"Thử thách Momo" là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây sau các bài viết về những em bé đột nhiên có biểu hiện khác thường và nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc xem video chứa hình ảnh Momo. Theo The Sun hôm 28/2, cô bé Callie Astill, 7 tuổi, sống tại Anh thường xuyên có những biểu hiện lạ như đờ đẫn, không dám đi vệ sinh một mình, la hét đòi về nhà, thậm chí tự đập đầu vào tường dù trước đó Callie rất ngoan. Chị Victoria Tuner, mẹ của bé, lúc đầu cho rằng con gái bị bắt nạt nhưng sau đó đã trở nên vô cùng lo lắng khi nghe bé tâm sự về nỗi sợ hãi với quái vật Momo xuất hiện trong các video trên YouTube Kids.
Cùng thời điểm này, một bà mẹ người Philippines đã đổ lỗi cho "Thử thách Momo" khiến đứa con 11 tuổi của chị tử vong vì dùng thuốc quá liều. Paula Bautista cho hay, một cuộc kiểm tra nhanh trên điện thoại của con trai cô đã tiết lộ những cuộc trò chuyện có nội dung tiêu cực với bạn cùng lớp về trò chơi tự tử; lịch sử tìm kiếm trên điện thoại cũng bao gồm các thử thách trực tuyến mà "Thử thách Momo" là một trong số đó.
"Có thử thách yêu cầu bạn phải trèo lên nóc nhà", Paula nói với GMA News.
Những thông tin này đang làm "sôi sục" trong phụ huynh trên toàn thế giới. Bộ giáo dục Singapore hôm 28/2 thậm chí phải đưa ra khuyến cáo: "Phụ huynh và người giám hộ cần giao tiếp cởi mở với con, giáo dục con về hành vi trực tuyến, theo dõi những gì con truy cập trên mạng và giúp con hiểu rằng cha mẹ, người giám hộ là những đối tượng quan trọng mà con có thể tin tưởng để chia sẻ cảm giác không thoải mái, bị ép buộc hoặc không an toàn".
'Thử thách Momo' là gì?
"Thử thách Momo" được cho là một trò chơi ảo trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp và các nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube. Điểm liên lạc ban đầu sẽ thông qua WhatsApp, nơi đứa trẻ sẽ được hướng dẫn ("thử thách") làm việc tự hại mình. Momo, nhân vật có mắt giống con bọ, được cho là sẽ buông những lời nguyền với trẻ nếu chúng không thực hiện thử thách.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông như BBC, Forbes, Rolling Stone và trang web kiểm tra tính xác thực Snopes đều cho rằng đây là một trò lừa bịp, không có đủ bằng chứng để chứng minh thách thức tồn tại.
Google, công ty mẹ của YouTube, cũng đưa ra một tuyên bố, nói rằng họ "không thấy bằng chứng nào gần đây về các video quảng cáo 'Thử thách Momo' trên YouTube".
Theo công ty bảo mật không gian mạng toàn cầu Kaspersky Lab, "Thử thách Momo" đã bị cắt xén ở các quốc gia khác nhau trong gần một năm nay. Công ty thậm chí đã viết về nó trong blog của mình và tháng 8/2018.
Trong một tuyên bố được cung cấp cho SmartParenting, David Emm, nhà nghiên cứu bảo mật chính của Nhóm phân tích nghiên cứu toàn cầu thuộc Kaspersky Lab, nói rằng Momo "không phải là mối đe dọa thực sự về việc lây nhiễm, hoặc làm hỏng thiết bị công nghệ hay tìm cách đánh cắp thông tin".
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định đây là một trò đùa độc hại, có ý định gây sốc và làm rối loạn dư luận. Khi chúng được truyền thông thổi phồng, nhiều người sẽ bị "cám dỗ" để tiếp tay cho trò đùa ác ý, đi dọa nạt bạn bè và đáng lo ngại hơn là quấy rối người khác.
Trò đùa độc hại là lời nhắc nhở về việc sử dụng Internet một cách an toàn
Lừa bịp hay không, "Thử thách Momo" đại diện cho một mối đe dọa mà các gia đình phải tìm cách chống lại: Kiểm soát thời gian lên mạng. (Một nghiên cứu cho thấy cha mẹ của thanh thiếu niên và thanh thiếu niên "dán" mắt vào màn hình ít nhất là trong cùng một khoảng thời gian bằng nhau). Cha mẹ cần cảnh giác và sáng suốt, đặc biệt là khi nói đến việc sử dụng tiện ích của trẻ nhỏ.
Emm cho biết thêm: "Chúng tôi cần duy trì liên lạc chặt chẽ với thế giới trực tuyến của con chúng tôi và đối thoại cởi mở là cách bảo vệ tốt nhất chống lại các nội dung độc hại, các mối đe dọa trên mạng, cũng như không chấp nhận/mở bất kỳ nội dung nào từ nguồn không xác định".
Emm chỉ ra rằng việc thường xuyên nói chuyện với trẻ em về những điều cơ bản của an toàn Internet trước khi phát hiện bất kỳ mối nguy hiểm nào có vai trò quan trọng. Lời khuyên của Kaspersky Lab là:
- Nói chuyện để giúp con biết thế nào là an toàn trực tuyến. Đồng ý cho con truy cập các trang web phù hợp và đảm bảo con hiểu lý do của bạn. Con cũng cần biết rằng chúng có thể - và nên - tâm sự với một người lớn đáng tin cậy nếu gặp phải điều gì đó khó chịu khi online.
- Hãy chắc chắn rằng con bạn hiểu chúng không nên "kết bạn" với bất kỳ ai trực tuyến mà chúng không biết trong đời thực. Chúng không nên thêm các số liên lạc lạ vào danh bạ. Hãy giải thích cho con rằng mọi người lên mạng không phải lúc nào cũng trung thực cho biết họ là ai và họ muốn gì.
- Kích hoạt cài đặt an toàn. Chế độ tự động phát (play) nên được tắt và dưới sự kiểm soát của phụ huynh. Nếu có thể, hãy "khóa" những nội dung không phù hợp với trẻ em.
- Sử dụng tính năng tắt tiếng, chặn và báo cáo. Những thứ này sẽ bảo vệ trẻ khỏi những nội dung có hại.
- Hãy hướng dẫn con không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại và địa chỉ với người mà chúng không biết.
Parentzone, một trang web an toàn trên internet ở nước Anh, cho biết cách tốt hơn cả để bắt đầu cuộc thảo luận là hỏi trẻ xem chúng có gặp phải bất kỳ điều gì khó chịu khi lên mạng không.
Theo SmartParenting