Xem - Thứ hai, 6/3/2023, 00:00 (GMT+7)

Dấu ấn châu Á tại Oscar

Nỗ lực đa dạng hóa sắc tộc, giải thưởng Oscar dần hướng sự tập trung vào các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là những tác phẩm và cá nhân đến từ phương Đông.

Sau Parasite tạo nên lịch sử khi là phim châu Á đầu tiên thắng giải "Phim xuất sắc nhất" của Oscar, nhiều ý kiến cho rằng làn sóng châu Á tại kinh đô điện ảnh thế giới sẽ nhanh chóng thoái trào. Tuy nhiên nhiều năm qua, văn hóa Á Đông vẫn âm ỉ chảy trong mạch phim của Hollywood và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đêm 26/2 (giờ Mỹ), trên sân khấu Giải thưởng của Liên đoàn diễn viên màn ảnh (SAG), nam diễn viên 94 tuổi James Hong phát biểu: "Các nhà sản xuất từng cho rằng người châu Á không đủ tốt và không phải là cái tên bán vé, nhưng hãy nhìn chúng tôi bây giờ đi". Ông chia sẻ khi cùng dàn diễn viên bộ phim Everything Everywhere All at Once nhận giải "Dàn diễn viên điện ảnh xuất sắc".

Năm nay, Oscar lần thứ 95 mang đến nhiều đề cử thuộc cộng đồng châu Á, thậm chí có phần sôi động hơn mùa giải của Parasite.

Những chấm phá nhỏ

Năm 1935, Merle Oberon nhận đề cử Oscar tại hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc" với bộ phim The Dark Angel. Cô sinh ra và lớn lên tại Ấn Độ với ba là kỹ sư người Anh và mẹ người Sri Lanka. Khi đó, Merle đã che giấu sự thật này.

Sau khi cô qua đời, nhiều tài liệu chứng minh gốc gác của nữ diễn viên được tìm thấy và Merle Oberon được công nhận là người gốc Á đầu tiên được đề cử Oscar. Hành động của Merle không quá khó hiểu trong hoàn cảnh phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ vào những năm 1930, giai đoạn các diễn viên mang dòng máu Á thường xuyên bị đóng khung vào các nhân vật mang nặng định kiến phương Tây.

Cơ hội diễn xuất ít kéo theo việc nhận được đề cử tại các giải thưởng càng khan hiếm. Theo The New York Times, trong lịch sử 95 năm của Oscar, có 23 diễn viên châu Á được đề cử trong tổng số 1.808 đề cử ở bốn hạng mục diễn xuất và chỉ có bốn người đoạt tượng vàng. Chiến thắng đầu tiên thuộc về diễn viên người Nhật Miyoshi Umeki tại hạng mục "Nữ diễn viên phụ xuất sắc", trong tác phẩm Sayonara năm 1957. Năm 1985, nam diễn viên Campuchia Haing S. Ngor mang về tượng vàng với phim The Killing Fields.

Dấu ấn lớn nhất tại Oscar vào thế kỷ 20 là Ben Kingsley, nam diễn viên người Anh gốc Ấn. Năm 1982, ông giành chiến thắng ngay lần đầu tiên được đề cử với vai chính trong phim Gandhi, kể về vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Sau đó, nam diễn viên tiếp tục nhận thêm ba đề cử. Đến hiện tại, Ben Kingsley là diễn viên gốc Á duy nhất mang về nhiều đề cử Oscar, trong khi các diễn viên châu Á khác chỉ được đề cử một lần.

Làn sóng châu Á đổ bộ Oscar

Đầu thế kỷ 21, tác phẩm Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An nhận 10 đề cử Oscar và chiến thắng bốn hạng mục. Sau đó, ông hai lần giành tượng vàng "Đạo diễn xuất sắc". Giai đoạn này, ở hạng mục diễn xuất, có 5 tài năng mang dòng máu Á được đề cử. Tuy nhiên, tất cả đều trượt giải.

