Một năm trước, CEO Susan Wojcicki đã bước lên sân khấu để biện hộ cho YouTube.
Công ty của bà trải qua nhiều tháng chịu chỉ trích làm bệ phóng thông tin sai lệch và thuyết âm mưu. Wojcicki, một người ngần ngại đứng trước công chúng, xuất hiện tại hội thảo Austin (Mỹ) tháng 3/2018 và đề nghị một giải pháp: gắn đường dẫn wikipedia chứa thông tin xác thực với mỗi video kiểu suy diễn để người xem có sự tham khảo.
Wojcicki ví nền tảng video 16 tỷ USD doanh thu mỗi năm "như một thư viện". "Luôn có điều gây tranh cãi, với những gì đọc được ở thư viện", bà nói.
"Thư viện" đồ sộ mà Wojcicki cai quản do những người xuất bản chịu ít trách nhiệm xác thực nội dung đóng góp, họ được phép "nhảm". Nhưng vấn đề ở chỗ YouTube thịnh hành hóa cái "nhảm". Trong một số trường hợp, nhờ hệ thống AI mạnh mẽ, họ thúc đẩy sự lan truyền của chúng.

Giám đốc điều hành YouTube - Susan Wojcicki - tại sự kiện SXSW tháng 3/2018. Ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.
Những năm gần đây, nội bộ YouTube và Google (công ty mẹ) đã lo ngại việc nội dung lệch lạc, kích động và độc hại trải rộng nền tảng video lớn nhất toàn cầu. Người đề nghị gắn cờ "video gây rối" nhằm không gợi ý tới người xem; nhân viên khác muốn lập bảng theo dõi sát xem chúng lan tràn đến đâu hoặc phân vùng kinh doanh riêng. Họ nhận chung câu trả lời: Đừng gây xáo trộn.
"Quan điểm của bà ấy: 'Việc của tôi là điều hành doanh nghiệp, không phải đi lo chuyện khác'", một cá nhân từng làm việc cho Wojcicki kể. Khoảng 20 người khác đã hoặc đang làm việc tại YouTube trả lời nặc danh Bloomberg, cho hay một nền quản trị tại đó không có khả năng hoặc không sẵn lòng hành động trước vấn đề nội dung báo động.
Theo họ, công ty nhiều năm qua theo đuổi một mục tiêu xếp trên những mục tiêu khác: tương tác cao. Bằng số lượt xem, thời gian xem, phản hồi với các video.
Trái lại, người phát ngôn của YouTube phủ nhận. Cô cho biết Wojcicki không ngó lơ và công ty không đặt tương tác trên hết. "Chúng tôi đã thi hành một loạt biện pháp, gồm cập nhật hệ thống gợi ý video tránh lan thông tin có hại, cải thiện trải nghiệm tin tức trên YouTube, đưa đội xử lý nội dung trong Google lên 10.000, đầu tư cho 'máy học' (một nhánh của AI) phát hiện và gỡ video vi phạm nhanh hơn, cập nhật 30 điều khoản chỉ trong năm 2018... Trách nhiệm là ưu tiên số một của chúng tôi", người phát ngôn chia sẻ.
Nhưng tại Mỹ, dịch sởi đang bùng phát mạnh, với một trong những động lực giới chức y tế đổ lỗi là công cụ truyền thông mạng. Thông tin vắcxin dẫn đến tự kỷ (mà nghiên cứu lớn của Đan Mạch đã phủ nhận) được tung lên các mạng xã hội, gồm YouTube. YouTube để cho phong trào chống vắcxin tiếp cận 170 triệu người xem, theo dữ liệu của Moonshot CVE – một hãng nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan có trụ sở tại London. Không những thế, người xem được "nạp" tiếp thuyết âm mưu khác từ các video gợi ý thêm.
YouTube thuê Micah Schaffer viết chính sách trang năm 2006, lúc sắp được Google thâu tóm. Anh này cho biết những năm đầu, video tuyên truyền kiểu "mối hiểm nguy của tiêm chủng vắcxin" sẽ bị giới hạn nghiêm ngặt hoặc gỡ toàn bộ mà khỏi phải nghĩ nhiều. Schaffer nhớ lại hồi xuất hiện các video cổ xúy chứng "bỏ bữa do ám ảnh thừa cân", đội kiểm duyệt YouTube đã nổi giận và bắt tay lùng sục từng clip để đặt giới hạn tuổi, cắt gợi ý hoặc gỡ. Chúng "đe dọa sức khỏe của người dùng", Schaffer lý giải.
