Vừa dùng tăm bông chấm thuốc xanh methylen lên các nốt rạ trên mặt con, quay đi quay lại, chị Thùy Linh hốt hoảng vì bé Boony tự "nhuộm" kín cơ thể bằng cách lấy tay xoa. Chị nói đùa rằng con gái như được nhúng vào lọ mực, chỉ chừa mỗi cái bỉm. Thấy mọi người nhìn mình cười, Boony thích chí vuốt ve hai má khiến gương mặt càng lem nhem.
Chị Thùy Linh bị thủy đậu nhưng không biết nên lây cho con từ giai đoạn ủ bệnh. Khi được mẹ chấm thuốc lên mụn nước, Boony thấy lạ lẫm, đứng hồi lâu ngắm mình trước gương. Từ khi bị thủy đậu, con gái chị Linh sốt hai lần nhưng bé không quấy khóc. Lúc mẹ đi làm, Boony ở nhà với ông bà, chơi chán thì ngủ.
Boony được mẹ cho đeo bao tay để tránh gãi lên các mụn nước nhưng bé không chịu nên chị Linh phải để mắt tới con liên tục. Bà mẹ 23 tuổi hài hước nói, từ lúc Boony bị thủy đậu, bé "sơn" lại phòng ngủ bằng thuốc xanh methylen. Chị Linh mất khá nhiều thời gian giặt chăn, màn và tẩy vết bẩn trên giường, tủ, bàn ghế. Mẹ Boony bỏ đi khá nhiều quần áo của bé và một số đồ vì không thể làm sạch.
Đây là lần đầu con gái bị ốm nhưng chị Thùy Linh không bỡ ngỡ trong việc chăm sóc bé. Chị duy trì thực đơn ăn dặm như ngày thường bao gồm rau xanh, tinh bột và thịt cho Boony; riêng mẹ kiêng thực phẩm tanh như tôm, cua, cá để bé bú sữa an toàn. Chị Thùy Linh tắm cho con mỗi ngày một lần bằng nước lá chân vịt, tích sẵn thuốc hạ sốt phòng khi con tăng nhiệt độ.
Theo chị Linh, khi bé xuất hiện những dấu hiệu như sốt li bì, bỏ ti hoặc nổi các chấm nhỏ trên da, cần đưa con tới cơ sở y tế; Nên tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ để bé nhanh khỏi. Trong thời gian bị thủy đậu, bố mẹ có thể mặc cho bé quần áo cũ để bỏ đi sau khi khỏi bệnh. Chú ý giữ vệ sinh cho trẻ thật tốt để tránh nhiễm trùng và để lại sẹo.
Lam Trà