muốn bỏ vợ cũng khó vì hễ "dứt áo ra đi" lại tiếc những bữa cơm ngon.
"Có nhiều chị em sau khi lập gia đình truyền tai nhau muôn vàn cách giữ chồng nhưng với trải nghiệm của riêng tôi, nấu ăn ngon cũng là một trang sức khiến phụ nữ trở nên thật quyến rũ. Ra đường thì đẹp, về nhà lại nấu ăn ngon. Chắc hẳn không chỉ đàn ông mê mà chính mình cũng hài lòng về bản thân lắm", chị Thúy Vân hạnh phúc chia sẻ.
Xem thêm: Những món ăn được trình bày đẹp mắt của chị Thúy Vân
Lam Trà