Danny Cho (Steven Yeun) là một nhà thầu xây dựng đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, chật vật lo toan công việc và ổn định gia đình. Amy Lau (Ali Wong) có cuộc sống trong mơ với một gia đình hạnh phúc cùng công việc kinh doanh thuận lợi.
Một lần trên đường đi, họ tình cờ đụng độ vì va quệt xe. "Không má nào chịu nhường má nào", Danny rượt theo Amy và tìm mọi cách để trút bỏ cơn giận. Từ đó, họ trở thành kẻ thù không đội trời chung. Xuyên suốt series Beef (tựa Việt: Bất hòa), hai nhân vật liên tục trả đũa nhau bằng những màn chọc ngoáy dở khóc, dở cười.
Khởi đầu từ một tình huống mang đậm màu sắc của thể loại rom-com (tình cảm - hài), tác phẩm khéo léo chuyển đổi thể loại qua từng tập phim, từ tâm lý, hành động, tội phạm ở các tập đầu đến kinh dị, sinh tồn ở những tập cuối. Với phong cách xuyên suốt là hài đen (black comedy), phim tận dụng bi hài từ xung đột giữa hai nhân vật chính để phản ánh câu chuyện thân phận của những người châu Á ở Mỹ, đồng thời khắc họa cuộc sống khác biệt của hai tầng lớp giàu - nghèo.
Danny đại diện cho tầng lớp lao động, mưu sinh bằng công việc tay chân. Anh sống cùng em trai ruột không có công ăn việc làm ổn định, áp lực "cơm áo gạo tiền" đè nặng hai vai. Mặt khác, là người Mỹ gốc Hàn, anh đối diện với kỳ vọng của bố mẹ khi đảm trách vai trò con cả trong gia đình. Mỗi ngày, Danny chạy việc vặt theo yêu cầu của người dùng thông qua các ứng dụng trực tuyến, với mục tiêu duy nhất là có thể tồn tại.
Ở Danny, khán giả cảm nhận được áp lực khi trở thành trụ cột gia đình của những người đàn ông châu Á. Với họ, việc kiếm được nhiều tiền không đơn thuần chỉ để giúp gia đình có một cuộc sống đủ đầy, mà còn định vị bản thân trong xã hội. Ngoài ra, tuyến truyện của Danny cũng khắc họa nhiều khó khăn khi mưu sinh ở trời Tây của cộng đồng người gốc Á.
Với nền tảng kinh tế vững chắc, Amy không phải trải qua những khó khăn về mặt xã hội như Danny. Cô sống trong một ngôi nhà sang trọng cùng người chồng là nghệ nhân và cô con gái xinh đẹp. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài viên mãn của một người phụ nữ thành đạt cùng nụ cười luôn thường trực, Amy đối diện với hiện thực tình cảm vợ chồng đã nguội lạnh nhiều năm. Cô bối rối trong việc kết nối cảm xúc với chồng, đồng thời phải đảm đương tốt vai trò của một người mẹ, cũng như là một nữ doanh nhân thành đạt.
Vốn quen thuộc trong nhiều câu chuyện về các nhân vật da trắng tại Hollywood, chủ đề "người giàu cũng khóc" nay được đặt vào câu chuyện của Amy, một người phụ nữ gốc Việt. Khai thác đề tài này, Beef phá bỏ giới hạn chủng tộc, cho thấy mọi cá nhân trên thế giới đều có thể gặp phải những vấn đề tương tự nhau.
Dù khác biệt về hoàn cảnh sống, Danny và Amy nói lên tiếng lòng chung của một bộ phận thế hệ người gốc Á tại Mỹ, trong việc cân bằng giữa tư tưởng cởi mở của phương Tây và lối sống khép kín phương Đông. Bề ngoài, họ thoải mái giao tiếp, chia sẻ quan điểm với thế giới. Tuy nhiên, khi đối diện những vấn đề cá nhân, họ có xu hướng chịu đựng, giấu kín và không biết tỏ bày suy nghĩ, cảm xúc với ai. Điều này khiến uất ức trong Danny và Amy chồng chất, để đến khi va chạm nhau, họ dùng người kia như một công cụ để trút bỏ sự giận dữ vốn bị kìm nén.
