Hoàng Yến Anh
- Bố là xe ôm của đời con.
- Kiếm yêu thằng nào nó làm xe ôm cho mày ấy!
- Hem, bố được rồi.
Con tình cờ đọc được đoạn hội thoại kia trên một bức ảnh ông bố lái xe chở cô con gái phía sau. Cô gái ôm chặt bố và thì thầm. Rồi tự nhiên con mỉm cười. Không hiểu sao xem bức hình đó xong con lại nhớ bố thế cơ chứ! Hồi xưa bố cũng hay chở con trên chiếc xe đạp lọc cọc, tuổi thơ vẫn in đậm trong ký ức.
Lúc con về Việt Nam thăm bố, con vẫn chưa biết đi xe máy, bố luôn phải chở con về quê thăm bà. Con ngồi sau bố cũng thì thầm những lời tương tự thế. Bố thì thầm lại: “Lừa thằng nào đi con, nó làm xe ôm cho. Không lẽ cứ bắt bố làm xe ôm cả đời cho sao?”. Con cười to: "Dạ vâng, chừng nào bố chưa tập cho con đi xe máy thì chừng đó, con vẫn chỉ muốn ngồi sau xe bố thôi. Sau này lấy chồng, con thích ngồi ở ghế phụ hơn cơ bố ạ“. Bố không biết phải trả lời con như thế nào nên đành yên lặng, còn con thì cứ khúc khích cười sau lưng bố, kể cho bố nghe chuyện trên trời dưới biển, chuyện mùa hè năm nào bố đèo con phía sau khi cả hai về Cẩm Thủy để lấy thuốc.
Khi nhìn thấy những chú vịt lon ton chạy từng đàn qua đường và trâu bò thì hùng dũng hiên ngang đi giữa đường, con không nhịn nổi cười. Những hình ảnh đó châu Âu làm gì có. Thấy con cứ khúc khích cười hoài phía sau lưng, bố cũng phải bật cười. Thi thoảng bố lại quay lại hỏi có đau lưng không con vì bố biết con ngồi xe máy không quen nên không ngồi lâu được, mà đường thì đầy những ổ gà từ lớn đến nhỏ. Những kỷ niệm đó với bố dù ngắn ngủi nhưng vẫn khiến con nhớ mãi. Con yêu và trân trọng những khoảnh khắc mà mình từng có trong một tháng năm nào đó của quá khứ và từ đó, cứ bám víu vào nó để tự an ủi và động viên mình trong những ngày chống chếnh, chênh vênh.
Mẹ nói lúc hai chị em con chào đời, nhà mình nghèo lắm. Đồng lương công an ba cọc ba đồng của bố hồi đó không đủ để nuôi cả nhà, mẹ sau khi mổ tim vì yếu nên phải nghỉ luôn công việc giảng dạy ở trường và làm đủ mọi việc. Cả gia đình bên nội, ai cũng khen bố sướng thì lấy được vợ vừa đảm, vừa xinh còn gia đình bên ngoại thì ai cũng bảo bố hiền và thương vợ, thương con. Đôi khi con vẫn nghĩ, nếu không có bố, có lẽ mẹ sẽ không bao giờ có thể chiến thắng được bệnh tật và chị em con sẽ không bao giờ có được như ngày hôm nay.
![]() |
Tuổi thơ con lớn lên trong sự dìu dàng và chở che của bố. Con nhớ những ngày học cấp một, hôm nào học buổi chiều hai chị em con cũng phải đi bộ gần hai cây số để tới trường. Con sợ nhất là những ngày không được bố đón đưa vì đó là những ngày con luôn bị các anh chị lớp trên chặn đường và đòi phấn. Họ dọa con nếu không đưa hết phấn cho họ thì họ sẽ đánh và hình ảnh đó cứ ám ảnh hoài trong ký ức con.
Lúc con kể cho bố nghe, bố bảo lần sau các anh chị ấy là dọa thì con cũng "dọa" lại là: "Bố em là công an đấy“. Con đem chiêu đó đi áp dụng và dọa: "Nếu anh chị mà bắt nạt em, em sẽ bảo bố đưa vào đồn công an đấy“. Thế là từ đó, chị em con tự do đi học về nhà mà không phải sợ hãi. Hôm nào bố không phải trực thì bố đón chị em con ở cổng trường, hai đứa ngồi sau lưng bố trên chiếc xe đạp lọc cọc và cười khúc kha khúc khích. Những tháng năm tuổi thơ sao đẹp và hồn nhiên quá đỗi.
Sau này nhà mình chuyển lên thị trấn, con chỉ cần băng qua đường là có thể tới trường, nhưng con cứ nhớ hoài căn nhà cũ. Lần nào về quê nội, đi qua căn nhà cũ, con cũng đều nhìn vào và tự hỏi không biết chủ căn nhà này sống thế nào. Họ có nuôi lợn không hay sẽ bỏ trống cái chuồng lợn đó? Cây đinh lăng trước nhà họ có giữ lại không hay sẽ bỏ? Vô vàn câu hỏi cứ xoay tròn trong con và bố luôn luôn tự nghĩ ra câu trả lời. Con đã luôn tin những điều bố nói. Trong suy nghĩ của con từ nhỏ đến lớn thì bố luôn nói thật. Bố không bao giờ nói dối các con của mình.