Năm 2009, Google siết chi phối YouTube, mọi chuyện đã khác. Họ nhồi các lãnh đạo kinh doanh của mình vào đây, nhắm tới tăng trưởng bùng nổ. Đến 2012, YouTube kết luận người xem càng nhiều, càng chạy được nhiều quảng cáo, và rằng việc gợi ý video kế tiếp trong hoặc sau mỗi video đang chiếu là biện pháp kéo dài thời gian xem. Công ty đặt mục tiêu 1 tỷ giờ xem trên trang mỗi ngày. Năm 2014, lúc Wojcicki tiếp quản ghế điều hành, họ đi được một phần ba chặng đường, và tháng 10/2016, hoàn thành mục tiêu. "1 tỷ giờ xem hàng ngày sẽ là ngôi sao dẫn đường cho giới công nghệ", Wojcicki nói.
YouTube không đưa ra công thức chính xác cho tính "viral" của mình. Nhưng trên hành trình 1 tỷ giờ của họ, một đẳng thức đã nổi lên: Gây phẫn nộ tương đương tạo được chú ý. "Càng kích động, càng nhiều view", Brittan Heller, một chuyên gia công nghệ và nhân quyền tại Harvard, phát biểu.

YouTube với cơ chế gợi ý video kéo dài thời gian xem của người dùng. Đồ họa: Graham Roumieu/Bloomberg.
Người nội bộ YouTube biết rõ cơ chế nói trên. Qua nhiều năm, họ đã tranh luận nảy lửa về video thuộc nhóm "viral bẩn". Các đề xuất bị gạt đi, nhiều nhân viên thấy không việc gì phải thay đổi cách phần mềm vận hành, cơ chế gợi ý video được đẩy mạnh vì là "cỗ máy làm tiền".
Phát ngôn viên của YouTube quả quyết rằng từ năm 2016, công ty đã thêm tham số "trách nhiệm xã hội" vào thuật toán gợi ý của mình. Trong đó bao gồm nút "dislike" bên cạnh "like" dưới mỗi video. Tuy nhiên, YouTube không nói tác động được bằng nào.
Tháng 11/2017, YouTube có một động thái quyết liệt mà các chủ kênh gọi là "Cuộc thanh trừng". Trên 50.000 kênh YouTube bị cắt quảng cáo chỉ sau một đêm. Nhưng động thái đến sau khi YouTube bị một loạt nhà quảng cáo tẩy chay, bắt nguồn từ bê bối "Toy Freaks" – một kênh có ông bố đăng các video hai con gái nôn mửa hoặc trải qua đau đớn tột độ. Kênh này thản nhiên hoạt động đến khi có hơn 8 triệu người đăng ký theo dõi và sở hữu video lọt top 100 xem nhiều nhất.
Một cựu nhân viên YouTube cho biết tạo đất sống cho video gớm ghiếc là một "bí mật công khai" trong công ty, với lý do bảo vệ tự do ngôn luận.
YouTube, trên thực tế, có đổ nhiều tiền đối phó với vấn đề nội dung. Họ thuê hàng nghìn người kiểm tra các video vi phạm điều khoản trang hay không. Tuy nhiên, nội bộ tiết lộ các chỉnh sửa dưới tay đội giám sát nội dung YouTube thường chậm trễ hoặc chẳng là gì so với phạm vi vấn đề. YouTube cũng loay hoay với việc truyền đạt tầm nhìn tới dư luận, nhà đầu tư và đôi khi, nhân sự của họ. 5 cán bộ cấp cao rời YouTube và Google hai năm qua, với chung lý do: nền tảng thất bại trong việc kìm hãm các video cực đoan và gây hại.
Trong khi đó, Patrick Copeland, một cựu giám đốc tại Google thôi việc năm 2016, vừa qua đăng một bản luận tội công ty cũ trên trang tuyển dụng cá nhân. Ông kể khi lên YouTube, con gái mình được gợi ý cho xem video có nhân vật Bạch Tuyết, nhưng với cách vẽ gợi dục, và một con ngựa đang giao cấu. "Hầu hết các công ty sẽ sa thải nhân viên nào xem thứ video đó ở chỗ làm", ông viết. Copeland, người làm việc cho Google 10 năm, đi đến quyết định khóa tên miền YouTube.com. "Không thể tin được!", ông sửng sốt.
Thanh Tùng (Theo Bloomberg)