Năm 2018, khi Crazy Rich Asians phát hành và đạt thành công, văn hóa châu Á phồn thịnh trở lại tại Hollywood. Bộ phim mang đến khán giả phương Tây một góc nhìn khác biệt hoàn toàn về hình ảnh người Á Đông khi xoáy sâu vào câu chuyện của giới siêu giàu tại Singapore. Tác phẩm tạo nên một cú nổ về doanh thu, trở thành bộ phim hài-tình cảm có doanh thu cao nhất thập kỷ.

Thành công của Crazy Rich Asians có ý nghĩa to lớn đối với các nhà làm phim châu Á, đặc biệt là những người đến từ Đông Á và Đông Nam Á. Sự kết hợp giữa nét truyền thống lâu đời và vẻ hiện đại của vùng kinh tế mới trở thành đề tài màu mỡ cho Hollywood khai thác. Oscar cũng không bỏ lỡ làn sóng này, đặc biệt là sau hàng loạt tranh cãi về sắc tộc giải thưởng điện ảnh danh giá này vướng phải vào năm 2015-2016.

Chiến thắng của bộ phim Hàn Quốc Parasite cùng ba năm phim Hàn bội thu ở Hollywood tạo nên bước ngoặt lớn. Kể từ đó, các nhà làm phim và diễn viên châu Á có nhiều cơ hội tiếp cận với khán giả và chứng tỏ năng lực bản thân với giới phê bình phương Tây, đảm bảo làn sóng Á Đông tại kinh đô điện ảnh không phải trào lưu nhất thời, còn là vấn đề mang lại nhiều giá trị khác.

Những kỳ Oscar sau này đều có sự góp mặt của một đạo diễn châu Á trong bảng đề cử "Đạo diễn xuất sắc". Nữ đạo diễn người Trung Quốc Chloé Zhao mang về hai tượng vàng tại Oscar lần thứ 93 với bộ phim Nomadland. Cùng năm, giải thưởng tôn vinh các diễn viên châu Á khi đề cử Steven Yeun, Riz Ahmed và trao tượng vàng cho nữ diễn viên Hàn Quốc gạo cội Youn Yuh-jung.

Văn hóa phương Đông không còn là vinh quang nhất thời

Từ 2020 đến nay, Hollywood chứng kiến sự đổ bộ của những bộ phim mang chất liệu châu Á ở mọi lãnh địa như Minari, series Squid Game hay bom tấn Marvel Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings. Tại lễ công bố đề cử Oscar lần thứ 95, bản sắc văn hóa Á Đông hiện rõ hơn bao giờ hết khi xuất hiện tại nhiều hạng mục.

Turning Red được đề cử "Phim hoạt hình xuất sắc" mang theo câu chuyện tình thân Trung Hoa. The Elephant WhisperersAll That Breathes bật lên tình hình nghiêm trọng của hệ sinh thái Ấn Độ có mặt trong danh sách đề cử phim tài liệu ngắn và dài xuất sắc. Nhà biên kịch Nhật Bản Kazuo Ishiguro được đề cử tại hạng mục "Kịch bản chuyển thể xuất sắc", khi tạo nên kịch bản phim Living dựa trên tác phẩm kinh điển Ikiru của Akira Kurosawa.

Ca khúc "Naatu Naatu" trong bộ phim Ấn Độ RRR tạo được tiếng vang lớn tại Hollywood trong năm qua, hiện là ứng cử viên số một cho "Nhạc phim xuất sắc", khả năng vượt qua các ca khúc của Lady Gaga và Rihanna.

Nổi bật nhất là bộ phim Everything Everywhere All at Once của cặp đạo diễn Daniel Kwan và Daniel Scheinert, kể về hành trình vượt đa vũ trụ để tìm thấy chính mình của một gia đình nhập cư người Hoa. Với số lượng 11 đề cử, bộ phim hiện dẫn đầu đường đua Oscar.

Ở các hạng mục diễn xuất, Oscar năm nay chứng kiến khoảnh khắc mang tính lịch sử của cộng đồng diễn viên gốc Á. Theo Variety, đây là năm đầu tiên số lượng diễn viên châu Á được đề cử trong cùng một năm đạt con số kỷ lục với bốn người.