Ở những tập đầu, Amy và Danny không chạm mặt nhiều. Đa số thời lượng phim dùng để khai thác cuộc sống thông qua góc nhìn cá nhân của từng người. Cách làm này giúp người xem nhìn thấu tâm tư hai nhân vật chính, lý giải động cơ hành động của họ, từ đó tạo dựng sự đồng cảm nơi khán giả.
Danny và Amy đều là những nạn nhân của sang chấn liên thế hệ trong gia đình. Danny là hình mẫu điển hình của những người con không dám thể hiện bản thân, nêu lên chính kiến, xuất phát từ tư tưởng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Trong khi đó, lối mòn trong cuộc sống hôn nhân của Amy khởi nguồn từ những lần chứng kiến cha mẹ cãi nhau khi cô còn nhỏ.
Steven Yeun từng được biết đến qua vai diễn dài hơi trong loạt phim The Walking Dead. Sau đó, nam diễn viên bộc lộ khả năng diễn xuất qua các tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật cao như Okja, Burning, Minari. Anh làm nên lịch sử khi là người gốc Á đầu tiên tranh Oscar hạng mục "Nam diễn viên chính xuất sắc". Quay lại địa hạt truyền hình sau một thời gian vắng bóng, tài tử gốc Hàn chứng tỏ độ chín của một diễn viên thực lực.
Với nhân vật Danny, anh thể hiện khéo léo cả hai mặt hài hước và sâu sắc của nhân vật. Có lúc, Steven tếu táo khi trả đũa Amy. Có khi, nam diễn viên lại bật khóc tự nhiên trước sự tôn thờ tín ngưỡng. Phân đoạn Danny gảy đàn và hát tại nhà thờ mang đến sự an yên cho tác phẩm, khiến người xem xót xa cho thân phận nhân vật.
Ali Wong là nữ diễn viên hài độc thoại gốc Huế nổi tiếng ở Mỹ. Trong các tác phẩm trước, cô tạo ấn tượng với khán giả với lối trình diễn cường điệu đặc trưng. Trong Beef, nữ diễn viên tiết chế nhiều về hành động và nét mặt. Tuy nhiên, Ali không đánh mất sự duyên dáng vốn có trong cách thoại, tạo cảm giác dễ chịu, gần gũi cho người xem. Kết hợp cùng nhau, Steven và Ali tạo nên những phân đoạn hài hước, nhiều năng lượng.
Hỗ trợ Steven và Ali là dàn diễn viên gốc Đông Á hùng hậu, đa phần gốc Việt, Hàn, Hoa, Nhật. Nghệ sĩ Hồng Đào xuất hiện trong một tập phim khi hóa thân thành mẹ của Amy. Dù thời lượng xuất hiện không nhiều, chị lột tả rõ nét sự tảo tần và nhu mì của một người mẹ Việt Nam điển hình.
Ở tập cuối, Beef loại bỏ vai trò của những nhân vật phụ, tập trung hoàn toàn vào hai nhân vật chính. Hình ảnh Danny và Amy hoán đổi suy nghĩ cho nhau tạo nên trường đoạn thoát ly thực tại, đồng thời thể hiện rõ sự thấu hiểu nhau sau một thời gian dài trở thành cặp "oan gia trái chủ".
Nối tiếp thành công của Everything Everywhere All at Once tại Oscar vào đầu năm, Beef khai thác văn hóa châu Á dưới góc nhìn hiện đại và sâu sắc, cùng một chủ đề mang tính phổ quát, phù hợp với dòng chảy Á Đông tại Hollywood đương đại.
Đỗ Hoàng