Trong khi virus Zika từ muỗi vằn đang khiến cả thế giới quan tâm bởi bị cho là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến não người thì thực tế cho thấy sốt xuất huyết, sốt rét và viêm não Nhật Bản còn là những bệnh từ muỗi có khả năng tử vong còn cao hơn.
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn Aedes Aegypti
Sốt xuất huyết dẫn đầu danh sách tử vong của nhóm bệnh do muỗi truyền sang người. Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ riêng năm 2015, cả nước có hơn 80.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có hơn 50 người tử vong. Tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp ở những tháng đầu năm 2016.
Sốt xuất huyết là bệnh do virus 4 chủng virus gây bệnh, người bị mắc bệnh do chủng virus này vẫn có thể mắc bệnh nếu bị nhiễm phải loại virus ở chủng khác. Bệnh lây từ người sang người và vật truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypti và Aedes albopictus mà Aedes Aegypti là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vốn có nhiều ở Việt Nam.
Muỗi có thân hình nhỏ, chân và thân có vằn trắng đen nên được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn có đặc tính chỉ sống ở những nơi nước tù đọng và thường sống ở những vật chứa nước sạch ở quanh nhà. Loại muỗi này chỉ đốt người vào ban ngày, không gây đau và không có nọc độc. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh Zika.
Trước đây sốt xuất huyết thường gây bệnh cho trẻ nhưng những năm trở lại đây, tỷ lệ người lớn mắc bệnh ngày càng tăng. Biểu hiện ban đầu là sốt kéo dài trên 2 ngày, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài cả tuần, một số trường hợp hết sốt nhưng sau đó lại trở nặng. Dấu hiệu nhận biết ở những trường hợp nặng là xuất huyết (dạng nốt đỏ trên da hoặc chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...). Những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể suy đa cơ quan, sốc và tử vong.
Chưa có thuốc đặc trị, bệnh nhân sốt xuất huyết chủ yếu được điều trị triệu chứng. Hiện vaccine phòng bệnh chưa phổ biến, chính vì thế cách dự phòng duy nhất vẫn là không để bị muỗi vằn đốt và đến bệnh viện sớm nếu nghi ngờ mắc bệnh.
Sốt rét do muỗi đòn xóc Anopheles truyền bệnh
Dù Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế được bệnh này, song theo các bác sĩ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sốt rét vẫn còn lưu hành ở một số tỉnh thành.
Sốt rét do ký sinh Plasmodium gây nên và vật chủ trung gian mang ký sinh trùng truyền bệnh cho người là muỗi Anopheles. Trên thế giới có khoảng 420 loài nhưng trong đó có 70 loài là trung gian truyền bệnh sốt rét cho người trong điều kiện tự nhiên. Ở Việt Nam cho tới nay đã phát hiện được 59 loài Anopheles, trong đó có 15 loài được xác định là trung gian truyền bệnh chính, trong đó có sốt rét. Hiện nay Việt Nam lưu hành cả 4 loại ký sinh trùng, nhưng hay gặp là P.falciparum và P.vivax, trong đó P.falciparum thường gây bệnh cảnh sốt rét ác tính.
Bằng mắt thường, muỗi đòn xóc gây bệnh sốt rét có chân dài, thân gầy, màu xám pha vàng hoặc màu xám đen, vòi đốt dài. Khi đốt thên hình muỗi gần như cắm thẳng đứng, do có nọc độc nên muỗi đốt đau, sau đó da có thể ngứa và sưng to hơn các loại muỗi khác.
Nếu nhiễm ký sinh trùng và mắc bệnh, biểu hiện thường thấy là khó chịu, ớn lạnh, mỏi người nhừ người. Thời kỳ ủ bệnh là thời gian tính từ khi bị muỗi đốt đến khi có biểu hiện lâm sàng đầu tiên. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài trung bình 12 ngày đối với P.falciparum, 14 ngày đối với P.Vivax, 28 ngày đối với P.malariae và 17 ngày đối với P.ovale.
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú, phó khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính khoảng 10%. Để tránh biến chứng do sốt rét ác tính, những người sống hoặc đi qua các khu vực trên, sau đó nếu ớn lạnh, rét run, sốt nhanh, ra mồ hôi, thì phải lập tức đến cơ sở y tế khám. Người bệnh cần nêu rõ nghi ngại của mình để bác sĩ không chẩn đoán nhầm và có hướng tư vấn điều trị đúng.
Bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi cỏ Culex gây nên
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, viêm não Nhật Bản do siêu vi trùng viêm não Nhật Bản gây nên. Ở bệnh này, tình trạng nhiễm trùng cấp tính sẽ gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh gặp nhiều ở trẻ dưới 15 tuổi và nhiều nhất ở lứa tuổi 2 - 6 (chiếm 75%).
Nguyên nhân trẻ bị truyền siêu vi trùng gây bệnh là do muỗi đốt. Culextritaeniorhynchus và Culex vishnui là hai loài muỗi có thể truyền bệnh. Đây là loại muỗi cỏ, thường đốt vào ban đêm và có nhiều ở nông thôn. Quá trình truyền bệnh khởi đầu từ các ổ chứa vi trùng mà lợn là động vật đóng vai trò chính. Khi hai loại muỗi trên đốt lợn có mầm bệnh rồi đốt sang trẻ thì nhiều khả năng trẻ sẽ bị mắc bệnh.
Trong khu vực ôn đới của châu Á, sự lan truyền thường bùng phát vào mùa hè và mùa thu. Trong vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới, sự lan truyền bệnh có thể xảy ra quanh năm, thường lên đỉnh cao trong mùa mưa. Triệu chứng thường thấy khi bị mắc bệnh là sốt, đau đầu và nôn mửa. Thay đổi tâm trạng, triệu chứng thần kinh, suy nhược, rối loạn vận động có thể phát triển trong một vài ngày. Động kinh là triệu chứng ở trẻ em.
Không có phương pháp điều trị cụ thể có hiệu quả cho bệnh nhân, các bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng, bao gồm chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét… 20 - 30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong. Mặc dù một số triệu chứng cấp tính được cải thiện song vẫn có 30% -50% những người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức, hoặc triệu chứng tâm thần. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine và phòng muỗi đốt.
Thiên Chương