Dàn sao phim 'Everything Everywhere All At Once' thắng giải 'Dàn diễn viên điện ảnh xuất sắc' tại SAG.

Sau hơn 40 năm làm nghề, Dương Tử Quỳnh mang về đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với vai diễn người mẹ trong Everything Everywhere All at Once. Cô dấn thân vào Hollywood từ năm 1997, trở thành Bond girl gốc Á đầu tiên trong bom tấn Tomorrow Never Dies.

Đến Crazy Rich Asians, tên tuổi Dương Tử Quỳnh được hâm nóng trở lại. Vai diễn trong Everything Everywhere All at Once được xem như bản tổng kết cho hành trình diễn xuất của đả nữ châu Á, tạo cơ hội để cô thể hiện tài năng khi biến hóa thành nhiều dị bản.

Sau khi nhận giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại SAG, Dương Tử Quỳnh hiện là đối thủ đáng gờm nhất của Cate Blanchett trên đường đua giành tượng vàng Oscar sắp tới. Minh tinh không ngại bày tỏ tham vọng giành giải cao nhất. "Hãy trao tượng vàng cho tôi" - Dương Tử Quỳnh trả lời tạp chí TIME.

Quan Kế Huy là cái tên khác đại diện cho sắc tộc da vàng tại Oscar năm nay. Nam diễn viên sinh năm 1971 tại Việt Nam trong một gia đình người Việt gốc Hoa. Sau đó, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư và bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ nhỏ.

Từ 1992, Quan Kế Huy dừng sự nghiệp diễn xuất do thiếu hụt cơ hội, chuyển sang hoạt động sau màn ảnh. Năm 2022, khi thị trường điện ảnh thay đổi, nam diễn viên trở lại với dự án Everything Everywhere All at Once. Trong phim, anh hóa thân thành người chồng hết mực yêu thương vợ con.

Quan Kế Huy thắng giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc" tại hầu hết các giải thưởng tiền Oscar, bao gồm Quả cầu vàng. Thành tích này đưa nam diễn viên lên vị trí hàng đầu cho danh hiệu tương tự tại Oscar năm nay.

Anh cho biết: "Tôi đã xem lễ trao giải Oscar 30 năm nay và cứ mỗi năm, tôi lại tưởng tượng mình sẽ có mặt tại đó. Tuy nhiên, tôi đã rời nghiệp diễn quá lâu và giấc mơ đó dần tan biến. Vì vậy, khi nhận đề cử, tôi không thể nói nên lời".

Bộ ba Quan Kế Huy, Dương Tử Quỳnh, Stephanie Hsu.

Trái ngược với trường hợp "nở muộn" của Dương Tử Quỳnh và Quan Kế Huy, nữ diễn viên Stephanie Hsu đại diện cho lớp diễn viên trẻ kế thừa tinh hoa Á Đông tại Hollywood. Mẹ cô là người Đài Loan di cư đến Mỹ từ thời tuổi trẻ, với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xuất thân từ những vai diễn sân khấu và truyền hình nhỏ, Stephanie Hsu dần trở thành phát hiện mới của Hollywood trong những năm gần đây, sau khi tham gia Vũ trụ điện ảnh Marvel. Trong Everything Everywhere All at Once, nữ diễn viên đóng vai diễn kép với hai nhân dạng khác biệt hoàn toàn về tính cách. Không ngần ngại thể hiện năng lực khi đóng cùng những tên tuổi lớn như Dương Tử Quỳnh và Quan Kế Huy, cô nhận đề cử Oscar đầu tiên ở hạng mục "Nữ diễn viên phụ xuất sắc".

Trước thềm lễ trao giải Oscar sáng 12/3 (theo giờ Hà Nội), các đại diện châu Á nhiều lần ghi dấu thành công ở các lễ trao giải điện ảnh uy tín. Điều này trở thành cơ sở để báo chí quốc tế đặt kỳ vọng cho mùa giải nhiều dấu ấn Á Đông.

Đỗ Hoàng (Theo EW, The New York Times, TIME, Variety)

Đánh giá phiên bản mới