Bộ Y tế xác định 7 trẻ tử vong tại Cao Bằng đều dưới 6 tháng tuổi dương tính với virus Coxsackie - một loại virus đường ruột có thể gây biến chứng nặng.
Số ca ghi nhận tại 3 xóm Tổng Ngoảng, Tổng Chảo, Nà Kiềng thuộc xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, các bé từ 2 đến 22 tháng tuổi bị bệnh nghi viêm não. Bệnh nhân đầu tiên có dấu hiệu khởi phát ngày 20/4 và tử vong ngày 21/4, đến nay đã có tổng cộng 7 trẻ tử vong.

Khi thấy trẻ co giật mới đưa đến bệnh viện là quá muộn. Ảnh minh họa: Thiên Chương
Ghi nhận diễn tiến bệnh cho thấy các bé có biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, nôn ói và đi ngoài phân lỏng. Khi trở nặng, các bệnh nhi co giật, li bì và tử vong. Nguyên nhân tử vong do bệnh tiến triển nhanh, diễn biến nặng, người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn.
Để phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa nói chung, do virus Coxsackie nói riêng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đồng thời, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Nhận định về các trường hợp tử vong, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), người có hơn 30 năm kinh nghiệm về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ cho rằng, virus Coxsackie có thể gây nhiều bệnh nhưng không thể gây tử vong.
"Có thể các bé mắc thêm những loại bệnh khác, hoặc bị muỗi đốt, hoặc nhiễm virus khác. Điều cần nhất mà các phụ huynh phải thực hiện là khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường như khóc quấy, sốt kéo dài, bỏ bú, nôn ói thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Trường hợp co giật mới nhập viện thì đã quá muộn", ông Khanh khuyến cáo.
Cũng theo ông Khanh, đối với những trường hợp diễn tiến nhanh dẫn đến tử vong, rất có thể các bé đã mắc chứng viêm não. Với viêm não, bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên chứ không chỉ do virus Coxsackie. "Điều cần thiết nhất vẫn là không nên chủ quan khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường".
Với 7 trường hợp tử vong ở Cao Bằng, theo đoàn công tác của Bộ Y tế, địa phương mà các bé sinh sống là xã miền núi thuộc vùng sâu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người sinh sống. Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc H’Mông có phong tục tập quán rất lạc hậu và có điều kiện vệ sinh kém, khi có người đau ốm thường không đưa đến cơ sở y tế mà để ở nhà và mời thầy mo đến cúng, bái chữa bệnh. Tất cả các ca tử vong đều nhập viện khi bệnh đã quá nặng.
Thiên Chương