Tình thương của bố dành cho con lúc nào cũng thật đặc biệt. Bố không trực tiếp dạy con bằng những lời nói như mẹ, nhưng tất cả những điều bố làm đã thay cho những yêu thương không nói được thành lời. Bố đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và làm tất cả những việc mà con gái lười không chịu làm. Lúc còn nhỏ, bố hay bảo vệ hai chị em trước những trận đòn của mẹ. Bố hay bảo mẹ: "Đẻ nó ra rồi đánh nó thì đẻ làm gì“. Những ngọn roi của mẹ đã giúp con và em trở thành những người tử tế, nhưng những lời bố nói, bố dạy thì có lẽ cả cuộc đời này con sẽ mãi chẳng quên.
Khi cơ quan cho bố đi tu nghiệp, bố đã từ chối. Bố nói bố không ngại khó, ngại khổ mà điều bố nghĩ tới đó là các con và mẹ. Vậy nên, bố quyết định ở lại bên gia đình. Nhưng ngày để con bước chân lên phi cơ bay xa tới một bầu trời mới, đã bao lần bố phải nuốt nước mắt vào trong. Trong những lá thư bố viết, bố vẫn thường nhắc về những mùa đông và những cơn gió lạnh.
Hình ảnh đứa con gái yêu một mình bước đi trong bão tuyết luôn khiến bố đau lòng, nhưng lúc nào bố cũng tin vào sức mạnh của một tâm hồn non trẻ nơi con. Lời bố dặn hơn mười năm về trước trong lá thư viết bằng tay vội vã vẫn luôn tồn tại từng ngày trong ký ức của con: "Con thân yêu! Biết rằng sức lực, tài năng con người là có hạn. Để chinh phục đỉnh cao là cả một quá trình. Con hãy bước, bước đi từng bước vững chắc. Bố tin con có thể làm được. Hãy dũng cảm lên con“.
![]() |
Nhiều năm đã trôi qua với những bước chân lúc thấp lúc cao, con bây giờ đã lớn, đã có thể tự mình bay trên đôi cánh nhỏ, nhưng mỗi lần hạ cánh dưới bầu trời quê hương trong vòng tay của bố, con lại thấy mình nhỏ bé như cô gái mười lăm năm nào luôn thích rúc vào nách và sờ ti bố. Đọc lại những dòng nhật ký cũ trong những ngày con về thăm bố hồi hè năm ngoái, lòng con lại thấy ấm áp và trái tim con lại đập nhanh từng hồi.
"Ngày…
Con gái ngủ trưa dậy nằm nghêu ngao hát trong phòng khách, thấy bố đi qua con gái gọi lại bảo: 'Bố ơi, bố nằm đây với chị em con'. Bố giọng rất hùng hậu: 'Người ta còn phải làm việc, nằm sao được mà nằm'. Con gái không nói gì, quay sang phá đám cậu em đang nằm cạnh. Năm phút sau ngoảnh lại, đã thấy bố nằm trên ghế sofa bên cạnh tự khi nào".
"Ngày…
Thích nhất trong những ngày ở nhà là sáng nào bố cũng chờ con gái ngủ dậy rồi hai bố con sang nhà cô Dung ăn sáng. Từ lúc con gái ở nhà, bố không bao giờ đi ăn sáng một mình. Dù có phải đói (vì con gái luôn dậy trễ), bố cũng đợi. Trong lúc bố đợi, con gái vẫn ung dung ngồi trải tóc trước thềm rồi bảo bố: 'Bố đợi con thêm một tí nữa nha'. Những lúc đó bố toàn lắc đầu rồi cười bảo: 'Thế này thì đến bao giờ mới lấy được chồng hả con ơi?'".
Bố kính yêu của con! Bao câu chữ chắc cũng chẳng thể nào đong nổi những nhớ thương. Trên đời này người ta có nhiều cái để tự hào, kẻ tự hào vì giàu sang, vật chất, có xe hơi, nhà lầu… còn con tự hào vì mình đã có một người bố tuyệt vời như thế! Bố nhớ uống thuốc đều đặn nhé bố. Tết con lại về với bố, sẽ lại ngồi sau lưng bố và sẽ lại thì thầm thật khẽ: "Bố là xe ôm của đời con".
Yêu thương bố thật nhiều.
Vài nét về tác giả:
Cuộc sống thật thú vị khiến cho ta nửa khóc nửa cười, song nó chỉ dung nạp những ai vững bước đi lên! - Hoàng Yến Anh.
Bài đã đăng: Nắng tháng tư, Ta để rơi tình yêu, Bình yên ơi, về đi, Bước ngược, Ký ức yêu thương, Thư bố, Cho Valentine ấm áp đã qua,Nhớ một mùa Valentine, Người con gái đến sau, Tháng 2, bầu trời xanh màu nắng,Nữ hoàng vương quốc ế, Chiều cuối năm nhớ mẹ, Những ngôi nhà thơm mùi ký ức,Ngủ đi anh, Quá khứ ấy, Ký ức tuổi thơ tròn tựa trăng rằm,Nhân chứng thời gian, Bỏ lại đằng sau nhạt nhòa phai dấu, Đâu rồi anh, Xòe đôi bàn tay,Tháng 12 và bài ca năm tháng, Sinh đôi, Nỗi nhớ trượt dài trên những chuyến đi, Đừng bước nữa qua nhau, Thế giới ảo, giá trị thật, Vịn vào một người để sống, Đường về sao xa quá mẹ ơi, May mà cuộc đời không cho tôi xinh, Phía sau những cuộc tình.